Đã đến lúc HLV Troussier “cậy nhờ” Công Phượng?

Trần Oánh Thứ tư, ngày 28/02/2024 14:10 PM (GMT+7)
Ở Asian Cup 2024, ĐT Việt Nam có 4 bàn thắng thì 3 bàn xuất phát từ các tình huống đá phạt trực tiếp. Các học trò của HLV Troussier không có nhiều các pha phối hợp gây nguy hiểm cho khung thành đối phương. Có cảm giác rằng hàng tấn công của ĐT Việt Nam đang thiếu phương án ghi bàn.
Bình luận 0

Công Phượng có phải giải pháp cho hàng công ĐT Việt Nam?

Trở lại các trận đấu của ĐT Việt Nam ở Asian Cup vừa qua. Mặc dù kết quả không được như ý, nhưng các học trò của HLV Troussier đã có những tiến bộ rõ ràng trong việc triển khai lối đá kiểm soát, kể cả trước các đối thủ mạnh hơn nhiều. Các tuyển thủ của chúng ta đã tự tin cầm bóng, phối hợp, cả ở khu vực giữa sân lẫn phối hợp thoát pressing của các cầu thủ tuyến dưới. Có vẻ như thấy trò HLV Troussier đã đi được 1 quãng đường dài trong việc xây dựng 1 đội bóng có lối đá kiểm soát. Nhưng phần đường còn lại tiếp theo mới là quyết định, đó là hiệu quả thi đấu, là kết quả, là chiến thắng của đội bóng. Mà để có hiệu quả thi đấu, đội bóng phải ghi bàn thắng, phải có nhiều phương án tiếp cận khung thành đối phương, điều mà ở các trận đấu gần đây, chúng ta chưa làm được.

Đã đến lúc HLV Troussier “cậy nhờ” Công Phượng?- Ảnh 1.

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Ảnh: VFF.

Ở Asian Cup 2024, ĐT Việt Nam có 4 bàn thắng thì 3 bàn xuất phát từ các tình huống đá phạt trực tiếp. Các học trò của HLV Troussier không có nhiều các pha phối hợp gây nguy hiểm cho khung thành đối phương. Có cảm giác rằng hàng tấn công của ĐT Việt Nam đang thiếu phương án ghi bàn.

Có nhiều người nói HLV Troussier cần biết cách liệu cơm gắp mắm, cần xây dựng thứ bóng đá phù hợp với thể trạng, con người Việt Nam. Nếu nhìn cách ĐT Việt Nam thi đấu, chúng ta thấy mặc dù cũng là lối đá kiểm soát bóng, nhưng nó không giống với lối đá tiki taka của đội Barcelona, đội Tây Ban Nha hay lối đá kiểm soát của Nhật Bản. Các cầu thủ của HLV Troussier không thường xuyên kiểm soát, phối hợp nhỏ cho tới tận cầu môn đối phương như các đội bóng kể trên. Họ chỉ cố gắng kiểm soát bóng ở khu vực sân nhà, chờ nhịp bóng thuận lợi tổ chức tấn công chủ yếu bằng những đường chuyền cự ly trung bình và dài. Tránh cho các cầu thủ tuyến trên phải căng sức cho cả 2 trạng thái, vừa phải di chuyển phố hợp tấn công, ngay sau đó lại phải ra sức pressing đòi bóng từ chân đối phương. Dường như lựa chọn cho các cầu thủ Việt Nam lối chơi như vậy chính là "liệu cơm gắp mắm".

Với cách triển khai tấn công như vậy, hàng tấn công ĐT Việt Nam thường xuyên chỉ có 2 đến 3 cầu thủ thường trực áp sát khu vực 16m50 của đối phương. Một mặt điều này giúp cho việc chuyển đổi trạng thái từ tấn công sang phòng ngự thuận lợi hơn, an toàn hơn, thì mặt khác cũng làm cho sức tấn công của ĐT Việt Nam giảm sút do không đủ lực lượng để áp đảo. Đó là lý do chúng ta nhiều lần thấy rằng sau khi đẩy được bóng vào gần khu cấm địa đối phương, các cầu thủ của chúng ta lại phải đưa bóng về sân nhà vì không đủ người phối hợp tấn công.

Hàng tiền đạo của ĐT Việt Nam với Phạm Tuấn Hải xông xáo, cần mẫn, Nguyễn Đình Bắc mạnh mẽ, nhanh nhẹn, hay Nguyễn Văn Toàn tốc độ, quyết đoán, nhưng khi không có đủ đồng đội trong phạm vi đủ gần để cùng nhau phối hợp, trước áp lực truy cản của đối phương, họ đành đưa bóng về sân nhà làm. Điều này làm chúng ta nhớ đến tiền đạo Nguyễn Công Phượng.

Như chúng ta đã biết, Công Phượng là mẫu tiền đạo có khả năng bẩm sinh trong việc thực hiện các đường đi bóng đột phá về phía khung thành đối phương. Anh ưa thích các pha xử lý bóng đột biến một mình. Tuy đôi khi có vẻ cá nhân, nhưng tính táo bạo của các đường đi bóng đột phá luôn có thể tạo ra bất ngờ cho những hàng phòng thủ dù được tổ chức chặt chẽ. Các tình huống đột phá đó có thể dẫn đến các cơ hội dứt điểm, hay chí ít nó cũng có thể tạo ra các pha đá phạt trực tiếp, thứ đã giúp cho ĐT Việt Nam có 3 trên tổng số 4 bàn thắng trong Asian Cup vừa qua. Có thể đó là lý do HLV Troussier phải cất công bay qua Nhật Bản để dự khán và chứng kiến tiền đạo này thi đấu trọn vẹn 90 phút trong cuộc đọ sức của đội dự bị Yokohama FC và Renofa Yamaguchi.

Nếu được gọi về thi đấu cho ĐTQG trong 2 trận đấu với ĐT Indonesia tại vòng loại thứ 2 Wolrd Cup 2026 khu vực châu Á, có thể tiền đạo đang thi đấu ở J.League 2 này sẽ không có tên trong đội hình xuất phát, nhưng anh sẽ được tung ra sân trong những thời điểm quan trọng của trận đấu. Và tiền đạo có lối đá đặc biệt này của bóng đá Việt Nam sẽ hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt cho đội bóng khi được tung vào sân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem