Công nhân sống thế nào khi tiền lương tháng chỉ 6-7 triệu đồng?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 13/10/2023 09:48 AM (GMT+7)
Theo đại diện Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Hà Nội, TP có trên 2,7 triệu lao động, thu nhập bình quân khoảng 6- 7 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của nhiều người lao động rất khó khăn do gánh nặng nuôi con, thuê trọ…
Bình luận 0

Tiền lương gần 7 triệu đồng bà mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ

"Thật khó có thể sống ở Hà Nội với mức tiền lương 7 triệu đồng", đó là lời nhiều gia đình đang sống ở Hà Nội phải thốt lên. Vậy nhưng, để bám trụ ở thành phố, nhiều gia đình có mức thu nhập eo hẹp vẫn đang phải sống dè sẻn từng ngày. 

Theo nhẩm tính của PV, nếu 1 lao động có mức tiền lương 7 triệu đồng/tháng thì chỉ đủ cho những sinh hoạt tối thiểu (ăn uống, chi tiêu). Thế nhưng, ở đây nhiều công nhân còn phải nuôi cả gia đình (2-3 người) cùng lúc.

Chị Nguyễn Thị Nhâm (41 tuổi) là công nhân của Công ty Canon đã được 2 năm nay. Trước đây, chị sống ở quê (Nam Định- PV) thế nhưng vợ chồng ly hôn, kinh tế khó khăn, một mình chị phải nuôi 2 con nên chị quyết tâm lên Hà Nội tìm việc.

tiền lương thấp

Chị Nguyễn Thị Nhâm chia sẻ với PV Báo Dân việt về cuộc sống hiện tại. Ảnh: Nguyệt Tạ

Là mẹ đơn thân, hoàn cảnh khó khăn, nên chị Nhâm phải gửi con ở quê với ông bà nội để ra Hà Nội làm việc. Hiện tại, tiền lương hàng tháng của chị Nhâm chỉ được hơn 6 triệu đồng (khoảng 6,7 triệu đồng). Với số tiền này chị phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ sống.

“Nhìn chung tiền lương công ty ổn định, không bị giảm, 6 tháng 1 lần công ty có xem xét tăng lương, tuy nhiên vì công nhân mới nên tiền lương của mình không cao, chỉ được gần 7 triệu đồng. Giờ công việc không nhiều, không tăng ca nhiều nên lương cũng không tăng được là bao", chị Nhâm kể.

Tiền lương thấp, phải nuôi 2 con nên cuộc sống của chị cũng rất khó khăn. Hàng tháng, chị nộp tiền thuê phòng trọ khoảng 50 nghìn đồng; tiền ăn hết khoảng 1 triệu đồng, tiền sinh hoạt phí hết 500 nghìn đồng, tổng cộng hết khoảng 1.600 nghìn đồng, số tiền còn lại chị gửi về quê cho ông bà nuôi 2 cháu và tích lũy.

"Cũng may là được ở trọ trong khu nhà ở xã hội của công nhân, được trợ giá chứ nếu ra ngoài thuê trọ, mỗi tháng cũng mất 1 triệu đồng tiền thuê nhà, rồi ăn uống, chi tiêu tốn kém nữa thì không đủ đâu. Ở đây công ty lo cho ăn trưa, nếu có tăng ca còn được bữa ăn phụ, nên gần như về nhà tôi chỉ ăn mì tôm, hoặc ăn mấy món cơm rau đơn giản, nên tiết kiệm được tiền ăn", chị Nhâm kể.

Nơi chị ở là Khu nhà ở xã hội Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Nơi đây được trợ giá vì thế công nhân thuê ở với giá rất rẻ, chỉ bằng tô phở. Mỗi một phòng được xếp khoảng 10-12 chiếc giường tầng. Ngoài phòng ở còn có phòng ăn, phòng vệ sinh tách biệt.

Công nhân thuê trọ ngoài sống chật vật trong cơn bão giá với mức tiền lương 6-7 triệu đồng/tháng

Không may mắn như chị Nhâm được ở trong khu trọ giá rẻ dành cho công nhân, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Trọng (34 tuổi (quê ở Thái Nguyên) phải thuê trọ trong căn phòng tuềnh toàng, cũ kỹ chỉ chừng 25m2 tại xã Hải Bối (Đông Anh).  

Anh trọng cho biết, thu nhập của anh tùy thuộc vào công việc. Tháng nào nhiều việc thì được 8-9 triệu đồng, ít việc thì 6-7 triệu đồng. So với thời điểm trước dịch Covid-19 tiền lương giảm nhiều.

Thu nhập tùy theo công việc, lúc nào nhiều thì được 10 triệu/1 tháng, còn giờ thì tiền lương cũng chỉ dao động trong khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Tiền lương của vợ anh cũng vậy. Ngoài công việc là công nhân ở công ty cũng không còn thời gian để làm thêm ở đâu khác nữa

Cuộc sống của 4 người trong gia đình anh cũng chỉ trông chờ vào hơn chục triệu tiền lương của hai vợ chồng.

tiền lương thấp

Nhẩm tính với khoản tiền lương hơn chục triệu, gia đình anh Trọng phải chi tiêu rất tăng tiện. Ảnh: N.T

Anh Trọng nhẩm tính về số tiền cần chi tiêu hàng tháng: Tiền nhà trọ mất 1,5 triệu đồng (phòng 25m); tiền điện nước 500 nghìn đồng; tiền cho 2 con học hết 3,5 triệu đồng; tiền ăn uống gia đình 4 người hết 4 triệu đồng; tiền đình đám, thăm hỏi trung bình hết 1 triệu đồng; tiền sinh hoạt phí (bột giặt, xăng xe) hết khoảng 1 triệu đồng... đó là chưa kể các khoản tiền chi cho chăm sóc sức khỏe. Nếu chẳng may trong nhà có người ốm thông thường thôi, thì vèo cái cũng tốn tiền triệu rồi. Nếu tính chi li, với mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng không đủ chi tiêu, hoặc phải chi tiêu dè sẻn tiết kiệm lắm mới đủ.

"Mọi người cứ nói không tăng giá, nhưng tôi thấy tiền giờ mất giá lắm. Ra chợ 100 nghìn đồng chỉ đủ mua được 3 lạng thịt, 1 mớ rau, 1-2 khúc cá là hết tiền. Mấy đồ ăn trong siêu thị giá cũng nhích lên rồi chứ không giữ nguyên như năm trước đâu. Lương thấp, thôi thì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Biết sao bây giờ", anh Trọng thở dài. 

Không chỉ công nhân, lao động, nhiều gia đình công chức, viên chức trẻ lập nghiệp ở Hà Nội cũng phải đối mặt với những khó khăn chồng chất vì tiền lương thấp. Tiền lương không đủ sống trong khi đó, phải chi trả hàng loạt khoản tiền như tiền thuê nhà; tiền ăn; tiền quan hệ...

Ông Tạ Văn Dưỡng - trưởng ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết TP Hà Nội có trên 2,7 triệu lao động, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. 80% số công nhân ở Hà Nội là người ngoại tỉnh, cuộc sống rất khó khăn do gánh nặng nuôi con, thuê trọ…

 "Nhà ở xã hội từ 1-2 tỷ đồng thì công nhân thu nhập 7 triệu đồng/tháng rất khó đáp ứng, nhất là hai vợ chồng nuôi con nhỏ. Trong khi đó, các căn nhà ở xã hội phục vụ cho thuê số lượng rất hạn chế", ông Dưỡng nêu rõ.

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, bà Trần Thu Phương - Phó trưởng Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đời sống của công nhân lao động đang gặp rất nhiều khó khăn. Tiền lương giảm trong khi gánh nặng học phí, tiền sinh hoạt, tiền thuê nhà... ngày càng gia tăng. Các chính sách chăm lo, hỗ trợ đời sống cho công nhân lao động dù đã có nhiều, tuy nhiên vẫn chưa đủ trong bối cảnh hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem