Đắk Nông: Giao thông "mở toang cánh cửa" kết nối, phát triển kinh tế vùng nông thôn

Ngọc Giàu Thứ sáu, ngày 15/12/2023 12:39 PM (GMT+7)
Xác định giao thông nông thôn là yếu tố quan trọng, những năm gần đây, Đắk Nông rất quan tâm dành nguồn lực lớn để đầu tư. Tuy nhiên, nguồn lực địa phương còn có hạn, cần sự đồng lòng, quyết tâm cùng thực hiện của người dân.
Bình luận 0

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là một trong những khâu đột phá chiến lược, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đắk Nông: Giao thông "mở toang cánh cửa" kết nối, phát triển kinh tế vùng nông thôn - Ảnh 1.

Phát triển giao thông góp phần thúc đẩy kinh tế Đắk Nông phát triển.

Nghị quyết 07/2021 của Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa khoảng 380 km đường, nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường toàn tỉnh từ 65% lên 73%. Mục tiêu cơ bản, đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá, trọng điểm gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, tuyến có tính kết nối…

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông (trong đó có nhiều tuyến đường nông thôn) nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, kết nối giao thương giữa các huyện, thị trấn, thành phố với nhau.

Đắk Nông: Giao thông "mở toang cánh cửa" kết nối, phát triển kinh tế vùng nông thôn - Ảnh 2.

Những con đường bê tông trải dài khắp bon, làng.

Đơn cử, năm 2023, tỉnh Đắk Nông đã dành nhiều kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ. Trong đó, các tỉnh lộ huyết mạch 2, 3, 5 đều được tỉnh bố trí vốn nâng cấp, xây dựng.

Tỉnh lộ 2 chạy qua địa bàn 2 huyện Đắk Song và Đắk Mil, có chiều dài 24 km, tổng mức đầu tư dự án hơn 265 tỷ đồng; tỉnh lộ 3 có chiều dài 31,2 km, chạy qua địa bàn 2 huyện Krông Nô và Đắk Mil, tổng mức đầu tư hơn 264 tỷ đồng; tỉnh lộ 5 có tổng chiều dài là 43 km chạy qua địa bàn thị trấn Kiến Đức và các xã Kiến Thành, Nghĩa Thắng, Đạo Nghĩa, Đắk Sin, Đắk Ru của huyện Đắk R'lấp, tổng kinh phí hơn 612 tỷ đồng.

Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê có tổng chiều dài gần 46 km, nối quốc lộ 14 từ Kiến Đức (Đắk R'lấp) với quốc lộ 28 tại xã Quảng Khê (Đắk Glong). Trong đó, đoạn tuyến dài hơn 20 km thuộc giai đoạn 1 của Dự án đã được hoàn thành vào cuối năm 2021. Hiện Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2), với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cũng đang được triển khai.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Đắk Nông đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp được 117 km đường giao thông (trong đó nhựa hóa được khoảng 56 km, đầu tư xây mới 26 km, nâng cấp cải tạo 35 km). Tỉnh nâng tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông từ 68% lên 69,2%.

Đắk Nông đặt mục tiêu, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ nâng cấp, cải tạo tuyến tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 3 và tỉnh lộ 5. Từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung xây dựng mới một số tuyến đường đô thị quan trọng dài khoảng 90km. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên cho TP. Gia Nghĩa, thị trấn Đắk Mil và thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp). Tỉnh cũng quy hoạch đặt mục tiêu sẽ xây dựng tuyến đường kết nối TP. Gia Nghĩa đi huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).

Đắk Nông: Giao thông "mở toang cánh cửa" kết nối, phát triển kinh tế vùng nông thôn - Ảnh 3.

Hạ tầng giao thông đã làm “thay da đổi thịt” vùng nông thôn ở tỉnh Đắk Nông.

Dù ưu tiên đầu tư song thực tế thời gian qua, hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Có nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có việc nguồn lực còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên,  thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo triển khai thực hiện ghép tất cả các chương trình hỗ trợ của Trung ương, cùng với nguồn lực của địa phương, đến nay, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đổi mới.

Hạ tầng cơ sở được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, ngày càng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong đó, đặc biệt đời sống kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống ngày càng phát triển.

Đắk Nông: Giao thông "mở toang cánh cửa" kết nối, phát triển kinh tế vùng nông thôn - Ảnh 4.

Những con đường giao thông nông thôn không ngừng nối dài,tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai 3 chương trình của trung ương về giảm nghèo bền vững Quốc gia 2021-2025, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng cơ sở vật chất, giao thông, để phát triển một cách toàn diện diện mạo của tỉnh.

"Tỉnh sẽ lồng ghép tất cả các chương trình hỗ trợ của Trung ương, cùng với địa phương và sự đôóng góp của dân để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất tất cả các mặt để làm sao tạo động lực phát triển kinh tế bền vững, nhất là vùng nông thôn ", ông Lê Trọng Yên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem