"Đi qua trăm năm" – những thăng trầm của sử gia hơn trăm tuổi Nguyễn Đình Tư

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 24/02/2024 13:48 PM (GMT+7)
Đúng ngày Tết Nguyên tiêu (24/2) tại Đường sách TP.HCM, NXB Tổng hợp TP.HCM đã tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu cuốn tự truyện "Đi qua trăm năm" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Đây được coi như món quà mừng đại thọ cụ 104 tuổi.
Bình luận 0
"Đi qua trăm năm" – những thăng trầm của sử gia hơn trăm tuổi Nguyễn Đình Tư- Ảnh 1.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư TP.HCM, trao đổi với cụ Nguyễn Đình Tư sáng 24/2. Ảnh: B.D

Cuốn tự truyện của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư

Nhận được sự khích lệ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã miệt mài trong 6 tháng để kể về những thăng trầm của cuộc đời mình.

Tác phẩm là những ghi chép xuyên hai thế kỷ, từ cậu bé xuất thân từ làng quê Thanh Chi (Thanh Chương, Nghệ An) đến nhà nghiên cứu bình dân ở tuổi bách niên.

Tự truyện "Đi qua trăm năm", bắt đầu từ vùng đất Thanh Chương xứ Nghệ. Quê hương đã giữ lại trong tâm khảm ông về hình dáng và tình cảm của người cha mẫu mực, người mẹ ruột yêu thương chẳng may qua đời sớm, người mẹ kế vì chồng, vì thương con chồng mà chịu thương chịu khó.

Từ cậu học sinh giỏi trở thành chàng thanh niên tập tành đường chính trị, những thay đổi thời cuộc trong trong dòng chảy lịch sử đã đưa Nguyễn Đình Tư xuôi về Nam, gặp những khúc quanh cuộc đời, rồi bước vào nghiệp cầm bút 80 năm qua.

Sách dày 384 trang gồm 11 chương: Quê hương – Ký ức vẹn nguyên, Ít mảnh sử làng xã vùng đất Thanh Chương, Một thuở ấu thơ, Thời học sinh và chí lập thân, Một người cha gương mẫu, Tập tành đường chính trị, Cuộc sống gia đình, Dập dềnh sóng biển xuôi Nam, Theo thời tìm kế mưu sinh, Những khúc quanh cuộc đời, Nghiệp cầm bút, Phụ lục những hình ảnh lưu giữ quá khứ và hiện tại.

Tự truyện "Đi qua trăm năm" ban đầu chỉ là ấp ủ trong tâm trí của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ông định hoàn thành thêm nhiều dự án đã lên kế hoạch từ trước rồi mới viết về cuộc đời mình. Nhưng vào ngày 16/7/2022, trong lần đầu Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đến thăm tác giả cao niên mẫn tuệ và hồn hậu hiếm có, được dịp nghe ông kể câu chuyện cuộc đời, Bí thư Nguyễn Văn Nên lập tức khích lệ động viên cụ Nguyễn Đình Tư ưu tiên viết tự truyện trước: "Con đặt hàng cụ viết trước tự truyện Một kiếp người của cụ đi; mấy công trình nghiên cứu chậm lại một chút cũng được".

"Đi qua trăm năm" – những thăng trầm của sử gia hơn trăm tuổi Nguyễn Đình Tư- Ảnh 3.

Cuốn tự truyện "Đi qua trăm năm" của cụ Nguyễn Đình Tư. Ảnh: B.D

Cụ Nguyễn Đình Tư đã dồn hết động lực và trí nhớ miệt mài ngồi gõ máy tính trong 6 tháng liên tiếp, để kể chuyện đời mình. Tự truyện "Đi qua trăm năm" đã kịp hoàn thành và ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2024.

"Tôi đã sống qua hai thế kỷ XX và XXI, trải qua nào thời vua quan nhà Nguyễn, thực dân Pháp, phát xít Nhật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng ghi lại để cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối, để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên tránh cái gì nên làm, cái gì nhất thời, cái gì là vĩnh cửu.

Tôi thì tôi không có tài cán gì, không có tư tưởng gì cao siêu, chỉ có một cuộc sống bình thường như mọi người, với những thất bại, những sai lầm trong cuộc sống dẫn tới có lúc đen tối nhất, tưởng không có lối thoát. Nhưng với ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ, không thất vọng, không bi quan, tôi đã vượt qua được hoàn cảnh để thực hiện lý tưởng cuộc sống… Đời tôi cũng có những khuyết điểm, thất bại mà cũng có những thành công đáng ghi nhớ để con cháu biết lấy làm bài học kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế", cụ Tư tâm sự.

"Đi qua trăm năm" – những thăng trầm của sử gia hơn trăm tuổi Nguyễn Đình Tư- Ảnh 4.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài viết sách dù đã hơn trăm tuổi. Ảnh: P.V

Nhà nghiên cứu trăm tuổi Nguyễn Đình Tư được độc giả biết đến như một nhà văn với bộ tiểu thuyết dã sử 6 tập Loạn 12 sứ quân - viết bên vệ đường cổng xe lửa Phú Nhuận trong những năm đầu sau ngày giải phóng bày thùng đồ nghề bơm sửa xe đạp. 

Năm 1996, ông là Ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường TP.HCM, là người đề xuất với hội đồng đặt cho TP.HCM hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa

Đặc biệt, ông là tác giả bộ sách "Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)", bộ sách được coi như cuốn từ điển đầy đủ về Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM từ thời tiền sử đến ngày nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem