Đây là những nông dân 2 lần được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”

Danh Hùng Thứ bảy, ngày 08/10/2022 13:00 PM (GMT+7)
Họ là những nông dân Việt Nam xuất sắc nhưng không phải 1 mà 2 lần. Hai lần được vinh danh không chỉ là sự tự hào của họ, mà còn là minh chứng cho lựa chọn làm nông luôn đúng đắn. Hơn tất cả, chính những người nông dân này đã khẳng định sự hiệu quả, sức lan tỏa của Chương trình “Tự hào nông dân Việt”.
Bình luận 0

Bông hồng đất chè Lai Châu

Năm 2013 chị Phạm Thị Nụ (tổ dân phố số 1, phường Tân Phong, Lai Châu) được vinh danh là NDVNXS, đến năm 2017 một lần nữa chị vinh dự được đón nhận danh hiệu này lần thứ hai. Vậy điều gì đã làm nên thành công ở người phụ nữ này?

Những nông dân 2 lần được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. - Ảnh 4.

Chị Nụ và nhân công tại xưởng chế biến chè


Điều đầu tiên ai cũng khâm phục ở chị Nụ là ý chí sắt đá mà không ít đàn ông cũng phải nể phục. Vốn không sinh ra, lớn lên ở vùng đất chè, nhưng cái duyên, cái nợ đã đưa đẩy chị đến với vùng chè từ những năm 80.

Rời quê lúa Thái Bình lên Lai Châu lập nghiệp, chị Nụ bắt đầu gắn bó với công ty chè. Sau 20 năm làm việc, thời điểm chị nghỉ hưu cũng là lúc cây chè tại địa phương bắt đầu xuống cấp. Chè làm ra sản lượng thấp, bán xuống giá, bà con trong vùng nản, không muốn sản xuất tiếp.

Với suy nghĩ, nếu không tìm cách duy trì vùng nguyên liệu, có thể một ngày không xa, những cây chè Lai Châu sẽ không còn nữa, năm 2004, chị Phạm Thị Nụ cùng chồng quyết định mua lại một xưởng sản xuất chè với trị giá 500 triệu đồng.

Đó cũng là những năm tháng đầy thách thức, khó khăn của vợ chồng chị, khi vốn liếng đã dốc hết vào xưởng, thị trường đầu ra của chè đang có nhiều biến động, công nghệ chế biến lạc hậu… Nhưng niềm tin sẽ khôi phục vùng nguyên liệu trồng chè cho bà con đã giúp chị Nụ không nản chí và quyết tâm tìm hướng đi mới cho cây chè vùng cao.

Hồi sinh một vùng chè nguyên liệu có tiếng, chị Phạm Thị Nụ đã nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động từ công nhân tới hộ trồng chè. Hiện nay công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh tạo công việc ổn định cho 40 công nhân với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ vùng nguyên liệu của công ty đời sống khấm khá nhờ giá chè ổn định.

Chị cũng đã ký hợp đồng trồng và bán chè với hơn 100 hộ nông dân xung quanh. Ở địa phương, chị Nụ còn được ghi nhận với nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới như: hỗ trợ tiền, vật liệu xây dựng, nhân công để làm đường nội đồng, làm nhà văn hóa tổ dân phố, hỗ trợ cho một số hộ nghèo vay vốn không lấy lãi, giúp đỡ, hỗ trợ 20 hộ nông dân thoát nghèo….

Ông An "thanh long" 2 lần "lên đỉnh"

Khắp vùng Châu Thành (Long An) chẳng ai không biết ông An "thanh long", người đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo thế mạnh vùng, miền, biết vận dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Những nông dân 2 lần được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. - Ảnh 3.

Ông Tư An giới thiệu về sản phẩm thanh long ruột trắng.

Năm 1995, khi được một thương lái hỏi mua thanh long giá cao để bán sang nước ngoài, ông An đã nhận thấy tiềm năng lớn của loài trái cây đặc sản này. Ông mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang trồng thanh long ruột trắng.

Để có năng suất cao, ông An tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật trồng, chăm bón. Thay vì cho thanh long leo trên cây gỗ, hàng rào thì ông cho nó leo trụ, được bón phân, tưới nước. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, những cây thanh long vốn được bỏ hoang đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Từ thắng lợi nho nhỏ ban đầu đó, lão nông Trương Quang An tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

Từ 5 công đất đầu tiên, lên đến hơn 3ha, mỗi năm mang về lợi nhuận hơn 4 tỉ đồng. Rồi khi "cả làng" đua nhau chuyển từ thanh long ruột trắng sang ruột đỏ, nhà ông vẫn trung thành với giống thanh long ruột trắng. Thậm chí khi một số diện tích thanh long bị già đi, cần phải trồng mới thì ông vẫn tiếp tục trồng bằng giống cây này.

Toàn bộ vườn thanh long của ông hiện nay đều trồng theo chuẩn VietGAP, bón phân vi sinh, sử dụng hệ thống đèn xông cao áp, hệ thống tưới nước tự động... chỉ cần bấm trên điện thoại thông qua ứng dụng là có thể bật đèn, tự động tưới nước cho thanh long. "Sáng đi uống cà phê, chiều đi nhậu cũng có thể tưới nước" - ông An hồ hởi khoe.

Giờ thì ông An "thanh long" đã là Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu – một HTX có tiếng ở huyện Châu Thành. 

HTX ban đầu chỉ có 13 thành viên với diện tích 13ha, vốn điều lệ 250 triệu đồng; đến nay có 40 thành viên với diện tích hơn 50ha, vốn điều lệ được nâng lên 4 tỉ đồng. Phần lớn diện tích trồng thanh long của thành viên HTX đều theo chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 140 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Nói về bí quyết thành công, ông An chia sẻ: "Bây giờ mà làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống là không ăn, khó mà phát triển bền vững. Nông dân giờ phải có đầu óc kinh doanh, biết liên kết với nhau, xây dựng các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, điều quan trọng là phải chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường, nâng cao lợi nhuận chứ không nên phụ thuộc một thị trường lớn là Trung Quốc".

Chia sẻ về dự định sắp tới, ông An cho biết, ông và các thành viên sẽ dốc hết tâm sức để đưa Hợp tác xã Thanh Long Tầm Vu phát triển mạnh mẽ hơn. Thanh long trong hợp tác xã phải được xây dựng thành thương hiệu mạnh, đạt chất lượng cao để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...".

Chính nhờ cách làm khác người của mình, năm 2013, ông An là đại diện duy nhất của Long An được ra Hà Nội nhận danh hiệu NDVNXS. Đến năm 2019 ông tiếp tục được bầu chọn là NDXS của Long An. "Mọi người thường trêu tôi 2 lần lên đỉnh" – ông An dí dỏm nói.

"Đại gia" trồng rừng đất Yên Bái

Cơ duyên đến với rừng khi còn rất trẻ, khi còn làm Bí thư Chi đoàn của thôn, năm 2000, anh Lê Mai Hiền ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình đã mạnh dạn bỏ tiền mua gom hơn 50 ha rừng của các hộ dân trong xã chủ yếu là trồng keo, bạch đàn và bồ đề. 

Những nông dân 2 lần được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. - Ảnh 2.

Anh Lê Mai Hiền ấp ủ xây dựng dự án du lịch, thể thao tại địa phương. Ảnh: Hoàng Hữu

Sau vài năm, bán gỗ nguyên liệu, có vốn, anh tiếp tục mua thêm 50 ha rừng nữa của các hộ dân của xã Tân Nguyên và Trung Tâm (Lục Yên), nâng diện tích đất rừng của gia đình lên trên 100 ha. Sẵn nguồn nguyên liệu, anh mạnh dạn đầu tư mở xưởng chế biến ván bóc. 

Từ cơ sở sản xuất công suất 500m khối gỗ tròn/năm, đến nay, anh phát triển thành Doanh nghiệp tư nhân Hải Cường với công suất tiêu thụ trên 3.000m khối gỗ tròn/năm, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương với mức lương từ 7 - 7,5 triệu đồng/người/tháng. 

Dưới tán rừng, anh nuôi thêm gần 100 con dê, 40 con bò và hơn chục con trâu. Mô hình trang trại tổng hợp và cơ sở kinh doanh chế biến gỗ mỗi năm mang về doanh thu hơn 10 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi hơn 3 tỷ đồng. 

Ông Hà Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Tân Nguyên cho biết: "Anh Lê Mai Hiền là người năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế. Mô hình trang trại tổng hợp do anh làm chủ đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mỗi năm, anh đóng góp cho ngân sách địa phương từ 300 - 350 triệu đồng/năm".

Theo anh Hiền, mô hình trang trại tổng hợp và cơ sở kinh doanh chế biến gỗ mỗi năm mang về doanh thu hơn 10 tỷ, trừ chi phí cho lãi hơn 3 tỷ đồng. Anh Hiền cũng cho biết thêm, ngoài việc duy trì ổn định các diện tích cây trồng và xưởng chế biến gỗ, hiện tại anh đang ấp ủ ý tưởng xây dựng khu du lịch thể thao dựa trên những tiềm năng về đất đai, bản sắc văn hóa cũng như điều kiện sẵn có của địa phương. 

Nhờ những việc làm ý nghĩa của mình, anh Lê Mai Hiền cũng 2 lần được bình chọn là NDVNXS các năm 2013 và 2020.

Bỏ huyện đảo về quê trồng rừng

Với trung bình 20 ha rừng nguyên liệu khai thác hằng năm theo chu kỳ trong 157 ha rừng hiện có, thu lãi ròng gần 1,3 tỷ đồng mỗi năm – mức thu nhập của anh Cáp Quốc Hà, hội viên Chi hội Nông dân thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, Hải Lăng khiến bao người mơ ước.

Những nông dân 2 lần được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. - Ảnh 1.

Bình quân 1 ha rừng mang lại cho anh Cáp Quốc Hà hơn 70 triệu đồng

Anh Hà cho biết, anh quê gốc ở xã Hải Chánh nhưng lại sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Năm 1992, trong một chuyến thăm quê kết hợp đi tìm mộ đồng đội cùng bố, nhận thấy vùng khe Bướm Bạc cách trung tâm xã hơn 10 km về phía Tây Nam có rất nhiều diện tích đồi núi bỏ hoang. Nhận ra cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trở về Phú Quốc, anh bàn với bố rồi bán toàn bộ nhà cửa, vườn tược về quê lập nghiệp.

Về quê ổn định cuộc sống xong, hai bố con anh đến UBND huyện Hải Lăng xin được cấp đất trồng rừng. "Lúc đó ở Quảng Trị chưa mấy ai trồng rừng đại trà, đất đai hoang hóa còn nhiều. Nên khi nghe tôi trình bày dự án của mình, UBND huyện quyết định cấp ngay cho hai bố con tôi 500 ha để trồng rừng", anh Hà cho hay.

Để có vốn đầu tư, vợ chồng anh cầm cố hết tài sản của gia đình, vay mượn thêm anh em họ hàng. Một may mắn nữa đến với gia đình anh là vào thời điểm này các chương trình trồng rừng như PAM, 327 ra đời như tiếp thêm nguồn lực cho anh quyết tâm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Bắt tay trồng từ năm 1994, đến năm 2000 anh tiến hành khai thác 20 ha bạch đàn đầu tiên, trừ chi phí lãi được 30 triệu đồng.

Cứ vậy anh mở rộng dần diện tích rừng, đến nay đã lên tới hơn 157 ha. Để chủ động trồng, chăm sóc và khai thác gỗ rừng, anh đã mua 1 máy múc, 3 ô tô tải loại 9 tấn, 1 ô tô chuyên dùng để chữa cháy rừng và một số máy móc khác. Anh Hà cho biết, trung bình mỗi héc ta keo lai đến chu kỳ khai thác (sau 6 - 7 năm trồng) sẽ cho lãi khoảng 70 triệu đồng.

Cứ thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, với khoảng 20 ha rừng khai thác hằng năm, bình quân anh thu lãi ròng khoảng 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng; tạo thu nhập thời vụ cho 50 - 60 lao động với mức từ 250 - 400 ngàn đồng/người/ngày. 

Ngoài thu nhập chính từ rừng, trong 4 năm trở lại đây anh còn đầu tư mô hình trồng cây hồ tiêu theo công nghệ mới trên vùng gò đồi với diện tích 1,5 ha, hằng năm cho sản lượng từ 1,1 - 1,7 tấn. Các sản phẩm tiêu đỏ, tiêu trắng của anh được bán với giá từ 130 - 220 ngàn đồng/kg. ]

Anh thuê thêm 0,4 ha đất đồi và đầu tư gần 1,3 tỷ đồng để xây dựng mô hình trồng tiêu sạch với 800 gốc tiêu giống Srilanca. "Hiện tôi đang cùng với Hội Nông dân xã xây dựng thương hiệu tiêu sạch Hải Chánh", anh Hà tiết lộ.

Với những thành công của mình, anh Cáp Quốc Hà đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh do có nhiều thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững và được Trung ương Hội Nông dân trao tặng danh hiệu NDVNXS các năm 2018 và 2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem