Đẻ tại nhà, một bé sơ sinh bị uốn ván rốn, nguy kịch

Diệu Linh Thứ tư, ngày 15/06/2022 06:02 AM (GMT+7)
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận ca bệnh sơ sinh bị uốn ván rốn, nhập viện trong tình trạng li bì, sốt cao 40 độ C, co cứng toàn thân từng cơn, thở nhanh, rốn ướt, hôi.
Bình luận 0

Gia đình bệnh nhi bị uốn ván rốn chia sẻ, trẻ được mẹ sinh thường tại nhà. Sau 10 ngày xuất hiện các triệu chứng như trên được đưa vào y tế cơ sở nhưng không đỡ và chuyển Bệnh viện tỉnh điều trị.

Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị uốn ván rốn, tiên lượng nặng. Sau một thời gian được điều trị tích cực, hiện hiện nay bệnh nhi đã dần ổn định, tiếp tục được điều trị tại Khoa Nhi.

Đẻ tại nhà, một bé sơ sinh bị uốn ván rốn, nguy kịch - Ảnh 1.

Bệnh nhi mắc uốn ván rốn đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng. Ảnh BVCC

Trẻ có thể bị uốn ván rốn qua các vật cắt rốn không tiệt trùng

Theo bác ĩ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, uốn ván rốn sơ sinh là bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh, có tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh do trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra, loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh uốn ván qua vết cắt dây rốn.

Trẻ sơ sinh bị trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể gây bệnh thông qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách, không sạch sẽ.

Thực tế cho thấy các trường hợp cắt dây rốn bằng kéo không được tiệt trùng kỹ hoặc chỉ ngâm qua nước nóng 5- 10 phút, hay các cách cắt rốn thô sơ sẽ có nguy cơ gây bệnh uốn ván rốn sơ sinh rất cao.

Bác sĩ Bùi Thu Phương (Khoa Nhi, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, bệnh nhi bị uốn ván rốn có thể bị tử vong trong những ngày đầu ở thể tối cấp, hoặc những tuần sau do các bệnh lý phối hợp như nhiễm trùng huyết, viêm ruột hoại tử.

Di chứng uốn ván rốn hay gặp là bệnh về thần kinh, tâm thần hoặc di chứng về thị giác với trẻ thở máy lâu ngày. Với trẻ bị bệnh ở thể nhẹ và không có bệnh lý phối hợp, có thể khỏi

Các dấu hiệu bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, thời kỳ ủ bệnh kể từ khi cắt dây rốn, trẻ có biểu hiện cứng hàm. Thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 4-15 ngày, tùy từng trường hợp nhưng trung bình là 7 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.

Thời kỳ khởi phát bệnh, trẻ có dấu hiệu khóc, quấy, bỏ bú, miệng trong trạng thái chúm chím lại, khó bú mặc dù đói nhưng không bú được. Mẹ sẽ nhận thấy dấu hiệu cứng hàm khi đè lưỡi trẻ ấn xuống. Đây là thời gian bệnh chuyển nhanh sang giai đoạn toàn phát.

Thời kỳ toàn phát, trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn có biểu hiện rõ rệt như cứng hàm thấy rõ, xuất hiện các triệu chứng co giật, co cứng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các cơn co giật, cứng cơ xuất hiện mau hay thưa, ngắn hay dài.

Đẻ tại nhà, một bé sơ sinh bị uốn ván rốn, nguy kịch - Ảnh 2.

Vi khuẩn gây uốn ván rốn có thể xâm nhập qua các dụng cụ cắt rôn chưa được tiệt trùng sạch. Ảnh minh họa

Ở thời kỳ lui bệnh, tình trạng bệnh sẽ tiến triển tốt hơn, các cơn co cứng, co giật giảm dần về số lượng và mức độ. Trẻ có thể bú lại mẹ, và thi thoảng vẫn xuất hiện tăng trương lực. Thường thì 1,5- 2 tháng thì trương lực cơ mới có thể trở lại bình thường.

Cụ thể biểu hiện cơn co giật ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn sẽ xảy ra một cách tự phát hoặc kích thích khi gặp ánh sáng, biếng ăn, lúc khám bệnh, trẻ có biểu hiện mặt nhăn nhúm, miệng chúm chím, sùi bọt mép, hai tay gồng lên nắm chặt.

Các cơn co giật ở trẻ uốn ván rốn sơ sinh sẽ kéo dài đến vài phút, thậm chí là 5-6h tùy tình trạng. Lúc này có nhịp tim của trẻ đập chậm lại, mạch khó bắt, chân tay đổ lạnh. Mỗi một cơn ngưng thở có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, hoặc gây dễ bị bội nhiễm, toan hóa máu.

Trẻ uốn ván rốn sơ sinh có các cơn co cứng, người trẻ uốn cong, đầu ngả ra sau, hai tay khép chặt. Các cơn co cứng xuất hiện thường xuyên sau cơ co giật và kéo dài trong thời gian điều trị bệnh cho trẻ.

Nếu tình trạng co giật, co cứng kéo dài hàng phút không có dấu hiệu thuyên giảm, trẻ có thể có nguy cơ tử vong.

Ngoài ra trẻ uốn ván rốn sơ sinh có dấu hiệu sốt cao 38- 39 độ, có khi lên đến 40- 41 độ là tiền đề cho các cơn co giật diễn ra.

"Để đề phòng uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai cần tiêm đi tiêm chủng vaccine uốn ván để phòng bệnh, cần nghỉ ngơi trước đẻ, khám thai định kỳ để tránh đẻ rơi, đẻ tại nhà.

Ngoài ra các cơ sở y tế cần nhấn mạnh yếu tố vô trùng tuyệt đối trong sản khoa: sản phụ sạch, bàn tay người đỡ đẻ sạch, phòng đẻ và dụng cụ đỡ đẻ sạch, cắt rốn và làm rốn sạch"

Bác sĩ Bùi Thu Phương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem