Cứu sống cặp song thai có dây rốn xoắn thắt nút vô cùng hiếm gặp

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 13/09/2022 16:17 PM (GMT+7)
Cặp song thai bé gái có dây rốn xoắn, thắt nút vô cùng hiếm gặp vừa được các bác sĩ Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI đưa ra ngoài thành công.
Bình luận 0

Song thai chung bánh rau, chung buồng ối nguy hiểm thế nào?

Ngày 13/9, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI cho biết, Khoa Phụ sản của bệnh viện vừa mổ lấy thai thành công cho sản phụ L.T.T (32 tuổi, quê ở Nghệ An). Đây là trường hợp mang song thai chung 1 bánh rau, 1 buồng ối, 2 dây rốn xoắn lấy nhau, cả 2 dây rốn đều bị thắt nút. 

Cứu sống cặp bé gái song thai, dây rốn xoắn thắt nút vô cùng hiếm gặp - Ảnh 1.

Cặp bé gái đáng yêu được "giải cứu" thành công thành công khi cùng bánh rau, dây rốn xoắn lấy nhau, cả 2 dây rốn đều bị thắt nút vô cùng hiểm gặp. Ảnh: GĐCC

Theo nữ sản phụ, đây là lần thứ 2 mang thai của chị, lần đầu chị sinh thường. Ở lần sinh thứ 2 này, chị T. lo lắng hơn bởi ngay từ những tháng đầu của thai kỳ, qua thăm khám chị được biết tình trạng song thai chung bánh rau, chung buồng ối của mình.

"Đây là một trường hợp hi hữu, gần 40 năm trong nghề bác sĩ tôi chưa từng gặp ca sinh nào đặc biệt như ca này. Điều đáng lo ngại nhất khi song thai cùng chung một bánh rau là nguy cơ mắc phải hội chứng truyền máu nhau thai. Điều đó có nghĩa là máu từ bào thai này sẽ truyền vào bào thai kia liên tục dẫn tới tình trạng thai nhi cho máu sẽ phát triển chậm hơn dẫn đến nhẹ cân, ngược lại thai nhi nhận máu sẽ lại xuất hiện tình trạng đa niệu, suy tim, phù nề... 

Đáng nói, song thai chung bánh rau đã nguy hiểm mà chung buồng ối còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi song thai chung buồng ối có đặc điểm là hai dây rốn nằm gần nhau nên khi thai nhi chuyển động dễ làm hai dây rốn xoắn vào nhau, thậm chí còn thắt nút  dẫn tới mất tim thai nếu không được xử trí kịp thời", bác sĩ Hà chia sẻ.

Ca song thai có dây rốn thắt nút vô cùng hiếm gặp

Mặc dù đã thăm khám và siêu âm theo dõi tình trạng thai phụ trong suốt thai kỳ, thế nhưng ngay khi đưa 2 em bé ra ngoài thành công, các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên khi lần đầu tiên chứng kiến ca sinh dây rốn xoắn lấy nhau và thắt nút ở cả 2 dây rốn vì trường hợp dây rốn thắt nút theo ghi nhận thống kê chỉ chiếm tỷ lệ 0,3-2% thai phụ. 

Cứu sống cặp bé gái song thai, dây rốn xoắn thắt nút vô cùng hiếm gặp - Ảnh 2.

Dây rốn tạo vòng xoắn vô cùng hiếm gặp. Ảnh: BSCC

Do đó, dây rốn thắt nút giống như một "tai nạn bất ngờ" trong sản khoa, gây ra các biến cố như thai chết lưu, nhất là thai lưu 3 tháng cuối hoặc thời điểm chuyển dạ. Do đó, chị T. đã được tư vấn mổ lấy thai ở mốc ngoài 37 tuần là hợp lý và kịp thời giúp bảo toàn tính mạng cho mẹ và thai nhi nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình "vượt cạn".

Bác sĩ Hà cho biết, hiện nay chưa có phương pháp nào phòng ngừa dây rốn thắt nút. Tuy nhiên, mẹ bầu nên đi khám thai định kì, siêu âm thai đánh giá tình trạng dây rốn trong suốt quá trình mang thai. Việc chẩn đoán dây rốn thắt nút dựa vào siêu âm thai nhi Doppler màu, siêu âm 5D, kiểm tra tưới máu ở phía trước và ở phía sau vị trí dây rốn thắt nút, đo tim thai, kiểm tra sức khỏe thai.

"Thai phụ cần theo dõi chặt chẽ chuyển động của thai nhi trong suốt thai kì để đảm bảo thai nhi luôn khỏe mạnh. Đặc biệt, nếu thai nhi có các dấu hiệu bất thường như quẫy đạp mạnh hoặc cử động ít ở những tuần cuối, thai phụ cần phải đến cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật gần nhất để được thăm khám và tư vấn sớm", bác sĩ Hà khuyến cáo.

Trường hợp của chị T. là một trong những trưởng hợp rất hiếm hoi nhờ theo dõi thăm khám và quản lý thai nghén tốt tại bệnh viện mà quá trình vượt cạn đã diễn ra thành công thuận lợi. 

Chị T đã đón hai con gái chào đời ở 37 tuần 6 ngày. Các bé có chỉ số cân nặng lần lượt là 2,6kg và 2,3kg khỏe mạnh, khóc to. Sau mổ 5 ngày sản phụ và 2 bé đã được xuất viện về nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem