Đằng sau cuộc “chi viện” lớn chưa từng có cho tâm dịch TP.HCM

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 03/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Cũng là đi công tác nhưng lần này, hàng chục nghìn nhân viên y tế cùng đồng loạt lên đường và khi chia tay gia đình, đồng nghiệp đều có câu cửa miệng rất giản dị: “Bao giờ hết dịch sẽ về”. Cuộc “chi viện” lớn chưa từng có từ trước đến nay cho tâm dịch.
Bình luận 0

Người mẹ trên tuyến đầu

Ngày lên đường vào TP.HCM tiếp sức cho các đồng nghiệp chống dịch Covid-19, chồng và 2 con của điều dưỡng Hoàng Thị Diễm thuộc Khoa Tai Mũi - Họng, Bệnh viện (BV) T.Ư Thái Nguyên, đã đưa tiễn chị ra tận xe ôtô. Một người đã chụp được cảnh cảm động của gia đình chị, khi chị Diễm ngồi trên xe, ánh mắt tràn đầy lo lắng gửi lại cho chồng con còn 3 "người đàn ông" đều hướng về chị với sự quan tâm, lo lắng. Ánh mắt của người con lớn còn đỏ hoe, ngấn lệ.

"Lúc đó, tôi chỉ dặn chồng: "Anh ở nhà giữ gìn sức khỏe, thay em chăm sóc hai con thật tốt. Làm cả hai nhiệm vụ là bố lẫn mẹ. Em đi rồi sẽ sớm trở về. Hai con ở nhà ngoan, nghe lời bố và ông bà. Hết dịch mẹ sẽ về, gia đình ta sẽ đoàn tụ". Nhưng chuyến đi này cũng không biết đến ngày nào mới có thể trở về" - chị Diễm kể.

gop/ Đằng sau cuộc “chi viện” chưa từng có - Ảnh 1.

Điều dưỡng Hoàng Thị Diễm chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp (TP.HCM). Ảnh: B.Y.T

Huy động 17.500 nhân lực y tế cho TP.HCM

Theo Bộ Y tế, tính đến nay đã có hơn 17.500 nhân lực ngành y tế (bao gồm nhân viên y tế, sinh viên, giảng viên các trường khối ngành Y Dược) đã được huy động, chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã giao cho các BV Trung ương trực thuộc Bộ Y tế phụ trách các Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM như BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV T.Ư Huế, BV Hữu nghị Việt Xô, BV Nhi T.Ư, BV E, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Hà Nội, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư… Rất nhiều Giám đốc, Phó Giám đốc các BV tuyến Trung ương đang có mặt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam để trực tiếp chỉ đạo công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Các chuyên gia đầu ngành, các y bác sĩ chuyên môn sâu và trang thiết bị đồng bộ đi vào hoạt động đã giúp nhiều bệnh nhân nặng thoát khỏi tình trạng nguy kịch, giảm thiểu tử vong. Nhiều người bệnh nặng đã chiến thắng Covid-19, xuất viện.

Anh Phạm Văn Cường - chồng chị Diễm cũng chia sẻ: "Tôi và hai con rất tự hào khi có người vợ, người mẹ là những chiến sĩ áo trắng tình nguyện tham gia chi viện cho TP.HCM chống dịch Covid-19 lần này. Chỉ mong vợ luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cùng đội ngũ y, bác sĩ trong cả nước chung tay đẩy lùi dịch Covid-19".

Bác sĩ Vũ Quang Huy (Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, BV T.Ư Thái Nguyên) cho biết, chị Diễm có 2 con còn nhỏ, bố mẹ già yếu, chồng lại thường xuyên đi làm ca kíp. Vì thế, khi điều động nhân lực chi viện cho miền Nam, BV cũng đã cân nhắc. Tuy nhiên, chị Diễm đã kiên quyết gác lại việc riêng, xung phong nhận nhiệm vụ.

Chị Diễm và các đồng nghiệp được cử tăng cường điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BV Đa khoa Gò Vấp (TP.HCM). Chị Diễm chia sẻ vội vã qua điện thoại: "Tại đây, chúng tôi làm việc theo ca, trung bình 8 tiếng/ca và thực hiện 3 không: Không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh để đảm bảo luôn có lực lượng y tế làm việc 24/24 giờ và áp dụng tối đa mọi biện pháp phòng dịch".

Bác sĩ đa di năng

Tình hình dịch tại TP.HCM phức tạp, bệnh nhân Covid-19 nặng cần được chăm sóc ngày càng nhiều. Chị Diễm và các đồng nghiệp quay cuồng với việc chăm sóc giúp đỡ các bệnh nhân. Đặc thù của bệnh Covid-19 khiến các bệnh nhân không có người thân chăm sóc, giúp đỡ, nhiều người lại yếu mệt. Vì vậy những nhân viên y tế không chỉ là người điều trị cho bệnh nhân mà còn là "bảo mẫu" chăm sóc từng miếng cơm, hớp nước. 

Đối với bệnh nhân nặng, họ là người lau rửa, dọn vệ sinh, đỡ đần. Có nhiều bệnh nhân bị khó thở, nhân viên y tế phải giúp đấm lưng, xoa bóp… Họ còn là người liên lạc, chuyển đồ của người nhà vào cho bệnh nhân… Đối với những bệnh nhân căng thẳng, lo lắng về bệnh tật và sức khỏe của mình cũng như người nhà, các nhân viên y tế như chị Diễm lại trở thành chuyên gia tâm lý, tận tình khuyên giải, trấn an…

Chị Diễm tâm sự, nhìn bệnh nhân một mình vật lộn với bệnh tật, mình thấy thương cảm, xót xa lắm. Vì vậy chị và đồng nghiệp luôn cố gắng hết sức để chăm sóc cho bệnh nhân như người thân của mình. Để họ bớt lo lắng, bớt cô đơn, nhanh khỏi bệnh hơn. 

Chị Diễm và các đồng nghiệp chỉ chú tâm đến bệnh nhân mà tạm quên những oi bức, ngột ngạt trong những bộ đồ bảo hộ. Mỗi ca trực 8 tiếng xong, cơ thể các chị như "vớt từ trong nước ra", cả người ngâm trong mồ hồi của chính mình tay nhăn nheo, tê cứng, chân cũng mỏi rời, đứng không vững, mắt nhòe nhoẹt, toàn thân rã rời… 

"Khó khăn, vất vả là thế nhưng vì những người bệnh đang nằm bất động trên giường và những người thân đang đợi ở quê nhà, chúng tôi sẽ phải cố gắng và cố gắng thật nhiều hơn nữa. Những lần thấy bệnh nhân được ra viện, mọi người lại càng vui hơn. Mỗi người đều tự bảo nhau cố gắng điều trị bệnh nhân thật tốt để nhanh chóng dập xong dịch, được trở về với gia đình thân yêu của mình" - chị Diễm tâm sự. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem