ĐBQH nêu 5 vấn đề băn khoăn xung quanh dự án cao tốc Bắc - Nam

PVCT (ghi) Thứ năm, ngày 11/06/2020 16:28 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nêu 5 vấn đề băn khoăn khi góp ý về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Bình luận 0

Mở đầu bài phát biểu, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho biết, khi đọc trên mạng thấy thông tin ở bên Vân Nam (Trung Quốc) chỉ vài năm họ làm tới 2.000km đường cao tốc, còn chúng ta mấy chục năm chỉ làm vài trăm km, nghe thấy cũng xót xa. Đường cao tốc Bắc – Nam là hệ thống huyết mạch, có đường cao tốc nền kinh tế sẽ có điều kiện để phát triển mạnh.

Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo- Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công.

ĐBQH nêu 5 vấn đề băn khoăn xung quanh dự án cao tốc Bắc -Nam - Ảnh 1.

ĐBQH Đặng Thuần Phong (Ảnh quochoi.vn).

Theo ĐBQH Đặng Thuần Phong, vấn đề làm thế nào để hợp lý, trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ mới được đánh giá cao. Sau khi nghiên cứu kỹ tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ĐBQH Đặng Thuần Phong thấy có một số vấn đề cần phải làm rõ.

Thứ nhất, nếu chuyển 3 dự án sang đầu tư công, còn lại 5 dự án áp dụng hình thức PPP thì liệu những năm sau khi các dự án đó không làm được theo hình thức PPP thì có đưa vào đầu tư công không?

Thứ hai, nếu bổ sung 3 dự án này vào đầu tư công sẽ cần kinh phí trên 100 nghìn tỷ đồng, như vậy sẽ "ăn" vào vốn đầu tư công, bao nhiêu dự án khác, lĩnh vực khác sẽ bị đẩy ra khỏi chương trình mà Quốc hội chuẩn bị phê duyệt.

Thứ ba, nếu đưa vào đầu công sẽ làm nhanh hơn hình thức PPP như Bộ trưởng nói trong tờ trình và nói trước Quốc hội thì ông thấy rất lo lắng. Bởi nếu đầu tư theo hình thức PPP, vốn do nhà đầu tư bỏ ra chắc chắn họ sẽ ứng dụng công nghệ vào thi công để hoàn thành nhanh, tốt nhằm hưởng hiệu quả của dự án. Hiện nay, việc kêu gọi PPP thế nào thì chưa đánh giá rõ, còn nỗ lực của Bộ GTVT và Chính phủ trong triển khai theo hình thức PPP mới thấy trong tờ trình, cần làm rõ thêm vấn đề này.

Thứ tư, đây là 3 dự án theo đánh giá chung có "mã lực" tốt nhất, khả năng sinh lợi và thu hồi vốn nhanh hơn nhiều so với 5 dự án còn lại, việc phải chuyển sang đầu tư công chứng tỏ không còn đối tác. Đáng ra, ở nơi nào khó khăn các thành phần kinh tế khác không làm thì Nhà nước làm, còn theo chủ trương trên thì nơi dễ Nhà nước làm trước còn khó để đó tính sau. Vậy, có đúng với chủ trương của Đảng, Quốc hội với xu hướng huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng kỹ thuật hay không?

Thứ năm, nếu đồng ý chủ trương này chắc chắn sẽ tăng nợ công, mất cân đối trong điều hành đầu tư vốn trung hạn mà Quốc hội đã phê duyệt, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế -xã hội ở các lĩnh vực khác và điều đó cho thấy Nghị quyết Quốc hội sẽ không được thực hiện nghiêm, hậu quả pháp lý của nó cũng sẽ chuyển sang Quốc hội gánh chịu.

Về nguồn vốn, không nên lấy vốn kết dư của quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đầu tư cho các dự án đường cao tốc, để nó sinh lợi cho quỹ và giúp cho người lao động thụ hưởng tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem