"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao?

Hồng Nhân - Châu Hân Thứ năm, ngày 21/12/2023 11:27 AM (GMT+7)
Làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) bây giờ không còn mùi thuốc pháo đặc quánh bám theo người từ sáng tới chiều, không còn cảnh trẻ em thích ở nhà làm pháo kiếm tiền hơn đi học. Cũng không còn những tiếng nấc nghẹn của người vợ khóc chồng sau vụ nổ thuốc pháo.
Bình luận 0
"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 1.

Là một làng cổ, Bình Đà được biết đến là nơi lưu lại dấu tích của Lạc Long Quân cùng 50 con dừng chân, lập ấp trước khi tiến ra biển Nam Hải.

Pháo Bình Đà có từ bao giờ?

Từ trung tâm Hà Nội đi qua Hà Đông, hướng về Ba La rồi rẽ trái theo quốc lộ 21B chừng 7km là tới Bình Đà. Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) từng được mệnh danh là “công xưởng” sản xuất pháo nhiều nhất khu vực miền Bắc.

Dân gian vẫn có câu "Nhất pháo Bình Đà, Nhất gà Đông Tảo" để nói lên sự trứ danh của làng này.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 2.

Đường dẫn từ vào thôn Bình Đà.

Chúng tôi hỏi đường đến nhà “nghệ nhân” một thời nổi tiếng lẫy lững về nghề làm pháo - ông Nguyễn Hữu Dũng (SN 1950, ở thôn Chua, Bình Đà). Người đàn ông này có hơn 30 năm kinh nghiệm làm pháo dân gian, pháo hoa nghệ thuật, pháo bông.

Cạnh ngôi nhà nhỏ 3 gian là một căn nhà 4 tầng bề thế mà con trai ông Dũng xây dựng. Ông Dũng vừa rót chén trà nóng vừa bảo: “Cả nhà chúng tôi vẫn sinh hoạt bên ngôi nhà lớn, bên này là nơi thờ tự và tiếp khách”.

Chia tay nghề pháo đã gần 30 năm, thế nhưng khi nhắc lại, người “nghệ nhân” già 74 tuổi vẫn nhớ như in công thức, quy trình làm các loại pháo.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Dũng có hơn 30 năm kinh nghiệm làm pháo dân gian, pháo hoa nghệ thuật, pháo bông.

“Làng tôi pháo to, đẹp. Không phải nói quá chứ từ xưa ở khắp miền Bắc, không nơi đâu làm pháo nhiều và nổi tiếng như làng Bình Đà”, ông Dũng bảo.

Là một làng cổ, Bình Đà được biết đến là nơi lưu lại dấu tích của Lạc Long Quân cùng 50 con dừng chân, lập ấp trước khi tiến ra biển Nam Hải. Đền Nội ở làng có bức hoành phi Đền Quốc Tổ, trong đền có bảo vật quốc gia "Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân" hơn 1.000 năm tuổi.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 4.

Đền Nội ở làng có bức hoành phi Đền Quốc Tổ, trong đền có bảo vật quốc gia "Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân" hơn 1.000 năm tuổi.

Cách đó một đoạn, đồi Ba Gò ở cánh đồng làng được cho là nơi Lạc Long Quân hóa về trời.

Nói về nguồn gốc nghề pháo, ông Dũng tự hào bảo: “Qua câu chuyện cha ông, chúng tôi được truyền dạy rằng, làng nổi tiếng từ thời vương triều nhà Nguyễn, với loại pháo mang tên Nam Hải Hoàng Hoa".

Ông Dũng khẳng định, bước ngoặt lớn nhất của làng là vào năm 1947 khi quân Pháp đồn trú tại làng. Một tên tướng Pháp lúc đó tên là Ti-bô đã cho thành lập trường bắn gần Bình Đà, bên trong có cất giữ rất nhiều thuốc súng.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 5.

Ông Dũng dùng bút màu để minh họa cho chúng tôi về những loại pháo trước đây.

Nhiều thanh niên làng đã trèo vào ăn trộm và lấy thuốc súng về để làm pháo.

Sau khi giải phóng miền Bắc, trường bắn bị giải tán, nhưng nghề pháo vẫn tiếp tục duy trì. Dần dần, nghề truyền nghề, hầu như gia đình nào trong làng cũng biết cách làm, họ nắm rõ từ thành phần tới công thức, mức độ an toàn và dần tìm được nguồn nguyên liệu cố định, thường xuyên.

“Từng giai đoạn, thời kỳ, người dân làng tôi lại có cách chế pháo với nhiều nguyên liệu khác nhau. Nhưng từ mốc dấu tôi vừa kể, là lúc làng pháo bắt đầu hưng thịnh, có tiếng, buôn bán nhộn nhịp”, ông Dũng nói thêm.

Theo tìm hiểu, tại làng Bình Đà, có 2 luồng ý kiến khác nhau về xưởng pháo. Có người theo câu chuyện của ông Dũng, nhưng cũng có nhiều người quả quyết rằng, thời kỳ những năm 1947, khi Pháp quân Pháp đồn trú đã có xưởng pháo Bình Đà. Xưởng là do một nhóm người trong làng lập nên.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 6.

Khu vực người dân cho rằng trước đây là xưởng pháo Bình Đà.

Thời kỳ mùi thuốc pháo đặc quánh bám theo người từ sáng tới chiều

Ông Dũng cho biết, trước năm 1960, pháo được đưa vào hợp tác xã. Khi này giải tán, pháo được mang về từng nhà.

Nghề pháo đối với làng Bình Đà có thời điểm đã ăn vào máu thịt và trở thành linh khí của làng, khi mà tuyệt đối không được truyền nghề ra bên ngoài.

“Chuyện này chắc ai cũng biết, thời kì đó các cụ không cho phép truyền nghề làm pháo cho người ngoài làng, kể cả là rể làng. Nhiều người họ giữ nghề kín lắm. Bởi họ có nhiều phát kiến hay, độc đáo, tạo ra những loại pháo có 1 0 2, vì thế không ai muốn truyền ra ngoài cả”, ông Dũng bộc bạch.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 7.

Làng pháo Bình Đà cứ thế phát triển. Trong năm hội làng được xem là ngày quan trọng nhất. Thời điểm này, thôn này thi với thôn kia, xem pháo ai to, đẹp nhất.

Làng pháo Bình Đà cứ thế phát triển. Trong năm, hội làng được xem là ngày quan trọng nhất. Thời điểm này, thôn này thi với thôn kia, xem pháo thôn nào to, đẹp nhất. Các loại pháo độc đáo của làng gồm có pháo cây, pháo bông, pháo hoa và đặc biệt nhất là loại pháo 16 quả nổ một tiếng (còn gọi là pháo bèo).

Ông Nguyễn Hữu Sinh (65 tuổi, người dân Bình Đà) cho biết, đây chính là ngày hội thi pháo của làng, ngày người dân thể hiện ai là người làm và đốt pháo giỏi nhất của năm. Kỷ niệm về những ngày hội thi pháo vẫn còn in sâu trong tâm trí nhiều người.

Trong ngày hội làng, pháo được kéo ra sân vận động làng, chỉ có đội kỹ thuật được đứng gần để làm khâu chuẩn bị còn tất cả phải đứng xa cả chục mét.

"Pháo bắn lên trời, tiếng nổ to, ánh sáng và cái mùi khét lẹt của thuốc pháo làm mê mẩn bao người", ông Sinh nhớ lại.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 8.

Khu đất trước này từng là nơi tổ chức hội thi pháo giờ được nâng cấp thành sân vận động khang trang để mọi người tham gia tập luyện thể dục thể thao”, ông Sinh nói.

Qua lời kể người dân Bình Đà, nhộn nhịp hơn cả là khung cảnh ngày tết. Khi đó phong trào làm pháo, đốt pháo còn rất được người dân ưa chuộng.

“Tôi nhớ lắm những ngày này, nhà nào cũng vậy trẻ con thì cuốn pháo, làm ngòi, những người có kinh nghiệm thì hốt thuốc, vào khuôn, mỗi người một công đoạn. Pháo chất đầy nhà chỗ nào cũng thấy những nguyên liệu để làm pháo, có nhà còn xây cả một kho để chứa pháo", ông Dũng bộc bạch.

Theo người dân, lúc đó, chợ pháo luôn tấp nập từ sáng sớm đến khi tối mịt, người ta từ mọi nơi có khi tận Cao Bằng, Bắc Cạn cũng về tận đây lấy pháo về buôn. Từ đầu làng đến cuối làng ai cũng khẩn trương mong sao làm và bán được nhiều pháo để có cái tết thật sung túc.

Trong câu chuyện kể dở với chúng tôi, ông Dũng khựng lại khi nhớ về những vụ việc đau xót khi pháo đã cướp đi không ít tính mạng của người dân Bình Đà. Nhiều người bị nổ bung tay, mặt mũi chằng chịt vết khâu...

"Do nắm chưa kĩ kỹ thuật, không ít gia đình chịu mất mát từ nghề làm pháo. Hiện nay giới trẻ cứ lên mạng học được một tí công thức, chắp vá chỗ này chỗ kia rồi về tự chế. Thế nên mới xảy ra nhiều vụ việc thương tâm.

Gần đây tôi nghe nhiều vụ việc đau lòng do chế pháo, người bị khởi tố, người thì dập nát bàn tay… Tôi mong Nhà nước quản lý chặt, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ", ông Dũng nói.

Bình Đà thay đổi

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 9.

Nhiều tuyến đường vào Bình Đà được xây dựng khang trang.

Tết Ất Hợi năm 1995 là cái Tết không bao giờ quên đối với người dân làng Bình Đà. Đó là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/TTg về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, có hiệu lực từ ngày 1/1/1995.

Những đồ vật ngày nào như cần câu cơm của dân làng Bình Đà bỗng chốc phải tiêu hủy, pháo bông, pháo bèo ngày nào chuẩn bị đi vào dĩ vãng.

Ông Dũng bảo, suốt một thời gian sau vẫn còn một vài hộ lén lút làm pháo, và xót xa thay tai nạn về pháo vẫn cướp đi sự lành lặn của một số người sau lệnh cấm. Đến năm 2008, liên tiếp nhiều sự cố liên quan đến pháo cũng như vụ bắt giữ 600 kg pháo các loại tại Bình Đà. Ngay sau đó, cơ quan chức năng phải vào cuộc ráo riết, việc sản xuất pháo tại đây mới dừng lại.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 10.

Năm tháng qua đi, truyền thông tích cực và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ đã khiến nghề làm pháo chỉ còn là kỷ niệm tại Bình Đà.

Năm tháng qua đi, truyền thông tích cực và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ đã khiến nghề làm pháo chỉ còn là kỷ niệm tại Bình Đà.

“Làng Bình Đà sau khi bỏ nghề pháo, người dân chú tâm vào sản xuất, nhiều gia đình đi buôn cây cảnh, cung cấp gà thịt cho nội thành... Cuộc sống của người dân đã khấm khá, xây nhà mái bằng, nhà 2-3 tầng. Nhà nào cũng mua ô tô, xe máy rầm rộ”, ông Dũng tâm sự.

"Công xưởng" sản xuất pháo ở ngoại thành Hà Nội một thời, giờ ra sao? - Ảnh 11.

Bình Đà bây giờ không còn mùi thuốc pháo đặc quánh bám theo người từ sáng tới chiều, cả vào trong giấc ngủ, cũng không còn cảnh trẻ em thích ở nhà làm pháo kiếm tiền hơn đi học.

Bình Đà bây giờ không còn mùi thuốc pháo đặc quánh bám theo người từ sáng tới chiều, cả vào trong giấc ngủ, cũng không còn cảnh trẻ em thích ở nhà làm pháo kiếm tiền hơn đi học.

Tình trạng ô nhiễm môi trường bởi các hóa chất độc hại không còn trầm trọng như xưa, sức khỏe con người nhờ đó được cải thiện đáng kể. Nhờ sự năng động, tìm tòi những hướng làm ăn kinh tế mới, cuộc sống người dân cũng khá dần lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem