DN không được đổi bánh kẹo lấy máy bay vô chủ ở sân bay Nội Bài

Thế Anh Thứ tư, ngày 09/10/2019 09:56 AM (GMT+7)
Việc một doanh nghiệp đề xuất lấy hàng hóa là bia, rượu, bánh, kẹo để trao đổi lấy chiếc máy bay vô chủ đang đỗ ở sân bay Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chưa có cơ sở pháp lý nào cho phép đổi máy bay lấy hàng hoá là bánh kẹo.
Bình luận 0

Được biết, đơn vị đề xuất đổi bánh kẹo lấy máy bay vô chủ ở sân bay Nội Bài là Công ty cổ phần Tiffany & Son (TiffSon) - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp, xử lý hàng tồn kho bằng phương pháp trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

Đơn vị này đề xuất với Cục Hàng không Việt Nam trao đổi máy bay Boeing 727-200 của hãng Royal Khmer Airlines (Campuchia) đã bỏ tại sân bay Nội Bài từ năm 2007 lấy hàng hóa là bia, rượu, bánh, kẹo. Tổng giá trị của số hàng hóa này trị giá 3 tỷ đồng và thuộc sở hữu của TiffSon.

Lý do muốn sở hữu chiếc máy bay trên là bởi có một số đối tác của doanh nghiệp này muốn sử dụng chiếc máy bay này để làm nhà hàng, địa điểm vui chơi hoặc sơn lại mặt ngoài để quảng bá thương hiệu nên TiffSon đứng ra trung gian đề xuất trao đổi.

img

Máy bay vô chủ ở sân bay Nội Bài.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã có văn bản trả lời về đề xuất của doanh nghiệp muốn đổi hàng hoá là bánh kẹo lấy chiếc máy bay vô chủ ở sân bay Nội Bài.

Vị này cho biết thêm, hiện nay, chưa có cơ sở pháp lý nào cho phép đổi máy bay lấy hàng hoá là bánh kẹo. Đặc biệt, không cho phép thực hiện bằng hình thức trao đổi tài sản.

Trước đó, chiếc Boeing B727 của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, sau vài chuyến bay khai thác trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại Nội Bài từ ngày 1/5/2007 đến nay. Cục Hàng không đã nhiều lần thông báo cho chủ nhân về hiện trạng và yêu cầu di dời khỏi Nội Bài, thanh toán phí lưu đỗ nhưng không có ai nhận.

Tính đến ngày 23/4/2018, các chi phí về sân đỗ, trông coi, bảo quản chiếc máy bay này đã lên tới hơn 832 nghìn USD. Trong đó có 753,8 nghìn USD là tiền dịch vụ đậu sân bay, tiền dịch vụ bảo vệ tàu bay là hơn 78,9 nghìn USD.

Trước đây, cũng có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đề xuất được sở hữu chiếc máy bay vô chủ này với nhiều mục đích như: làm giáo cụ giảng dạy, phòng cháy chữa cháy, diễn tập chống khủng bố… Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì Cục Hàng không vẫn chưa đủ cơ sở để quyết định việc xử lý chiếc máy bay này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem