Cuộc sống những người "bám chợ" Long Biên những ngày "bão giá"

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 25/04/2023 10:01 AM (GMT+7)
Những ngày này giá cả nhiều mặt hàng tăng khiến những người dân "bám chợ" Long Biên, Hà Nội cũng thêm lo toan, khó khăn.
Bình luận 0

Bữa cơm đạm bạc của người đàn ông nhặt phế liệu ở chợ Long Biên

Trời điểm sang 14h chiều, ấy vậy nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn (50 tuổi, quê xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) mới bắt đầu ăn bữa cơm trưa muộn. Ông Tuấn gắn bó với nghề nhặt phế liệu ở chợ Long Biên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội đã hơn 30 năm nay. Bữa cơm đơn sơ của ông chỉ có ít rau luộc, một ít thịt mỡ rang cháy cạnh và cà muối. 

Cuộc sống những người "bám chợ" Long Biên những ngày "bão giá" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tuấn bên mâm cơm 30 nghìn đồng ăn cả ngày. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Tuấn kể, thời gian gần đây thực phẩm đắt khi rau từ 5 – 7 nghìn đồng/bó thì giờ tăng lên 10 nghìn đồng. Thịt cũng tăng nhẹ nhưng với những lao động tự do quanh năm "bám chợ" như ông cũng phải cân đo đong đếm nhiều.

"Nhìn vậy nhưng bữa cơm của tôi và con trai hôm nay chỉ gói gọn 30.000 đồng gồm rau và thịt cho cả ngày. Sau dịch Covid-19 cuộc sống gặp khó khăn, như trước dịch Covid-19 tôi bán được 5 nghìn đồng/kg giấy phế liệu thì giờ tụt xuống còn 2 nghìn đồng/kg. Trước ngày cũng kiếm được 200-300 nghìn đồng thì giờ nhặt suốt đêm cũng chỉ được 150 nghìn đồng", ông Tuấn chia sẻ.

Cuộc sống những người "bám chợ" Long Biên những ngày "bão giá" - Ảnh 2.

Ông Tuấn làm nghề nhặt phế liệu ở chợ Long Biên suốt 30 năm nay. Ảnh: Gia Khiêm

Căn phòng trọ lợp fibro xi măng rộng hơn 10m2, là nơi sinh sống của vợ chồng ông Tuấn cùng người con trai cả. Mỗi tháng chưa kể điện nước hết 1,2 triệu đồng tiền nhà trọ. Cuộc sống khó khăn nên người con trai thứ 2 của ông đang học lớp 9 ở quê với ông bà ngoại.

"Tôi trước ở trại giáo dưỡng tại Hải Phòng sau này đi tìm cha nhưng không thấy rồi lang thang bám chợ Long Biên rồi quen vợ tôi. Sau chúng tôi nên duyên vợ chồng. Tôi đi nhặt phế liệu, vợ tôi thì bổ mía, củ đậu rong ruổi khắp phố phường bán tới tối đêm. Đứa con trai thì không được nhanh nhẹn mới đây đi phụ giúp cho cửa hàng phế liệu nhưng thi thoảng tôi ra phụ giúp chứ nó không biết việc. 

Cuộc sống những người "bám chợ" Long Biên những ngày "bão giá" - Ảnh 3.

Ông Tuấn tranh thủ rửa bát nghỉ ngơi để tối tiếp tục công việc. Ảnh: Gia Khiêm

Cách đây 3 năm vợ tôi bị ung thư vú phải chạy chữa mất thời gian dài. Có đợt tôi chỉ cho phép mình nghỉ một vài tiếng còn lại dành hết thời gian đi làm cố gắng lo cho gia đình. Giờ thì sức khoẻ vợ tôi cũng đỡ rồi nên cũng nguôi đi lo toan, vất vả", ông Tuấn trải lòng.

Cuộc sống mưu sinh khó khăn, có lúc trong nhà có người bệnh tật nên gia đình ông Tuấn không dành dụm được tài sản gì đáng giá. Ông mong rằng giá cả trong thời gian tới sẽ được cân đối để cuộc sống của những lao động nghèo như không đỡ đi phần nào khó khăn.

Không muốn đi chợ vì bán sợ không có lãi

Ngay sát nhà trọ của ông Tuấn là bà Doãn Thị Liên (50 tuổi, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nộ) mấy ngày nay nghỉ chợ. Bà Liên cho biết, chiếc xe đạp cũ gắn bó với mình hơn 10 năm nay với nghề đi bán hoa quả. Thế nhưng vài ngày gần đây hoa quả đắt bà đành nghỉ ở nhà vì đi bán không có lãi.

Cuộc sống những người "bám chợ" Long Biên những ngày "bão giá" - Ảnh 4.

Mấy ngày nay bà Doãn Thị Liên nghỉ chợ vì giá hàng tăng bán sợ không có lãi. Ảnh: Gia Khiêm

Trước đó, đều đặn 4 giờ sáng mỗi ngày bà Liên ra chợ đầu mối Long Biên lấy dứa, bưởi rồi về nhà trọ gọt sạch sẽ. Đúng 7 giờ sáng bà bắt đầu hành trình lượn khắp các con phố cổ Hà Nội để bán cho khách.

"Trước tôi lấy dứa chỉ khoảng 3 nghìn đồng/quả, về gọt sạch cũng bán được 15 nghìn/2 quả hoặc 20 nghìn/3 quả. Tuy nhiên, giờ lấy hàng cũng đã 6 nghìn/quả. Về còn phải gọt sạch rồi có quả bị hư hỏng nếu bán đắt khách cũng không mua, không biết bán thế nào. Bưởi năm roi cũng tăng giá cao nên mấy ngày nay định dắt xe đi chợ nhưng nghĩ không lời lãi gì lại đành thôi", bà Liên kể.

Chồng bà Liên bị bạo bệnh qua đời cách đây 10 năm, cũng từ đó bà rong ruổi cuộc sống nơi góc chợ đầu mối Long Biên đến bây giờ. Bà thành thật chia sẻ mua 30 nghìn giò ăn được 3,4 bữa. 

"Ở mình nên ăn uống cũng đơn giản lắm. Nấu tí canh nữa là xong. Trước tôi ở cùng người em tiền trọ chị em chia đôi cũng đỡ nhưng từ khi em ấy chuyển đi ở mình tôi gánh thêm chi phí, nhiều khi nóng bức không dám bật điều hoà. Thời gian tới nếu kiếm ăn khó khăn có khi tôi lại tính về quê đi nấu cơm thuê mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng", bà Liên nói.

Cuộc sống những người "bám chợ" Long Biên những ngày "bão giá" - Ảnh 5.

Bà Đặng Thị Hằng (ngồi giữa) đang được mọi người trong xóm trọ hỗ trợ khêu ốc chuẩn bị bán cho khách. Ảnh: Gia Khiêm

Tranh thủ chuẩn bị đồ để đêm bán bún ốc ở chợ Long Biên, bà Đặng Thị Hằng (58 tuổi, quê huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) cho biết, trung bình mỗi ngày bán được 100 bát. Khách của bà Hằng chủ yếu là tiểu thương, người lao động làm xuyên đêm ở chợ.

"Cách đây một vài năm tôi mua chỉ 100 nghìn đồng/10 kg ốc thì giờ tăng lên 250 nghìn đồng. Các mặt hàng đều tăng từ gas, mì chính, nước mắm, bột nêm… đều tăng chỉ bún ốc là không lên giá. Tôi bán từ 12 giờ đêm đến 10 giờ sáng hôm sau. Trước đây trừ đi lời lãi cũng được 500 nghìn đồng/ngày thì giờ may ra mỗi ngày kiếm được 200 nghìn đồng, hôm nào nắng xong trời đổ mưa vãn chợ thì ế coi như không lời lãi gì", bà Hằng nói.

Cũng từ nồi bún ốc vợ chồng bà Hằng cũng nuôi 3 người con ăn học nên người. Các con bà giờ đã lập gia đình, có công ăn việc làm nhưng bà cho biết, dù khó khăn vất vả là vậy nhưng vợ chồng còn sức khoẻ còn tiếp tục làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem