Điền kinh Việt Nam vượt khó ra biển lớn

Hoàng Giang Chủ nhật, ngày 29/01/2023 21:10 PM (GMT+7)
Đối mặt nhiều thách thức về lực lượng, điền kinh Việt Nam đang nỗ lực vượt khó để vươn ra các đấu trường cấp châu lục và vòng loại Olympic trong năm 2023.
Bình luận 0

Điền kinh là môn trọng điểm, được đầu tư quan tâm nhiều năm qua. Có thể khẳng định đây là "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam ở các đấu trường quốc tế. Hai Đại hội gần nhất, điền kinh Việt Nam vượt qua Thái Lan để dẫn đầu Đông Nam Á.

Thành công ở SEA Games 31 khiến giới mộ điệu môn thể thao nữ hoàng có thể yên tâm về vị thế của điền kinh Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Với 22 HCV giành được, người hâm mộ và giới chuyên môn tiếp tục tin tưởng các vận động viên Việt Nam sẽ bảo vệ được vị trí số 1 toàn đoàn và kỳ vọng vào các chuyến "ra biển lớn". Thế nhưng, vụ 6 vận động viên điền kinh Việt Nam "dính" doping được công bố hồi tháng 9/2022 làm dư luận xôn xao cũng như gây biến động lực lượng không ít tạo khó khăn cho quá trình chuẩn bị cho các đấu trường trong năm 2023.

Điền kinh Việt Nam vượt khó ra biển lớn - Ảnh 1.

Có thể kỳ SEA Games 32 năm nay là lần cuối của Nguyễn Thị Huyền với phong độ cao nhất.

Hướng đến SEA Games 32 tổ chức tháng 5/2023 tại Campuchia, các nhân tố hiện tại của điền kinh Việt Nam như: Nguyễn Thị Huyền (400m nữ, 400m rào nữ), Nguyễn Thị Oanh (1.500m nữ, 3.000m chướng ngại vật, 5.000m nữ), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam),… hay sự trở lại của Lê Tú Chinh với phong độ đang tốt dần từng ngày, điều này hoàn toàn có thể giúp chúng ta bảo vệ ngôi đầu toàn đoàn khi tranh tài ở 47 nội dung, gồm 23 nội dung cho nam, 23 cho nữ và một nội dung hỗn hợp nam nữ.

Thế nhưng bước ra đấu trường châu lục như Đại hội thể thao châu Á – ASIAD 2023 và một số giải đấu có tính quyết định giành vé đến Thế vận hội mùa hè – Olympic 2024, thì rất khó có thể cạnh tranh với các cường quốc thể thao khác.

Chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy cho biết, thông số thành tích của 22 nội dung đoạt HCV có rất ít nội dung có thể cạnh tranh huy chương châu Á, không có thông số nào đạt chuẩn dự giải vô địch thế giới, chuẩn Olympic Paris 2024.

Ở ASIAD gần nhất vào năm 2018 diễn ra ở Indonesia, điền kinh đóng góp 2 HCV của Quách Thị Lan (400m), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) là thành tích đáng khen ngợi nhưng đó đã là khoảng thời gian 4 năm trước. Hiện Quách Thị Lan không được triệu tập đội tuyển kể từ SEA Games 31, còn Bùi Thị Thu Thảo đã bước sang tuổi 31 và đã là bà mẹ 1 con, kết quả tại SEA Games 31 là minh chứng cho câu chuyện về phong độ. Nhà đương kim vô địch ASIAD nội dung nhảy xa nữ Bùi Thị Thu Thảo (thành tích 6m 55) chỉ đạt thành tích 6m 38 ở SEA Games 31 trong khi chuẩn Oympic 2024 ở nội dung này là 6m 86.

Gương mặt nổi bật nhất hiện tại của điền kinh Việt Nam là Nguyễn Thị Oanh, cô gái Bắc Giang này "vô đối" ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng ra đấu trường ASIAD là khoảng cách khá xa. Oanh từng giành HCV giải châu Á, nhưng cô kém duyên tại ASIAD, bởi khi đó các nước tập trung toàn nguồn lực vận động viên và nhập tịch để đua tranh thành tích. Oanh phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 52 giây 44. Thành tích này so ra vẫn kém so với thành tích HCV tại ASIAD 2018 là 9 phút 36 giây 52, của HCB là 9 phút 40 giây 03 và thành tích HCĐ của chính Oanh là 9 phút 43 giây 83. Trong khi đó, chuẩn Olympic Paris 2024 của nội dung này là 9 phút 23 giây.

Điền kinh Việt Nam vượt khó ra biển lớn - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Oanh là gương mặt được kỳ vọng nhất của điền kinh Việt Nam thời điểm hiện tại.

Với các thông số hiện tại, một thực tế phải thừa nhận, giành tấm vé để đến Olympic ngày càng khó khăn với thể thao Việt Nam không chỉ riêng điền kinh. Tại Olympic Tokyo 2020, Quách Thị Lan đại diện cho điền kinh Việt Nam tham dự với tư cách là suất mời.

Cùng với đó, điền kinh Việt Nam đang đứng trước nỗi lo và lời giải cho bài toán đối với lứa kế cận cho tương lai. Theo nhận định của ông Dương Đức Thuỷ: "Nhiều tuyển thủ điền kinh Việt Nam đang bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng hiện chưa có lớp trẻ tài năng thay thế".

Chính vì điều đó, việc vươn ra các đấu trường lớn luôn là điều khó khăn bởi hiện tại chưa có nhiều "bột để gột nên hồ".

Gương mặt 17 tuổi Trần Thị Nhi Yến ở cự ly 100 m nữ tuy triển vọng nhưng thông số của cô còn khá xa so với top đua huy chương ở SEA Games. Cần đầu tư lâu dài cho chân chạy Long An này để chuẩn bị cho tương lai.

Nói về sự đầu tư, nguồn kinh phí dành cho môn thể thao này mỗi năm chưa tới 5 tỉ đồng nên không đủ trang trải cho rất nhiều hoạt động, từ đó chi phí cho việc tập huấn, thi đấu cũng bị hạn chế. Chỉ bằng một nửa so với đội tuyển bóng đá nữ, nếu so với đội tuyển bóng đá nam chắc cho số chênh lệch có thể gấp 10 lần.

Ngày 27/1, các tuyển thủ điền kinh đã quay trở lại các trung tâm huấn luyện thể thao sau kỳ nghỉ Tết. Tiếp theo đây sẽ là giai đoạn rất quan trọng bởi chỉ còn cách SEA Games 32 hơn 3 tháng. Từ 10-12/2/2023, một số tuyển thủ sẽ lên đường thi đấu tại Giải vô địch điền kinh châu Á trong nhà năm 2023. Giải năm nay tổ chức tại Kazakhstan và là cơ hội để vận động viên tăng cường chuyên môn trước khi đi SEA Games 32. Đây sẽ là cơ hội thi đấu cọ xát hữu ích cho các tuyển thủ sau hơn 2 năm không được đi tập huấn và thi đấu quốc tế vì dịch COVID-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem