Đại tá biên phòng buộc em họ trốn vì sợ lộ “nhận tiền bảo kê”

Gia Bình Thứ hai, ngày 11/07/2022 18:15 PM (GMT+7)
Cựu Chỉ huy biên phòng tỉnh Kiên Giang bị cáo buộc cho em họ đi nhận thay hơn 6 tỷ đồng cùng hơn nửa triệu USD tiền bảo kê buôn lậu xăng. Việc bại lộ, vị đại tá kết nối, để em họ bỏ trốn.
Bình luận 0

Cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, đại tá Nguyễn Thế Anh sẽ hầu tòa ngày mai (12/7) với cáo buộc "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".

Theo cáo trạng, trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu quen bị cáo Thế Anh khi người này là Phó cục trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, được biệt phái sang giữ chức Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Đại tá biên phòng buộc em họ trốn sang Lào vì sợ lộ “nhận tiền bảo kê” - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Ảnh: BP

Năm 2019, Hữu nhờ Thế Anh "giúp đỡ" buôn lậu xăng sang Campuchia và được đồng ý. Đổi lại, ông ta chi cho vị đại tá 30.000USD kèm 100 triệu đồng mỗi tháng, kéo dài trong 5 tháng.

Đầu năm 2020, Hữu đặt vấn đề tiêu thụ xăng lậu tại Việt Nam. Thế Anh do vậy đã yêu cầu hằng tháng phải cho mình 60.000USD và 950 triệu đồng.

Phan Thanh Hữu đồng ý, chi số tiền này liên tục trong giai đoạn từ tháng 3 – tháng 8/2020. Sau đó, do Thế Anh về làm Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang nên số tiền bị rút xuống, còn 10.000USD/tháng.

Viện kiểm sát cáo buộc, Thế Anh nhận hối lộ từ Hữu trong 16 tháng liên tiếp với tổng số 6,2 tỷ đồng và 560.000USD.

Trong các lần nhận tiền, Thế Anh không ra mặt mà nhờ em họ mình, bị cáo Nguyễn Văn An (ở TP.HCM) đi lấy thay. Ngày 15 hằng tháng, An sẽ liên hệ với Hữu để "lấy đồ cho Thế Anh". Tiền được đóng theo cọc 100USD hoặc 500.000 đồng, để trong túi nylon đen, buộc gọn sao cho vừa cốp xe Air Blade của An.

Tháng 9/2020, An gọi điện, muốn sang "lấy đồ" nhưng Hữu nói do Thế Anh đã về Kiên Giang nên không muốn chi tiền nữa. Được báo cáo vấn đề này, Thế Anh lập tức gọi Hữu "làm việc". Sau đó, số tiền hối lộ hằng tháng được giảm từ 60.000USD kèm 950 triệu đồng xuống 10.000USD/tháng.

Cơ quan tố tụng cho rằng, Nguyễn Văn An sau khi nhận tiền sẽ kiểm đếm, cất trong két hoặc gửi ngân hàng. Khi Thế Anh có mặt tại TP.HCM, An sẽ đưa tiền cho anh ta ở sân bay hoặc ngoài đường.

Phía điều tra xác định, An không hưởng lợi gì trong việc nhận hối lộ giúp anh họ. Chỉ vài lần, Thế Anh đưa tiền cho An để "mua sữa cho cháu".

Tháng 3/2021, khi Phan Thanh Hữu bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt nên Thế Anh gọi điện, hẹn gặp An tại Phú Quốc. Vị đại tá đưa 50 triệu đồng và yêu cầu em họ "đi lánh nạn một thời gian do liên quan đến nhận tiền đưa hối lộ… nhưng không được sang Campuchia".

Bị cáo An vì vậy ra đầm tôm của Lê Hùng Phong (anh rể Thế Anh) ở Sóc Trăng trốn. Đến cuối tháng, Phong bị công an bắt nên An "dạt" về TP.HCM, thuê khách sạn ở và tìm cách làm hộ chiếu nhằm sang Lào.

Nguyễn Thế Anh khi đó gọi điện cho một người bạn ở Lao Bảo (Quảng Trị), nhờ "tìm việc cho đứa em" và được đồng ý. Ông ta liền yêu cầu An di chuyển tới đây.

Bị cáo An khi đó gọi điện cho vợ, bảo đưa 2 con ra khách sạn ở cùng một đêm, chia tay để hôm sau sang Lào. Ngày 2/4/2021, An bắt xe khách từ bến An Sương tới Lao Bảo, được người quen của Thế Anh giới thiệu vượt biên đi "nấu cơm cho đội trồng rừng".

Do không có hộ chiếu và sợ bị phát hiện, An phải thuê xe ôm kèm người dẫn đường băng rừng hết 10 triệu đồng. Đến nơi, người này lấy sim rác gọi điện về thông báo cho vợ và Thế Anh. Nguyễn Văn An ở trong lán trại khoảng một tháng rưỡi, bị công an Lào bắt ngày 19/5/2021 và bàn giao về Việt Nam.

Vụ án có 14 bị cáo, gồm 4 người thuộc lực lượng Cảnh sát biển là Lê Văn Minh, cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; Lê Xuân Thanh, cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Phùng Danh Thoại, cựu đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát biển; Lưu Thế Đức, cựu thiếu tá, Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Có 5 bị cáo thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng gồm Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá, Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang; Phạm Văn Trên, cựu đại tá, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng, cựu thượng tá, Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm, cựu trung tá, Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng.

Các bị cáo khác không thuộc quân đội gồm Lê Văn Phương, cựu thượng tá, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và nhóm thuộc các đơn vị dân sự: Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, Cao Phước Hoài.

Dự kiến, vụ án sẽ được xét xử công khai trong 3 ngày tại trụ sở Tòa án Quân sự Quân khu Thủ đô dưới sự điều hành của Thẩm phán, thượng tá Nguyễn Hồng Phong.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem