Có phải chỉ thành phố và đô thị lớn mới đọc nhiều?

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty sách Thái Hà Thứ năm, ngày 27/10/2022 17:00 PM (GMT+7)
Việt Nam với dân số gần 100 triệu, người dân Việt Nam hiếu học mà doanh thu ngành sách sao lại quá nhỏ bé như vậy, trong khi một đơn vị xuất bản của Hà Lan lại mang về 3,632 tỷ Euro... Tương lai của ngành xuất bản, của sách, của văn hoá đọc Việt Nam chúng ta trong 5 tới 10 năm tới sẽ như thế nào?
Bình luận 0

Hội sách thường niên và lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair lần thứ 74 đã chính thức khép lại trong tiếc nuối không phải chỉ của một mình tôi. Nếu so sánh cũng với hội sách này của 2019, trước đại dịch, thì quy mô của hội sách năm nay có lẽ cũng chỉ quãng 70 %. Tuy nhiên, phải nói rất thật rằng, dù có vậy, nhưng vẫn lớn hơn hẳn so với Hội sách lớn thứ 2 thế giới - London Book Fair.

Có phải chỉ thành phố và đô thị lớn mới đọc nhiều? - Ảnh 1.

Có phải chỉ thành phố và đô thị lớn mới đọc nhiều? - Ảnh 2.

Tác giả (áo cam) và những người bạn ở các đơn vị xuất bản nước ngoài tại Frankfurt Book Fair.

Những ai lần đầu đến với Hội sách Frankfurt năm nay cũng sẽ không khỏi bất ngờ vì khó có thể đi thăm hết các gian trưng bày của hơn 4.000 đơn vị xuất bản với vô vàn các sự kiện, hội thảo, toạ đàm, gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, tiệc chiêu đãi,... Cá nhân tôi thì vỡ oà vì sung sướng sau 2 năm "bị nhốt" ở nhà và trong lúc này đang bị "bội thực" bởi những gì thu nhận được sau 1 tuần ở Frankfurt.

Sau đại dịch mà có hơn 4.000 đơn vị xuất bản từ hơn 85 quốc gia đến trưng bày và giới thiệu sách và văn hoá thì quả là ấn tượng. Tôi thì mê nhất slogan của năm nay: "Translate words - Transfer ideas - Transform minds". Tạm dịch: "Dịch câu chữ, ngôn từ - Chuyển giao các ý tưởng - Chuyển hoá tâm thức". Tôi cũng thích thông điệp của Tây Ban Nha, quốc gia khách mời danh dự - guest of honor:  "Spilling Creativity"  - tạm dịch "Tràn ngập tính sáng tạo".

Tây Ban Nha mang đến Hội sách Frankfurt một đoàn lãnh đạo và chuyên gia hùng mạnh với 200 thành viên, dẫn đầu bởi Nhà vua Felipe VI và Hoàng hậu Letizia. Họ mang theo hơn 320 đơn vị làm xuất bản và sáng tạo. Hội sách Frankfurt không chỉ là cơ hội ngàn vàng để quảng bá hình ảnh đất nước và con người mà đây còn là dịp hiếm để làm kinh tế. Sau khi làm khách mời danh dự Hội sách Frankfurt vào năm 2015, Indonesia, quốc gia cạnh Việt Nam và nằm trong khối ASEAN đã có lượng khách du lịch đổ về tăng 300%!

Nhưng điều làm tôi giật mình và ấn tượng nhất trong 1 tuần ở Frankfurt lại là những con số được công bố trong khuôn khổ hội sách. Tôi ngồi suy ngẫm về những con số ấy, về ngành công nghiệp xuất bản trên thế giới, về nền kinh tế sáng tạo và tiềm năng tương lai không chỉ dành riêng cho ai, doanh nghiệp hay quốc gia nào.

Có phải chỉ thành phố và đô thị lớn mới đọc nhiều? - Ảnh 3.

Tác giả tại quầy trưng bày sách của một đơn vị xuất bản ở Malaysia.

Những con số, những dữ liệu do The Bookseller, Publishers Weekly và Publishing Perspectives công bố liên tục trong những ngày diễn ra Hội sách Frankfurt bắt tôi mỗi sớm và mỗi tối đều ngồi để nghiền ngẫm và suy nghĩ. Một trong số đó là danh sách 50 đơn vị xuất bản lớn nhất thế giới, những công ty đã lại doanh thu "khủng" nhất của 2020 và 2021 vừa qua.

Trong list top 50 này, RELX (Reed Elsevier) của Anh và Hà Lan đứng đầu với doanh thu năm 2021 là 5,053 tỷ Euro và năm 2020 là 4,797 tỷ Euro. Đứng thứ 2 là Thomson Reuteurs của Canada với các con số tương ứng là 4,849 tỷ Euro và 4,175 tỷ Euro. Đứng thứ 3 và 4 là Bertelsmann của Đức và Pearson của Anh. Và số 5 là một công ty xuất bản của Hà Lan là Wolters Kluwer.

Wolters Kluwer của quốc gia rất nông nghiệp, rất thiên nhiên Hà Lan với dân số chỉ 17 triệu dân mà mang lại doanh thu năm 2021 vừa qua đến 3,632 tỷ Euro và 3,529 tỷ Euro của 2020. Một quốc gia ít dân và cực kỳ nông nghiệp – Hà Lan mà tại sao có kỳ tích này, so sánh với Việt Nam thì ra sao và có những bài học gì?

Ai cũng biết, Hà Lan có địa hình thấp và bằng phẳng, chỉ có khoảng 50% diện tích đất nằm cao hơn 1m so với mực nước biển. Ai chẳng rõ rằng hầu hết diện tích dưới mực nước biển là đất cải tạo. Và thực tế của Hà Lan là từ cuối thế kỷ XVI, nhiều khu vực rộng lớn được cải tạo từ biển và hồ chiếm quãng 17% diện tích đất hiện nay của đất nước này. Và cá nhân tôi chẳng bao giờ quên rằng Hà Lan là quốc gia xuất khẩu nông sản và thực phẩm lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Vậy thì tại sao đơn vị xuất bản mang lại doanh thu số 5 thế giới lại là của Hà Lan, quốc gia chỉ có 17 triệu dân. Hơn thế nữa, công ty xuất bản mang về doanh thu lớn nhất thế giới, mạnh nhất lại là của Anh và Hà Lan!

Có phải chỉ thành phố và đô thị lớn mới đọc nhiều? - Ảnh 4.

Có phải chỉ thành phố và đô thị lớn mới đọc nhiều? - Ảnh 5.

Frankfurt Book Fair có sự tham dự của 4.000 đơn vị xuất bản đến từ hơn 85 quốc gia.

Để có con số so sánh, chúng ta cùng xem lại tổng kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông. Năm 2021, doanh thu xuất bản ước đạt 2.600 tỷ đồng. Việt Nam với dân số gần 100 triệu, người dân Việt Nam hiếu học mà doanh thu ngành sách sao lại quá nhỏ bé như vậy, trong khi một đơn vị xuất bản của Hà Lan lại mang về 3,632 tỷ Euro! Tôi cũng ngồi giật mình nghĩ về chính công ty mình, Thái Hà Books, một đơn vị xuất bản có uy tín và lớn ở Việt Nam mà kế hoạch doanh thu mỗi tháng 1 triệu đô la Mỹ vẫn còn xa vời. Vậy thì tương lai của ngành xuất bản, của sách, của văn hoá đọc Việt Nam chúng ta trong 5 tới 10 năm tới sẽ như thế nào?

Tôi đã quanh quẩn ở khu vực các gian hàng sách Hà Lan rất lâu, gặp nhiều lãnh đạo các nhà xuất bản Hà Lan. Nhưng không đủ. Chưa thoả mãn. 5 ngày ở Hội sách Frankfurt là quá ngắn!

Cũng xin chia sẻ thêm với tất cả rằng mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid rất khủng khiếp nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành xuất bản thế giới vẫn rất tốt. Ông Jesús Badenes, Tổng giám đốc Điều hành của Planeta, đơn vị xuất bản tiếng Tây Ban Nha lớn nhất cho biết, kết quả kinh doanh năm 2021 của Planeta tăng 16% so với năm 2019 và dự kiến kết quả năm 2022 này sẽ tăng 20% cũng so với 2019, năm trước Covid. Ông đưa ra một thông tin mà chúng tôi rất bất ngờ rằng ngày nay các bạn đọc Tây Ban Nha đã dành 8 giờ và 20 phút đọc mỗi tuần so với 6 giờ và 50 phút trước khi Covid xuất hiện!

Theo báo cáo của Hội Xuất bản Hoa Kỳ, doanh thu sách năm 2021 của quốc gia này đạt 29,33 tỷ đô la. Con số của báo cáo cũng cho biết doanh thu đã tăng thêm 3,23 tỷ đô la tức tương đương với 12,3% so với con số 26,1 tỷ của năm 2020.

Doanh thu ngành xuất bản của Pháp năm 2021 tăng 17%.

Theo thông tin từ Global Publisher Ranking, hơn một nửa trong danh sách 50 đơn vị xuất bản lớn nhất thế giới có doanh thu của năm 2021 vừa qua tăng trên 10%, có đến 13 trong số 50 đơn vị xuất bản lớn nhất thế giới tăng doanh thu trên 20%. HarperCollins có sự tăng trưởng nhảy vọt 29,3%.  Doanh thu của nhà xuất bản Eskimo có trụ sở ở Moscow tăng đến 43% và đạt con số 358 triệu Euro.

Tổng doanh thu của 50 đơn vị xuất bản lớn nhất thế giới đạt 58,8 tỷ Euro và lãi 4,4 tỷ Euro (tức là 8%). Trong đó phải nhấn mạnh riêng 10 đơn vị xuất bản lớn nhất đã đạt tổng doanh thu 31,3 tỷ Euro và chiếm 53%.

Có phải chỉ thành phố và đô thị lớn mới đọc nhiều? - Ảnh 6.

Đoàn làm việc của Thái Hà Books tại gian trưng bày của một đơn vị xuất bản.

Tôi cũng ngồi nhiều lần và khá lâu để xem lại và suy ngẫm về các công ty xuất bản châu Á. Trong top 50 thế giới, may thay, có các đơn vị xuất bản châu Á xuất hiện như Phoenix của Trung Quốc với 1,376 tỷ Euro, Kodansha của Nhật với 1,140 tỷ Euro.  Trong top 50 này, Nhật Bản đóng góp 6 đơn vị xuất bản là Kodansha, Shueisha, Kadokawa, Shogakukan, Gakken và Bungeishunju trong khi đó Hàn Quốc có tên 2 đơn vị là Kyowon với 1,022 tỷ Euro và Woongjin ThinkBig với 483 triệu Euro.

Con số 2.000 sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội sách Frankfurt là rất lớn và không ai có thể tham dự được 10% số sự kiện này bởi vì diễn ra liên tục tại rất nhiều nơi cùng một lúc. Người quan tâm chỉ có thể lựa chọn những gì mình quan tâm nhất để bố trí thời gian tham gia để nghe và giao lưu mà thôi.

Ngay khi kết thúc hội sách vào chủ nhật thì chúng tôi cầm trên tay lá cờ "Reading Books Together" lên tàu đi đến Amsterdam. Chúng tôi muốn quay lại Hà Lan (vì đã đến đây khá nhiều lần rồi) và lần này muốn dành nhiều thời gian để tìm hiểu về văn hoá đọc, về sách và xuất bản của quốc gia này. Ít nhất, trong mỗi bước đi, trong từng hơi thở ở Hà Lan, tôi luôn khâm phục họ và quyết tâm học hỏi. Đi một đàng, học sàng khôn – câu tục ngữ này chắc chắn chẳng bao giờ sai.

"Khuyến đọc Việt Nam" - dự án được công bố và bắt đầu ngày đặc biệt 22/2/22 liệu có góp phần gì đáng kể trong một loạt các hoạt động để Việt Nam chúng ta sớm có ngành công nghiệp xuất bản?

Frankfurt – Amsterdam tháng 10/2022

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem