Đại hội VIII: Toàn văn Báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII

Dân Việt Thứ ba, ngày 26/12/2023 09:16 AM (GMT+7)
Tại Lễ khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN đã trình bày báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khóa VII. Dân Việt xin giới thiệu toàn văn báo cáo.
Bình luận 0

XÂY DỰNG HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM VỮNG MẠNH; PHÁT HUY VAI TRÒ NÔNG DÂN LÀ CHỦ THỂ, LÀ TRUNG TÂM TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, KINH TẾ NÔNG THÔN VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI; KHƠI DẬY KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Kính thưa các vị đại biểu khách quý;

Thưa các đại biểu dự Đại hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các cấp Hội và giai cấp nông dân Việt Nam đang tích cực thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII và đón nhận Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới".

Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh, xung đột giữa các nước, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu và kinh tế - xã hội của nước ta; nhưng dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Đảng, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, khai thác thời cơ, thuận lợi, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VII đạt được kết quả quan trọng và toàn diện.

Nông nghiệp tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế; phát triển cả về quy mô và trình độ, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao; đưa nước ta trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Đại hội VIII: Toàn văn Báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII - Ảnh 1.

Đoàn Chủ tịch Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: V.Niệm - P.Hưng.

Nông dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; trình độ ngày càng được nâng cao, đời sống, thu nhập và việc làm không ngừng được cải thiện; vị thế được khẳng định trong quá trình phát triển, đổi mới đất nước.

Nông thôn thay đổi rõ rệt, khá toàn diện; kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực; xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng và đạt được những kết quả quan trọng; kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển cả về số lượng và chất lượng, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, dần thu hẹp khoảng cách phát triển so với đô thị.

Kính thưa toàn thể Đại hội !

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, công tác xây dựng tổ chức Hội có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, khơi dậy khát vọng vươn lên của hội viên, nông dân. Trong đại dịch Covid-19, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình", hỗ trợ thu hoạch, kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19, củng cố vững chắc niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước.

Tổ chức bộ máy các cấp Hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng cán bộ được nâng lên; hoạt động cơ sở Hội và chi Hội có nhiều đổi mới; việc xây dựng chi, tổ Hội nông dân theo nghề nghiệp đạt kết quả tốt, qua đó thu hút, kết nạp nhiều hội viên mới. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật được thực hiện nghiêm túc; thi đua, khen thưởng tiếp tục đổi mới, đi vào thực chất. Vai trò của Hội trong xây dựng giai cấp nông dân ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trình độ và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Công tác vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững đi vào thực chất, hiệu quả. Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn; tính chủ động, sáng tạo của hội viên, nông dân được phát huy; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có mức thu nhập cao.

Đại hội VIII: Toàn văn Báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII - Ảnh 2.

Đồng chỉ Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN đã trình bày báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khóa VII. Ảnh: V.Niệm - P.Hưng

Hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng, thiết thực, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu, khởi nghiệp thành công. Công tác đào tạo và phối hợp đào tạo nghề được đẩy mạnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên, nông dân. Hoạt động cung ứng vật tư đầu vào trong nông nghiệp gắn với chuyển giao kỹ thuật cho nông dân được tăng cường. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản được chú trọng. Công tác tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được quan tâm.

Các cấp Hội đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trang trại tổng hợp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh; tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ động tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện của Đảng và Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi); tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, nhất là các nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy quyền dân chủ của nông dân trong các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ, cấp ủy, chính quyền với nông dân; thường xuyên nắm bắt, kịp thời phản ánh ý kiến của nông dân với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đại biểu dân cử; phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Vận động hội viên, nông dân đi bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở, tham gia "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc".

Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; phối hợp tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, xây dựng và duy trì "Điểm sáng vùng biên", vận động ngư dân bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", xây dựng và duy trì các mô hình tự quản về an ninh trật tự ở nông thôn, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, trọng tâm là thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách đối ngoại, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, giới thiệu, quảng bá văn hóa, đất nước, con người, nông sản hàng hóa Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế. Các hoạt động hợp tác, giao lưu, đoàn kết, hữu nghị ngày càng chủ động, đa dạng và thiết thực. Đến nay Hội Nông dân Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Nông dân thế giới (WFO).

Đại hội VIII: Toàn văn Báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII - Ảnh 3.

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân Việt Nam hân hoan, phấn khởi dự Đại hội VIII.

Kính thưa Đại hội!

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân còn những hạn chế, yếu kém, đó là: hoạt động Hội một số nơi chậm đổi mới; phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; việc thực hiện vai trò đại diện, nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân chưa kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát nhất là cấp cơ sở chưa hiệu quả; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng.

Những hạn chế, yếu kém trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, chủ yếu là do: Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, chính quyền đối với công tác Hội và phong trào nông dân chưa thật đầy đủ, đúng mức; vẫn còn chủ trương, chính sách chưa được thực thi nghiêm túc ở một số địa phương; một số cấp Hội chưa chủ động, kịp thời tham mưu với cấp ủy Đảng trong thực hiện nhiệm vụ; việc lập Ủy ban kiểm tra cấp cơ sở, một số chỉ tiêu đề ra chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở; một bộ phận cán bộ Hội năng lực hạn chế, chậm đổi mới tư duy, thiếu tâm huyết, sâu sát cơ sở.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém nêu trên; rút ra 5 bài học sau đây:

Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với Hội Nông dân cùng cấp là nhân tố quan trọng đối với hiệu quả hoạt động Hội và phong trào nông dân.

Hai là, sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội Nông dân các cấp, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy là yếu tố then chốt để hiệu quả hoạt động Hội và chất lượng phong trào nông dân được nâng cao.

Ba là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là người đứng đầu là nhân tố cơ bản, mang tính chất quyết định để phát triển tổ chức Hội; tổ chức tốt các phong trào mang lại hiệu quả thiết thực là động lực thu hút nông dân.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hội viên; phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù của từng địa phương và định hướng phát triển của nền kinh tế, xu thế hội nhập quốc tế là cơ sở thực hiện thành công, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào nông dân.

Năm là, phát huy quyền dân chủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hội viên, nông dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội sẽ phát huy sức mạnh đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của nông dân, củng cố niềm tin, gắn bó nông dân với Đảng, Nhà nước.

Kính thưa toàn thể Đại hội !

Trong thời gian tới, nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi phải tăng nhanh năng suất lao động, giá trị và sức cạnh tranh hàng hoá nông sản. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, kinh tế số là động lực dẫn dắt xu thế phát triển nông nghiệp. Xu thế biến đổi xã hội nông thôn truyền thống, mặt trái của toàn cầu hoá, cơ chế thị trường và không gian mạng cùng với yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi phải nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước.

Bối cảnh đó đòi hỏi trong nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân phải phát huy tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển"; bám sát Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị, tập trung xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phấn đấu thực hiện 5 mục tiêu: (1) Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (2) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. (3) Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã. (4) Xây dựng người nông dân văn minh, giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh; nâng cao trình độ, năng lực, khơi dậy khát vọng vươn lên của nông dân để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nông thôn hiện đại, phồn vinh. (5) Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại nhân dân.

Để thực hiện phương hướng, mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ 2023-2028 các cấp Hội tập trung thực hiện 17 chỉ tiêu chủ yếu; 3 nhiệm vụ đột phá: (1) Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; (2) Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; (3) Nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp. Đồng thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kịp thời đến cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị gắn với các hoạt động thiết thực của Hội, thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ của nông dân.

Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp đảm bảo hoạt động hiệu quả; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đảm bảo số lượng, chất lượng, nhất là cấp cơ sở, chi Hội; xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường quản lý hội viên trên nền tảng công nghệ số.

Gắn việc thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn với tuyên tuyền, vận động để đổi mới phương thức hoạt động; phát triển mạnh chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, câu lạc bộ của nông dân tạo đột phá phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân. Tổ chức đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong nông nghiệp thông qua chỉ số đánh giá.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát, nhất là ở cơ sở Hội; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua; kịp thời khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, ưu tiên đối với cơ sở, những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết cho nông dân, nhất là đối với các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc để trở thành chủ tịch, giám đốc hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, tạo bước đột phá trong xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp, tay nghề cao.

Tăng cường phổ biến kiến thức, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng cộng đồng văn minh, khu dân cư tiên tiến; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; nhân rộng các mô hình tự quản cộng đồng nông thôn.

Vận động hội viên, nông dân chủ động tham gia thực hiện các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao; tích cực tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội, các chương trình phối hợp triển khai bảo biểm cho hội viên, nông dân.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; vận động hội viên, nông dân tích cực liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị; phát huy vai trò nòng cốt của các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân khác.

Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Phát huy vai trò của các cấp Hội trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập.

Hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đô thị; các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, sản xuất quy mô lớn gắn với quy trình kỹ thuật chuẩn và mã vùng sản xuất.

Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất thực phẩm an toàn gắn với đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân; chú trọng sản xuất sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên theo chương trình OCOP. Phát động phong trào thi đua "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể".

Thông tin kịp thời cho hội viên, nông dân về những thay đổi của thị trường trong nước và thị trường nhập khẩu nông sản; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản; tư vấn, hỗ trợ xây dựng, đăng ký, bảo hộ thương hiệu nông sản hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm; hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia các sàn thương mại điện tử.

Tổ chức tốt các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; cung ứng thiết bị, vật tư đầu vào trong nông nghiệp cho hội viên, nông dân gắn với chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản và chế biến, tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân. Vận động, hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; chú trọng các công nghệ an toàn thực phẩm, công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghề cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết việc làm, nhu cầu của thị trường lao động; vận động các nghệ nhân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc tham gia truyền nghề, bồi dưỡng nghề cho nông dân. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân và mô hình tín chấp hỗ trợ nông dân vay vốn, tăng trưởng dư nợ với các ngân hàng để hỗ trợ nguồn lực cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tích cực tham gia xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng, quy định của Bộ Chính trị về tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Tham mưu duy trì, nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại hàng năm giữa lãnh đạo Chính phủ, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nông dân.

Tiếp tục thực hiện tốt quy định của Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư về giám sát và phản biện xã hội; đưa các chủ đề giám sát, phản biện xã hội trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi, tổ Hội Nông dân. Phát huy tốt hơn quyền dân chủ trực tiếp của nông dân theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết, đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vận động, hỗ trợ nông dân tham gia các mô hình phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh, hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an; vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc"; nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào.

Phát huy vai trò Hội Nông dân Việt Nam là thành viên của các tổ chức nông dân trong khu vực và quốc tế, triển khai hiệu quả, thiết thực các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối xuất khẩu nông sản, chuyển giao khoa học, công nghệ; thu hút các nguồn lực hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phối hợp đào tạo nâng cao trình độ cho nông dân, nhất là đối với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc, nâng cao năng lực đối ngoại và hợp tác quốc tế cho cán bộ Hội. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người và đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Kính thưa toàn thể Đại hội !

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam khẳng định quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023 -2028, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Xin trân trọng cảm ơn Đại hội !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem