Điều ít biết về kiến trúc cổ bên trong nhà thờ lớn nhất Hà Nội

Bích Thuận Thứ hai, ngày 06/02/2023 18:09 PM (GMT+7)
Nhà thờ Lớn Hà Nội là điểm đến quen thuộc của du khách cũng như những người theo đạo Công giáo, nhưng ít ai biết rằng trên nền móng cũ của nhà thờ lại từng có một kiến trúc Phật giáo tráng lệ nhất lịch sử nước ta.
Bình luận 0

Clip nhà thờ lớn Hà Nội. Thực hiện: Bích Thuận.

Nhà thờ lớn Hà Nội – điểm đến xuyên ba thế kỷ

Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng vào năm 1884 và khánh thành năm 1887. Đây được coi là một trong những công trình kiến trúc phương Tây lớn nhất tại Hà Nội.

Nhà thờ Lớn Hà Nội gây sức hút với du khách bởi sự độc đáo trong lối kiến trúc mang phong cách Gothic trung cổ châu Âu (thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng), mô phỏng Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời.

Điều ít biết về kiến trúc cổ bên trong nhà thờ lớn nhất Hà Nội - Ảnh 2.

Nhà thờ Lớn Hà Nội thu hút nhiều du khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Bích Thuận.

Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung - một vật liệu truyền thống của người Việt, tường trát bằng giấy bồi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh tường hình tam giác là cây thánh giá bằng đá.

Bên ngoài nhà thờ mang dáng vẻ cổ kính với lớp vôi cũ rêu phong, hiện rõ lớp bụi thời gian qua 3 thế kỷ. Bên trong mang vẻ tráng lệ và trang nghiêm được chia thành 5 phần, phần giữa rộng nhất là nơi làm lễ trong tôn giáo. Các trang trí cửa sổ và cửa đi trên mặt đứng theo hình thức Gothique nhưng vừa phải, không quá cầu kỳ, rườm rà.

Điều ít biết về kiến trúc cổ bên trong nhà thờ lớn nhất Hà Nội - Ảnh 3.

Cây Thánh giá bằng đá trên nóc nhà thờ, phía dưới là đồng hồ. Ảnh: Bích Thuận.

Bên trong nhà thờ, những hàng cửa kính màu và nhiều bức tranh treo tường với chủ đề tôn giáo càng nhấn mạnh và làm nổi bật phong cách kiến trúc Châu Âu. Bên cạnh đó, nhiều chi tiết trang trí mang phong cách truyền thống của Việt Nam được đặt dọc lối đi, trên tường, trên bệ thờ...tạo nên những nét điểm xuyết ấn tượng cho toàn bộ không gian.

Cung thánh được trang trí theo lối truyền thống dân gian, tuy đơn giản nhưng ấn tượng và bắt mắt, 2 bên Cung thánh có bàn thờ Đức mẹ và nhiều bức tượng thánh khác.

Điều ít biết về kiến trúc cổ bên trong nhà thờ lớn nhất Hà Nội - Ảnh 4.

Phong cách thiết kế Gothic bên trong nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: Bích Thuận.

Về tổng thể, Nhà Thờ Lớn Hà Nội mang phong cách kiến trúc châu Âu, nhưng lại có sự kết hợp với kiến trúc bản địa, thể hiện ở hệ thống mái ngói đất nung, hệ thống trang trí nội thất đậm chất truyền thống Việt Nam.

Ngôi chùa cổ trên nền móng cũ

Nhìn sự tráng lệ của nhà thờ Lớn Hà Nội bây giờ, ít ai biết rằng, trên nền móng cũ đã từng có một ngôi chùa cổ kính và tráng lệ nhất lịch sử nước ta. Đó là chùa Báo Thiên, tên đầy đủ là Sùng Khánh Báo Thiên Tự, được xây dựng vào năm 1056. Chùa Báo Thiên là một ngôi chùa lớn, cổ kính, tráng lệ. Suốt hai triều Lý – Trần khoảng gần 400 năm, chùa Báo Thiên là một ngôi Quốc tự nổi tiếng, đồng thời là trung tâm Phật giáo của Kinh đô Đại Việt.

Điều ít biết về kiến trúc cổ bên trong nhà thờ lớn nhất Hà Nội - Ảnh 5.

Hình ảnh miệng giếng cổ trong khuôn viên nhà thờ lớn Hà Nội được tạm đánh lên để xây nhà mục vụ của giáo phận Hà Nội. Miệng giếng này là chứng tích duy nhất còn sót lại của chùa Báo Thiên thời nhà Lý. Ảnh: Bích Thuận.

Theo sử sách ghi lại, ngôi chùa này có ngọn bảo tháp rất nổi tiếng là tháp Báo Thiên, từng được xếp vào hàng "An Nam Tứ đại khí"(bốn bảo vật của nước nam). Tháp có tất cả 12 tầng, trang trí bằng tượng người và vật rất tinh xảo.

Đến thế kỷ 15 giặc Minh sang xâm lược nước ta, vì muốn triệt tiêu linh khí của nước ta nên đã phá hết An Nam Tứ đại khí, trong đó có tháp Báo Thiên. Tháp lớn đến nỗi sau khi phá bỏ, phần chân tháp được dùng làm nơi họp chợ của Thăng Long Kẻ Chợ.

Dù Tháp bị phá bỏ nhưng chùa Báo Thiên vẫn còn. Đến cuối thế kỷ XIX, chùa Báo Thiên gặp một trận hỏa hoạn lớn, bị hủy hoại nặng, các nhà sư di rời đi nơi khác chờ triều đình tu sửa. Lấy lý do chùa đổ nát không được trùng tu, người Pháp đã phá chùa để xây nên nhà thờ Lớn ngày nay. Dấu tích còn sót lại duy nhất của chùa là một miệng giếng cổ được chạm khắc hình hoa sen.

Điều ít biết về kiến trúc cổ bên trong nhà thờ lớn nhất Hà Nội - Ảnh 6.

Phần miệng giếng được chạm khắc họa tiết hoa sen. Ảnh: Bích Thuận.

Giếng cổ đã bị lấp từ lâu, chỉ còn lại miệng giếng được khai quật năm 2005 và được di chuyển vào khu vực hang đá Đức Mẹ bên trong khuôn viên nhà thờ để lưu giữ. Đây cũng là dấu tích duy nhất minh chứng cho một kiến trúc tráng lệ đã từng tồn tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem