Chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ: “Mẹ là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi”

Nhật Hà Thứ ba, ngày 26/07/2022 09:00 AM (GMT+7)
Dù chưa một ngày được đến trường, nhưng nhờ có mẹ dạy và tình yêu cháy bỏng với những trang sách, “thủ lĩnh tình nguyện” Đỗ Hà Cừ đã làm được nhiều điều phi thường mà có khi người bình thường không làm được hoặc bỏ cuộc.
Bình luận 0

Đỗ Hà Cừ: "Sách vừa là bạn, vừa là thầy, sách đã làm thay đổi cuộc đời tôi"

"Thủ lĩnh khuyết tật" Đỗ Hà Cừ chia sẻ về những khó khăn khi thành lập Không gian đọc Hy Vọng. Clip: Nhật Hà 

Mặc dù đã đọc các bài báo về Đỗ Hà Cừ trước đó và đã kết bạn, trò chuyện với Đỗ Hà Cừ qua Facebook, nhưng khi gặp Cừ tại nhà riêng (tại TP. Thái Bình), tôi vẫn vô cùng kinh ngạc và xúc động. Những gì Cừ và gia đình làm được quá lớn lao so với vóc dáng nhỏ bé do bị bại liệt bẩm sinh và phải ngồi trên xe lăn của Cừ.

Đỗ Hà Cừ (sinh năm 1984) không thể tự do di chuyển, chân tay co quắp, và hầu như không cử động được, Cừ nói, trò chuyện cũng khó khăn. Tuy nhiên, những trở ngại đó không ngăn được tình yêu và đam mê của chàng thanh niên khuyết tật đối với sách.

Chia sẻ với PV Dân Việt, Đỗ Hà Cừ giãi bày, "Tôi khuyết tật vận động bẩm sinh do di chứng chất độc màu da cam từ bố. Tất nhiên lỗi không phải do bố, lỗi tại chiến tranh. Từ khi còn nhỏ tôi đã khao khát kiến thức nhưng do bệnh tật nên tôi chưa một ngày được cắp sách tới trường, được vui chơi cùng bạn bè giống như chúng bạn. Những hôm nằm ở nhà nhìn ra ngoài đường thấy bạn bè cắp sách tới trường, tôi rất buồn tủi và tự ti về bản thân.

Tất cả những kiến thức tôi học được đều nhờ vào sự dạy dỗ từ gia đình, đặc biệt là việc dạy bảo từ người mẹ "vĩ đại" và những trang sách nhỏ. Tôi có một tình yêu tha thiết với sách. Sách vừa là người thầy dạy tôi những kiến thức đông tây, kim cổ, sách còn là người bạn tâm giao trò chuyện cùng tôi, đưa tôi đến những nơi mà ngoài đời thực tôi không tới được", Cừ trải lòng.

Nhưng ngày trước, gia đình Cừ còn khó khăn, chưa có điều kiện mua nhiều sách cho Cừ đọc. Anh bắt đầu mượn sách của hàng xóm, họ hàng, bạn bè của bố mẹ. Nhưng rồi lượng sách đó cũng dần dần vơi cạn.

Cách đây vài năm em trai Cừ lắp cho anh một dàn máy vi tính, mẹ và em trai thay nhau dạy anh những kiến thức cơ bản về máy tính cũng như mạng Internet giúp Cừ kết nối với bạn bè bốn phương.

Chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ: “Mẹ là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi” - Ảnh 2.

Đỗ Hà Cừ bên mẹ. Ảnh: Nhật Hà

Lúc đó anh cũng liều một phen đó là viết email tới các nhà sách mà anh tìm được trên mạng Internet để xin sách. Lúc đầu, anh cũng chỉ xin sách cho riêng anh thôi.

Và rồi một ngày, tình cờ có một người bạn nói với Cừ "Em thích sách đến vậy, sao em không mở một tủ sách cộng đồng, như thế em sẽ có nhiều sách để đọc và sẽ có nhiều bạn cùng sở thích đến chơi với em. Nếu em muốn anh sẽ giới thiệu đến tổ chức Không gian đọc của anh Trần Thiện Tùng. Anh ấy sẽ giúp em mở tủ sách cộng đồng".

Cừ mạnh dạn nhờ anh Trần Thiện Tùng, các nhà hảo tâm và sự ủng hộ của gia đình, Không gian đọc Hy Vọng của Cừ chính thức ra đời vào ngày 24 tháng 7 năm 2015. Sau 7 năm hoạt động, hiện nay Không gian đọc Hy Vọng đã đón tiếp 10.000 lượt bạn đọc và duy trì thường xuyên 4000 bản sách đế phục vụ bạn đọc. Số sách ở tủ sách cũng thường xuyên được làm mới.

Từ ngày có tủ sách của riêng mình, được góp phần cống hiến cho xã hội, được thỏa mãn niềm đam mê đọc sách và có nhiều bạn đến chơi, cuộc sống của Cừ có nhiều thay đổi, niềm vui được nhân lên, thậm chí có nhiều cô gái còn nhắn tin bày tỏ sự ngưỡng mộ với Cừ.

Đặc biệt, năm 2022, anh còn được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen về những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng.

Chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ: “Mẹ là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi” - Ảnh 3.

Không gian đọc Hy Vọng hàng ngày đón rất nhiều lượt bạn đọc đến đọc sách. Ảnh: NVCC

Để Không gian đọc Hy Vọng phát triển như hiện nay, Cừ cũng không quên những khó khăn, những vui buồn đã qua kể từ lúc mới thành lập tủ sách, anh nhớ lại, "Ngoài khó khăn về vật chất, tinh thần, tôi còn phải chịu đựng áp lực, tiếng xì xèo từ hàng xóm, có người nói tôi rằng  mày tật nguyền như thế, đến phục vụ bản thân cũng phải nhờ đến bố mẹ như thế, thì mày làm từ thiện cho ai. 

Thật tình, lúc đó tôi chịu nhiều áp lực lắm, nhưng rồi nhờ sự yêu thương và chiều chuộng từ bố mẹ, hết lòng phục vụ bạn đọc vì niềm đam mê của con, tôi bỏ qua những lời phát xét tiêu cực đó để giữ vững mục tiêu, ý chí của mình", Cừ nói.

Đỗ Hà Cừ: "Mẹ là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi"

Đối với một người khoẻ mạnh, để học và làm được gì đó, nhiều người đã không làm được hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Trong khi đó Cừ đã học được chữ, đọc được sách và làm được bao việc tốt, có ý nghĩa. Để làm được như vậy, Cừ không quên nhắc tới công lao trời bể của bố mẹ, đặc biệt là mẹ.

Chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ: “Mẹ là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi” - Ảnh 4.

Chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ: “Mẹ là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi” - Ảnh 5.

38 năm qua, mọi con đường anh qua đều có dấu chân và mồ hôi của mẹ. Ảnh: NVCC

Cừ chia sẻ "Tôi bi liệt bẩm sinh, không đến trường được, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân, vì thế, tôi được mẹ dạy chữ theo cách rất đặc biệt. Ngoài ra, tôi còn chậm phát triển đến tuổi đi học tôi mới biết nói và nói rất ngọng, trong khi đó mẹ vừa phải đi làm việc cơ quan, vừa bận công việc gia đình lại còn có em nhỏ.

 Lúc đầu mẹ không dạy chữ, mẹ vừa làm việc nhà vừa đọc thơ. Mẹ tôi thuộc rất nhiều thơ. Mẹ bảo khi đi học thầy giáo dạy Văn cấp 3 của mẹ bắt chép những bài thơ của các tác giả nổi tiếng nên mẹ thuộc nhiều lắm. Cho đến bây giờ bao nhiêu năm rồi mẹ vẫn còn thuộc và đọc cho tôi nghe. Thế rồi Cừ học nhẩm theo và thuộc lúc nào không biết".

Còn về việc học chữ, lúc đầu mẹ Cừ viết vài chữ cái vào cái ghế đẩu, trước khi đi làm, mẹ để nghiêng cái ghế chỗ anh nằm, một mình ở nhà Cừ cứ nhẩm và học thuộc. Mỗi ngày vài chữ, lúc đầu mẹ viết phấn ra ghế, còn sau mẹ đến cơ quan đánh máy những chữ cái thật to treo ở thành ghế để anh học thuộc.

Sau đến lúc học ghép vần mẹ anh lại đánh máy mỗi ngày vài chữ từ dễ đến khó, dần dần Cừ cũng nhận mặt được một số chữ. Lúc đầu mẹ đánh máy vài câu dễ phóng thật to. Sau đó mẹ rút nhỏ dần cỡ chữ và cứ như thế Cừ nhận mặt chữ từ việc đọc thơ và chữ nọ gọi chữ kia ra. Khi đã thuộc thơ rồi thì nhìn vào chữ này có thể suy ra chữ khác, lâu dần Cừ đọc được chữ.

Từ đó Cừ bắt đầu đọc sách. Khi bắt đầu đọc sách mẹ phải thiết kế một cái bàn đọc sách đặc biệt để Cừ có thể giở sách sang trang khác được khi đọc xong. Cái bàn nghiêng khoảng 45, độ để kẹp quyển sách vào đó, mẹ phải dùng dây chun căng 1 dây phía trên và 1 dây phía dưới cuốn sách để khi giở sách,  cuốn sách không rơi ra khỏi bàn. Vì ngón tay co quắp nên Cử giở sách rất khó khăn, có khi công giở được 1 trang sách nhiều hơn công đọc. Với cách làm của Mẹ, Cử giở sách dễ dàng hơn.

Để hiểu thêm về thế giới bên ngoài mà những trang sách không có. Cừ bắt đầu học vi tính. Mẹ dạy Cừ những nét cơ bản để sử dụng máy vi tính, sau khi đã nắm được những điều cơ bản Cừ tự mày mò vào mạng Internet.

Chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ: “Mẹ là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi” - Ảnh 6.

Đỗ Hà Cừ làm việc, trao đổi với các tình nguyện viên bằng hình thức online. Ảnh: Nhật Hà

Học chữ đã vất vả, học vi tính với Cừ còn vất vả hơn nhiều. Qua nhiều lần nằm sử dụng bàn phím dù đã tìm đủ mọi cách nhưng Cừ không thể đánh chữ bằng bàn phím như mọi người được. Mẹ lại là người thiết kế cái bàn trượt chuột di ngược khi ngửa tay lên để di chuột. Đánh máy thế rất vất vả chỉ khoảng 30 phút thì áo quần đẫm mồ hôi như người tắm.

Sau này Cừ dùng chuột bay và đánh từng chữ trên bàn phím ảo thì đỡ mệt hơn nhưng cũng chậm.  Dù chậm và vất vả nhưng anh không nản chí và bỏ cuộc. Lâu nay anh đã sử dụng thành thạo máy vi tính và làm việc với mạng lưới tình nguyện viên và thủ thư của các CLB đọc sách cả nước bằng hình thức online.

Chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ: “Mẹ là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi” - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Kim Sơn - mẹ của "Thủ lĩnh tình nguyện" Đỗ Hà Cừ. Ảnh: Nhật Hà

Chia sẻ thêm với PV, bà Nguyễn Thị Kim Sơn (70 tuổi, mẹ thủ lĩnh Đỗ Hà Cừ) cho biết "Tôi là người bạn, là đôi tay, là đôi chân, là trí óc, là người đồng hành cùng con mọi nẻo đường, con muốn đi đâu, tôi đưa đi đấy".

Bà Sơn kể, khi mới sinh Cừ không được bình thường như những đứa trẻ khác. Hơn 4 tháng tuổi, cậu con trai vẫn không thể nhấc đầu, chân tay yếu, bà dự cảm có điều không lành. Bà đóng một cái nôi gỗ cho Cừ nằm, đặt lên xe đạp, đi khắp các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội... chữa trị.

Khoảng 5 tuổi, hy vọng chữa khỏi bệnh cho Cừ bị dập tắt. Anh được kết luận bị di chứng chất độc da cam từ bố. Cả cơ thể anh co quắp, chỉ duy nhất một ngón tay và trí não làm việc. "Đêm nào tôi cũng nằm ngắm con. Thấy nó trắng trẻo, bụ bẫm, lòng tôi càng thấy đau, thấy tiếc", bà Sơn kể. Xác định đau khổ vô ích, trong bóng đêm, bà tự nhắc mình phải chiến đấu cùng con.

Chồng sức khỏe yếu, lại phải chăm sóc con trai thứ hai, nên hầu như một mình bà lo cho Cừ. Mỗi sáng, trước khi đi làm, bà lo cơm nước, vệ sinh cho Cừ. Buổi trưa, bà đạp xe hơn 3km về nhà, rồi lại đi làm ca chiều.

Khi Cừ lớn hơn, bà Sơn bắt đầu dạy Cừ chữ thông qua việc đọc thơ, và nằm ngửa cùng con đọc sách. Sau này bà lại là người cùng con học vi tính.

Thấy con thích xem bóng đá, bà Sơn từng hàng chục lần bắt xe khách, đưa Cừ đến các sân vận động Lạch Tray, sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy... Còn mùa World Cup, con trai thức đến gần sáng xem, khi hết trận, quay lại, vẫn thấy mẹ đang nhìn mình. Cừ giật mình hỏi sao mẹ chưa ngủ, bà bảo: "Mẹ sợ mày đánh rơi điều khiển, không nhặt được".

Được mẹ dạy chữ nên Cừ rất thích đọc sách. Đọc hết tủ sách của nhà, bà Sơn sang hàng xóm, đến thư viện tỉnh, mượn sách cho con. Hết sách mượn, không có tiền mua, hai mẹ con mày mò lên mạng xin, mượn sách của các nhà xuất bản.

Được một người quen qua mạng xã hội gợi ý mở thư viện miễn phí truyền cảm hứng đọc sách cho mọi người, sẽ được hỗ trợ nguồn sách, Cừ hào hứng. Anh bàn với mẹ và bà Sơn thức cả đêm lau mồ hôi cho con để Cừ lập kế hoạch xây dựng dự án thư viện tại nhà.

Anh kêu gọi được các nguồn tài trợ. Hàng chục thùng sách đưa về, một tay mẹ mang vác, sắp xếp. Năm 2015, thư viện mở cửa và đón những vị khách đầu tiên. Ngoài nhiệm vụ săn sóc con hàng ngày, bà Sơn kiêm chức thủ thư, giới thiệu sách hay cho các cháu học sinh và cùng con kêu gọi các nhà tài trợ.

Khi Cừ được nhận giải thưởng tình nguyện, Bà Sơn lại là đôi chân phía sau chiếc xe lăn cùng con đi tới những nơi vinh quang đó.

Nói về mẹ, Cừ xúc động chia sẻ: "Nếu không có mẹ, không thể có tôi ngày hôm nay, mọi dấu ấn cuộc đời tôi đều có mồ hôi của mẹ, năm nay tôi 38 tuổi cũng là 38 năm mẹ chiến đấu số phận cùng tôi, nhưng giờ mẹ tôi cũng 70 tuổi rồi, chân tay đau nhức, việc bế vác tôi hàng ngày cũng vất vả.

Tôi chỉ mong mình có thể tìm được một việc làm, có thể nuôi sống được bản thân. Bố mẹ tôi già rồi, nếu sau này bố mẹ lìa xa tôi, nếu có nơi nào nhận tôi vào làm việc, tôi có tiền thì có thể thuê được người chăm sóc bản thân mình. Tôi cũng ao ước có được cô gái nào đó đồng cảm, chia sẻ và đồng hành cùng tôi đến hết cuộc đời", Cừ lặng lẽ bộc bạch. 

Không chỉ đam mê đọc sách, anh Cừ còn làm thơ. Những vần thơ mộc mạc của anh được mẹ ghi lại, đến nay anh đã làm hơn100 bài thơ, phần lớn anh dành tình cảm cho người mẹ vĩ đại của mình. Sau mỗi bài thơ anh lại ký tên Người con bất hiếu: Đỗ Hà Cừ.

Xin lỗi mẹ

Hôm nay mẹ nằm viện

Nhà ta lại neo người

Một mình ở bệnh viện

Chắc buồn lắm mẹ ơi!

Mẹ ơi con xin lỗi

Gần bốn mươi tuổi đời

Con chẳng giúp gì được

Làm phiền cha mẹ thôi

Nếu như có điều ước

Con ước mẹ sống lâu

Mẹ mãi mãi khỏe mạnh

Con hết bị tật nguyền

Để mẹ hết lo lắng

Về đứa con tật nguyền

Người con bất hiếu: Đỗ Hà Cừ 31/7//2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem