Di sản hát xoan Phú Thọ thoát cảnh nguy cấp

Thanh Hà Thứ tư, ngày 25/11/2015 09:04 AM (GMT+7)
Sau 4 năm nỗ lực bảo tồn, 31 bài cơ bản của 3 chặng hát xoan, cùng 14 quả cách của những bài hát xoan cổ đã được tìm thấy và truyền dạy cho lớp trẻ... Đây là nỗ lực lớn của tỉnh Phú Thọ để hát xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp...
Bình luận 0

Hát xoan là di sản văn hóa độc đáo và là sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Hát xoan là nghệ thuật trình diễn hát thờ Hùng Vương – vị vua đầu tiên của người Việt. Một đêm hát xoan có 3 chặng: Hát thờ, hát quả cách và hát trao duyên.

Tiếp cận trường học

Cách đây 4 năm, hát xoan Phú Thọ chính thức được UNESCO công nhận là di sản nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Phú Thọ tích cực triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan.Theo ông Hà Kế San-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, kết quả đạt được sau 4 năm trong công tác bảo tồn hát xoan bắt đầu từ việc kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng, nhận diện những bài bản cốt lõi của hát xoan, hỗ trợ khẩn cấp việc trao truyền từ các nghệ nhân tuổi đã cao cho lứa kế cận.

img

Hát Xoan đã sống lại trong đời sống của người dân Phú Thọ. Ảnh: Minh Đức

Đặc biệt, công tác bảo tồn chú trọng nâng số lượng thành viên ở 4 phường xoan tăng hơn từ 72 nghệ nhân vào năm 2006 lên 135 nghệ nhân hiện nay. Đào, kép ở mỗi phường đủ khả năng trình diễn hoàn thiện một đêm hát xoan thờ Vua tại đình làng.

“Trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (từ 80 đến 104), chỉ 7 cụ còn khả năng thực hành truyền dạy bài xoan cổ. Đến nay đã đào tạo được 62 nghệ nhân kế cận có khả năng truyền dạy. Ngoài ra, 31 bài cơ bản của 3 chặng hát xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận. Năm 2010 có 13 câu lạc bộ của những người yêu thích hát xoan sinh hoạt ở các nhà văn hóa thôn/xã của tỉnh Phú Thọ thì đến nay tăng lên 30 câu lạc bộ hát xoan với số hội viên là trên 1.100 người” - ông Hà Kế San chia sẻ.

Sưu tầm nhiều bài xoan cổ

Ông Đặng Đình Thuận- Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết: Với cách thức hát xoan, một đêm  trình diễn cả 3 chặng: Chặng hát thờ; hát quả cách và hát trao duyên. Trong đó, chặng hát quả cách được coi là chặng hát đặc trưng nhất. “Khi chúng tôi lập hồ sơ và tìm hiểu trong các tư liệu, chỉ có 13 quả cách. Trong khi đó, đúng theo tục lệ của cha ông phải là 14 quả cách. Tuy nhiên, nhờ may mắn, chúng tôi có sự giúp đỡ của các bậc cao niên ở các phường xoan chỉ dẫn với quả cách thứ 14” - ông  Thuận bộc bạch.

Việc di sản hát xoan Phú Thọ được quan tâm, đầu tư rốt ráo không chỉ khiến những người yêu di sản này cảm thấy phấn khởi mà các nghệ nhân cũng cảm thấy vui mừng, hạnh phúc. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch tâm sự: “4 năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới là quãng thời gian hát xoan sống lại ở khắp địa bàn tỉnh. Từ một di sản đứng trước nguy cơ bị lãng quên, nay hát xoan trở thành "tiếng nói chung" của người dân Phú Thọ từ già tới trẻ”.

Không chỉ chú trọng trong việc nâng cao số nghệ nhân truyền dạy tại 4 phường xoan, Phú Thọ còn đưa hát xoan vào chương trình giáo dục. Hiện tại, 80/90 trường học ở TP.Việt Trì đã được gắn kết hát xoan với chương trình của nhà trường. Mỗi năm có 4 tiết học hát xoan và 1 buổi trải nghiệm giao lưu với các nghệ nhân xoan và lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa. 

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý- nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa sau khi tham gia một vài lớp tập huấn của một vài câu lạc bộ, phường hát xoan, đã  nhận xét: “Dù người truyền dạy rất nhiệt tình đóng góp về tài liệu, những lời bài bát, vốn cổ hát xoan cổ của mình, nhưng họ cần phải nắm chắc, rõ bản sắc để không bị pha tạp làn điệu na ná của quan họ Bắc Ninh hay một vài làn điệu dân ca khác”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem