Đạo diễn "Ròm" Trần Thanh Huy: "Tôi chấp nhận đánh đổi để làm tới cùng!"

Thúy Ngọc Thứ tư, ngày 30/09/2020 15:00 PM (GMT+7)
"Ròm" trở thành phim có doanh thu mở màn cao nhất phòng vé Việt năm 2020 với doanh thu 30 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD) sau 3 ngày chiếu.
Bình luận 0

Chiều 28/9, nhà phát hành CJ của phim "Ròm" công bố doanh thu 30 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD) sau 3 ngày chiếu (từ 25/9). Như vậy, "Ròm" trở thành phim có doanh thu mở màn cao nhất phòng vé Việt năm 2020, tính cả phim Việt và phim nước ngoài. Con số 30 tỷ cũng sát với số liệu của trang Box Office Vietnam.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: "Tôi chấp nhận đánh đổi để làm tới cùng!" - Ảnh 1.

"Ròm" trở thành phim có doanh thu mở màn cao nhất phòng vé Việt năm 2020 sau 3 ngày công chiếu.

Thành công là kết quả của sự liều lĩnh

"Ròm" là bộ phim kể về cuộc sống của những người dân lao động tại một khu dân cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn. Tất cả người dân ở đây đều chìm đắm trong lô đề với mong muốn đổi đời, thoát kiếp nghèo. Ròm là một cậu bé làm nghề "cò đề" để kiếm sống qua ngày. Mọi người tìm đến cậu để được gợi ý những con số may mắn giúp họ có cơ hội trúng đề. Ngược lại, Ròm phải hứng chịu những lời sỉ vả, thậm chí bị đánh đập mỗi khi báo sai số đề. Đối thủ của Ròm là Phúc - một thiếu niên tiểu xảo, luôn cướp những mối làm ăn của cậu ta.

Với đề tài gai góc, nhem nhuốc, mô tả trần trụi đời sống khốc liệt, lại kén khán giả, đạo diễn quyết định làm bộ phim này cũng là lúc đánh cược với số phận.  Ý tưởng cho câu chuyện trong phim "Ròm" đến với đạo diễn Trần Thanh Huy trong quá trình làm phim ngắn tốt nghiệp "16 giờ 30". Đạo diễn Trần Thanh Huy không đặt mục tiêu đạt được giải thưởng danh giá, mà với anh là sự đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình. Vì anh nhìn thấy tương lai của bộ phim "Ròm" sẽ nằm ở đâu và hơn ai hết anh biết mình có gì trong tay.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: "Tôi chấp nhận đánh đổi để làm tới cùng!" - Ảnh 2.

Đạo diễn Trần Thanh Huy.

Thành công của bộ phim "Ròm" ngày hôm nay là minh chứng, là kết quả của sự liều lĩnh đó, rằng Trần Thanh Huy đã đi đúng trên con đường đam mê nghệ thuật của mình. Phim ngắn này đã đem lại cho anh thành công đầu đời là thủ khoa chuyên ngành đạo diễn và một loạt giải thưởng tại các liên hoan phim ngắn trong nước, vinh dự được chọn chiếu tại LHP Cannes năm 2013, đoạt giải thưởng New Currents danh giá nhất tại LHP Busan (2019).

Đạo diễn Trần Thanh Huy nói về tác phẩm tâm huyết của mình: "Bộ phim này làm trong giai đoạn tôi rất còn trẻ, tôi làm theo đam mê với độ hơi ngông cuồng, tôi chấp nhận đánh đổi để chơi, đi tới bước đường cuối cùng. Tôi cũng không nghĩ rằng bỏ từng đấy thời gian làm phim chỉ vì giải thưởng. Tôi muốn làm thứ mà tôi muốn làm và những điều đó không chỉ là công sức của tôi mà của toàn êkip. Và 15 năm sau tôi đã làm được".

"Ròm" – một bộ phim khác thường

Ngay từ những cảnh đầu tiên, "Ròm" đã thể hiện là một bộ phim khác thường, với gương mặt đầy góc cạnh của Anh Khoa cùng khung hình chéo trên mái nhà khu chung cư. Đây cũng là khung hình xuất hiện lặp đi lặp lại xuyên suốt toàn bộ phim, tạo sự tò mò cho khán giả. Đây được coi là sự sáng tạo đầy mới mẻ trong phong cách làm phim của các nhà làm phim Việt, bởi trước đó các góc nghiêng này hiếm khi xuất hiện trên màn ảnh Việt.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: "Tôi chấp nhận đánh đổi để làm tới cùng!" - Ảnh 3.

Ekip làm phim "Ròm".

Ròm được xây dựng là nhân vật không có ý đồ xấu, mục đích lớn nhất của cậu ta là tìm lại được gia đình và kiếm đủ ăn qua ngày. Trải qua bao năm tháng, cậu đã học cách tồn tại trong thế giới khắc nghiệt đó. Bạo lực trong phim theo hướng tả trần trụi, không có ý cổ súy cho bất kì hành động, tư tưởng nào khác. 

Không phải phim hành động, nhưng "Ròm" có những cảnh rượt đuổi hấp dẫn, giao đấu đẫm máu khiến người xem phải nín thở. Đỉnh điểm của cơn điên là khi Ròm cắn vào vai Phúc - kẻ tranh chấp địa bàn. Cú máy cận mặt Ròm và cái mồm đầy máu khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Nhưng thực tế đó cũng chỉ là một trong những màn đánh nhau của hai đứa trẻ, sau đó hai nhân vật không hề rút ra bài học kinh nghiệm mà cứ vật vờ như thế từ đầu đến cuối phim. Nó là vòng luẩn quẩn như chính cuộc đời của Ròm và Phúc, sống hết cho ngày nay còn chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Gần cuối phim, càng lúc hành động của hai nhân vật trở lên dữ dội hơn, không còn là những cuộc đánh đấm bình thường, thậm chí còn đổ cả máu. Hành động nhân vật quyết liệt hơn, nhưng nhạc phim chậm dần như cách nén lại cảm xúc về số phận mà họ chưa thể tìm cách thoát ra.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: "Tôi chấp nhận đánh đổi để làm tới cùng!" - Ảnh 4.

Ngoài ra, âm nhạc trong phim còn thành công nhờ cách xử lý sáng tạo kết hợp giữa rap và nhạc được hòa âm phối khí kiểu hàn lâm.  Ca khúc "Chạy" của Wowy đã đi cùng Ròm từ những ngày đầu tiên cho đến cuối cùng, trở thành sự kết hợp hoàn hảo. Wowy đọc rap trên nền nhạc chủ đạo là tiếng trống. Bản rap mang nội dung truyền cảm hứng sống, cổ vũ tinh thần lạc quan luôn tiến về phía trước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. 

Phần âm nhạc của "Chạy" trong MV phiên bản "Rồng" đã được nhạc sĩ Tôn Thất An - người làm nhạc "Vợ ba", "Song Lang", phối lại hoàn toàn. Bản phối được thực hiện tại Pháp để thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật. Tiếng trống đệm với nhịp điệu nhanh, thúc giục xuyên suốt bản rap là điểm nhấn, nhịp bước chân hối hả chạy của Ròm và những cậu bé đường phố trên khắp Sài Gòn. 

MV "Chạy" tái hiện bối cảnh căn phòng nhỏ của cậu bé Ròm - nơi đầy ắp những con số cùng dãy hàng lang dài tràn ngập những mảnh vải nhiều màu sắc mang yếu tố tâm linh. Những hình ảnh này phần nào thể hiện niềm tin mù quáng của tầng lớp lao động nghèo trong phim vào trò chơi số đề may rủi. 

Đạo diễn Trần Thanh Huy: "Tôi chấp nhận đánh đổi để làm tới cùng!" - Ảnh 5.

Bộ phim "Ròm" được nhiều người ví von là "Án treo" của điện ảnh phim Việt Nam, vì có ý kiến cho rằng đạo diễn đã khai thác mặt quá tối của xã hội Việt Nam và sợ cái nhìn tiêu cực từ bạn bè quốc tế về đất nước mình. 

Trước những ý kiến trên, đạo diễn Trần Thanh Huy từng lên tiếng chia sẻ thẳng thắn về quan điểm của mình: "Nói về việc tôi đưa hình ảnh tăm tối người Việt trong phim ra thế giới thì tôi nghĩ đây là việc rất bình thường. Khi bạn làm điện ảnh, nếu chỉ làm về đề tài cũ thì sẽ không có sáng tạo, tiếng nói cá nhân của những người nghệ sĩ sẽ không được cất lên. Điện ảnh có đa thể loại, tôi chọn vấn đề xã hội, tôi kể câu chuyện này dưới góc nhìn cá nhân và không bắt ép ai phải theo mình. Vì mỗi người đều có cảm nhận của riêng họ và tôi chỉ là người đưa câu chuyện đời sống đến gần họ hơn. Tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều rằng, quốc tế sẽ không bao giờ nhìn phim là phản ánh của xã hội. Nếu ai nghĩ những gì trên phim là sự mô phỏng hoàn toàn của một xã hội ngoài đời thì đó là cách nhìn nhận quá sai lầm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem