Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhận 3 tỷ đồng tiền "lại quả", khung hình phạt thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 14/04/2023 08:25 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, với hậu quả gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 20,8 tỷ đồng, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa và đồng phạm sẽ bị truy tố theo khoản 3 Điều 222.
Bình luận 0

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT bị cáo buộc nhận 3 tỷ đồng tiền "lại quả"

Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá về tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan vụ thông thầu mua sắm thiết bị dạy học xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2021.

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhận 3 tỷ đồng tiền "lại quả", khung hình phạt thế nào? - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Tuấn Minh.

11 bị can còn lại của vụ án có ông Lê Văn Cương, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Nguyễn Văn Phụng, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa...

Cáo trạng nêu, bị can Phạm Thị Hằng và 11 đồng phạm trong quá trình triển khai 2 gói thầu đã có hành vi thông thầu, không đảm bảo công bằng minh bạch, tiết lộ thông tin. Hậu quả gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 20,8 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, sau khi kết thúc các gói thầu, bị can Lê Thế Sơn nhiều lần đến phòng làm việc đưa cho các bị can Nguyễn Văn Phụng và Phạm Thị Hằng tổng số tiền 6,2 tỷ đồng.

Sau đó, bà Hằng được chia 3 tỷ đồng, ông Trịnh Hữu Nghĩa (cựu trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính) nhận 1,65 tỷ đồng, ông Phụng 700 triệu đồng, cựu chuyên viên Bùi Trí Thức 300 triệu đồng…

Giai đoạn điều tra, bà Hằng nộp khắc phục 5 tỷ đồng. Bị can Lê Thế Sơn nộp 2 tỷ đồng để khắc phục. Các bị can Trịnh Hữu Nghĩa, Lê Văn Cương, Nguyễn Văn Phụng, Bùi Trí Thức... nộp lại tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng.

Đối mặt khung hình phạt 10 đến 20 năm tù

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" mà bà Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa và đồng phạm bị truy tố được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015.

Hậu quả gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 20,8 tỷ đồng, bà Hằng và đồng phạm sẽ bị truy tố theo khoản 3 Điều 222. Đây là khoản có khung hình phạt cao nhất của tội danh.

Khoản 3 Điều 222 quy định, người nào vi phạm quy định đấu thầu gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.

Như vậy, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa và đồng phạm có thể đối mặt với khung hình phạt nêu trên.

Bình luận về tội danh, bà Thơ cho biết, theo quy định tại Điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013, những hành vi như đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; không bảo đảm công bằng, minh bạch; tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; chuyển nhượng thầu, là những hành vi bị nghiêm cấm.

Người vi phạm nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 200 đến 300 triệu đồng.

Còn nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng, tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo vị luật gia, hành vi khách quan của tội này là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về đấu thầu, hành vi này được điều luật cụ thể hóa dưới các dạng vi phạm gồm can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu, gian lận trong đấu thầu.

Ngoài ra, còn có cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu, chuyển nhượng thầu trái phép.

Trên thực tế, người phạm tội có thể thực hiện một hành vi hoặc nhiều hành vi trong các dạng hành vi nêu trên.

Hành vi vi phạm chỉ bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới mức đó nhưng chủ thể đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Đầu tháng 9/2019, khi biết Sở GD&ĐT Thanh Hóa có chủ trương tổ chức đấu thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 cho các trường tiểu học vùng đặc biệt khó khăn, bị can Lê Thế Sơn gặp bà Phạm Thị Hằng xin được tạo điều kiện để trúng thầu.

Sau đó, bà Hằng chỉ ông Lê Văn Cương, Nguyễn Văn Phụng tạo điều kiện cho công ty của ông Sơn tham gia và trúng thầu.

Bà Hằng bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu. Ngoài ra, cựu giám đốc sở thành lập Hội đồng mua sắm nhưng không thực hiện nhiệm vụ gì liên quan đến các gói thầu.

"Hành vi của bị can Phạm Thị Hằng vi phạm quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 20,8 tỷ đồng", cáo trạng nêu và xác định bà Hằng hưởng lợi bất chính 3 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem