Dinh thự họ Vương: Lối kiến trúc phòng thủ độc đáo trên cao nguyên đá

Gia Bình - Bách Thuận Chủ nhật, ngày 25/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
Lối kiến trúc phòng thủ độc đáo của Dinh thự nhà họ Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đã giúp cho ông chủ dinh thự và con cháu đứng vững ở Đồng Văn, trải qua giai đoạn lịch sử nhiều xáo trộn.
Bình luận 0

Nơi kiến trúc bản địa thăng hoa

Chủ nhân đầu tiên của căn nhà, ông Vương Chính Đức (SN 1865) ở Trung Quốc sau đó chạy loạn xuống Đồng Văn, nơi hiện nay thuộc địa phận 4 huyện của tỉnh Hà Giang. 

Mảnh đất này khi đó thuộc sự quản lý của quân Cờ đen dưới quyền Lưu Vĩnh Phúc tự Uyên Đình. Viên tướng lưu vong của nhà Thanh này ghi dấu ấn ở nước ta khi nhiều lần đánh bại quân Pháp, còn lấy thủ cấp đại tá Henri Rivière trong trận Cầu Giấy.

Đối diện quân Cờ đen hùng mạnh, Vương Chính Đức bằng tài năng quân sự của mình đã tập hợp người H'Mông, đuổi đánh thành công lực lượng này và tự lên làm thủ lĩnh vùng Đồng Văn. 

Ông Đức sau đó lãnh đạo dân bản địa, trồng thuốc phiện bán đi các nơi và trở thành người "siêu giàu" thời đó. Năm 1898, ông quyết định khởi công xây dựng nhà ở của mình, tức Dinh nhà Vương hiện nay.

Tuy nhiên, những thế lực quân sự xung quanh, từ ngoại bang tới các thủ lĩnh H'Mông khác đã tác động tới thiết kết công trình theo hướng buộc nó ngoài trở thành nơi ở còn phải là một pháo đài.

Dinh nhà Vương: Lối kiến trúc phòng thủ độc đáo trên cao nguyên đá - Ảnh 1.

Thiết kế Dinh nhà Vương giống như một pháo đài. Ảnh: Ngọc Hải

Để xây dựng, ông Đức thuê một tướng nhà Thanh là Tống Bách Giao làm "tổng thầu" và một người Hồi ở Trung Quốc phụ trách thiết kế thi công kỹ thuật còn nhân công người H'Mông. Do vậy, đặc trưng của văn hóa, kiến trúc bản địa được thăng hoa, kết hợp với những xu hướng khác tạo dấu ấn khó quên.

Chúng thể hiện từ chân cột tạc hình quả thuốc phiện, những phiến đá được đục bằng kỹ thuật riêng của vùng cao nguyên… hòa quyện cùng mái ngói người Hoa, những bức tường mang phong cách Pháp hay lò sưởi kiểu Tây.

Dinh nhà Vương: Lối kiến trúc phòng thủ độc đáo trên cao nguyên đá - Ảnh 2.

Dinh có sự kết hợp văn hóa kiến trúc của người H'Mông, Trung Quốc và Pháp. Ảnh: Ngọc Hải

Chia sẻ với NTNN/Dân Việt, ông Vương Duy Bảo - cháu 5 đời của ông Vương Chính Đức cho biết, Dinh nhà Vương kết hợp văn hóa kiến trúc của cả người H'Mông, Trung Quốc và Pháp. 

Những người tư vấn, tham mưu xây dựng dinh thự gồm Nguyễn Hoàng (người Nam Định bị Pháp đuổi đánh lên Hà Giang làm quan văn của ông Đức) và Cử Chùng Lù (một mưu sĩ về quân sự). Do vậy, Dinh có đầy đủ các chức năng gồm sinh sống, hành chính và phòng thủ.

Kiến trúc phòng thủ độc đáo

Theo tìm hiểu, nơi xây dựng Dinh nhà Vương cũng độc đáo, nằm trong thung lũng Sà Phìn nhưng trên một ngọn đồi đất, hình thế "như một con rùa". Bao quanh Dinh là 4 núi đá, lần lượt tượng trưng cho quan võ, quan văn, phú quý và trường tồn. 

Tương truyền, ông Vương Chính Đức phải thuê một thầy địa lý giỏi, đi khắp đất Đồng Văn trong nhiều năm để chọn địa điểm này.

Về mặt quân sự, Sà Phìn là nơi trung tâm của cao nguyên đá, tiện lợi cho giao thông, hậu cần nhưng để "từ xuôi lên đây", phải qua nhiều nơi "dễ công khó thủ" như Cổng Trời Quản Bạ, đồn Phó Bảng…

Dinh nhà Vương: Lối kiến trúc phòng thủ độc đáo trên cao nguyên đá - Ảnh 3.

Dinh nhà Vương nằm ở trên một ngọn đồi đất, hình thế như con rùa. Ảnh: Ngọc Hải

Người cháu 5 đời của "Vua Mèo" chia sẻ, để hiểu kiến trúc quân sự của Dinh, cần nắm rõ khoảng thời gian lịch sử đầu thế kỷ 20. Theo đó, những lực lượng quân sự có thể tới Đồng Văn chỉ trang bị súng kíp, lựu đạn chày hoặc súng máy. 

Không lực lượng nào đủ sức mang những khẩu pháo có sức công phá lớn lên tận trung tâm cao nguyên đá với nhiều núi cao, đường đèo như dốc Thẩm Mã - nơi "thẩm tra" những ngựa thồ khỏe nhất. Do vậy, những bức tường đá dày 60cm bao quanh khu vực Dinh rộng gần 4.900m2 đủ sức chống chịu mọi vũ khí.

Về kiến trúc, toàn Dinh có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với tổng cộng 64 buồng xây bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ và ngói đất nung. Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo. 

Xưa kia, khu tiền dinh là nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và người giúp việc. Trung dinh và dậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương hoặc quan lại đất Đồng Văn.

Dinh nhà Vương: Lối kiến trúc phòng thủ độc đáo trên cao nguyên đá - Ảnh 4.

Dinh nhà Vương có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với tổng cộng 64 buồng. Ảnh: Ngọc Hải

Những bức tường bao quanh Dinh được bố trí 36 lỗ châu mai, tương ứng 36 tay súng canh gác. Tại 4 góc là 4 lô cốt vững chắc, được bố trí từ 6 đến 8 người cảnh giới ngày đêm. 

Tổng cộng, lực lượng bảo vệ "Vua Mèo" và gia đình lên tới khoảng 60 người, đều là dân bản địa được nuôi ăn, tạo điều kiện mua bán thuốc phiện nên "rất trung thành".

Xung quanh công sự, ban đầu không có cây cối được trồng nhằm để những người lính có thể phát hiện mọi sự xâm nhập từ xa. 

Những cây sa mộc du khách thấy hiện nay được trồng sau này. Để cố thủ bên trong thời gian dài, vị Bang tá đất Đồng Văn bố trí kho lương thực, chuồng gia súc đủ để tất cả người bên trong dùng trong vài tháng.

Đặc biệt, một bể nước 200m3 được xây dựng, đây là điều rất quan trọng bởi sự khô hạn nơi cao nguyên đá có thể tiêu diệt bất cứ đội quân nào. Phòng ngủ, tiếp khách của ông Vương Chính Đức còn được xây dựng kiên cố hơn, thông với lô cốt và một căn hầm để đảm bảo an toàn tối đa. 

Người này còn nổi tiếng khi đề phòng bị đầu độc đến mức "không ăn chung với ai" và chỉ dùng một đôi đũa đặc biệt, có thể phát hiện chất gây nguy hiểm.

"Căn cứ bất khả xâm phạm"

Trong hàng chục năm ông Vương Chính Đức cai quản Đồng Văn, không có đội quân nào đánh được lên pháo đài của ông. Tuy vậy, vị Bang tá của triều Nguyễn vẫn trang bị vũ khí cho nam thanh niên, đàn ông của 4 làng bản xung quanh Dinh nhằm đề phòng bị đột kích. 

Ông dự kiến, khi căn cứ của mình bị tấn công, hàng trăm người của 4 làng sẽ đến ứng cứu, kết hợp với lực lượng bên trong Dinh cùng "nội ứng, ngoại hợp", đánh bại mọi kẻ địch.

Dinh nhà Vương: Lối kiến trúc phòng thủ độc đáo trên cao nguyên đá - Ảnh 5.

Như một căn cứ bất khả xâm phạm, Dinh nhà Vương đã cùng với ông chủ Dinh thự và con cháu đứng vững ở Đồng Văn, trải qua giai đoạn lịch sử nhiều xáo trộn. Ảnh: Minh Ngọc

Cách Dinh không xa, có một hang đá trên núi cao là kho vũ khí, lương thực của Vương Chính Đức và cũng là căn cứ thứ 2. Những năm 1930, một số đội quân Trung Quốc tràn vào Đồng Văn nên gia đình ông Đức tới đây sinh sống, đợi khi đuổi hết lực lượng ngoại bang mới quay lại Dinh. 

Di tích này hiện còn bếp, cối xay ngô, bể nước… Sự kết hợp giữa 2 căn cứ cũng là điểm độc đáo, thể hiện tính cẩn thận của người đứng đầu Đồng Văn một thời.

Trong lịch sử, người Pháp từng đem quân lên "trấn áp" vùng cao nguyên đá nhưng bị quân đội H'Mông đánh bại nên năm 1913 phải thừa nhận quyền tự trị nơi đây. 

Dấu tích việc này còn thể hiện ở đôi câu đối trước cửa Dinh nhà Vương, ban đầu là: "Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập - Môn trọng nghĩa hào kiệt vãng lai". 

Người Pháp cho rằng nếu "cửa này vẫn chiêu dụ hào kiệt" tức vẫn chưa "tin nhau" nên ông Đức sau đó đổi câu thứ 2 thành: "Môn phong lưu quý khách vãng lai" như mọi người thấy hiện nay.

Sau thời gian đó, khu vực Đồng Văn tương đối yên ổn nên năm 1923, ông Vương Chính Đức được vua Khải Định tặng hoành phi "Biên chính khả phong" tức vùng biên cương mẫu mực về hành chính. 

Khoản lạc của bức hoành ngoài ghi năm tháng ban tặng, còn đề: "Bang tá vương công chính đức đức chính", tạm dịch là việc trị vì, hành chính bằng đức của vị Bang tá tên Chính Đức.

Từ những năm 1930, người Pháp mới thành công đưa ảnh hưởng của mình vào Đồng Văn nên xuất hiện hình ảnh ông Vương Chính Đức đứng cùng lĩnh dõng thuộc địa. Chính kiến trúc độc đáo của Dinh đã giúp sức cho ông Đức và con cháu đứng vững ở Đồng Văn qua một giai đoạn lịch sử nhiều xáo trộn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem