Có một làng nghề ở Đồng Nai cứ đến Tết là cả Đông Nam Bộ đổ về mua đồ trang trí Tết

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 01/02/2022 12:02 PM (GMT+7)
Mùa Tết, nhiều khách hàng mạnh dạn chi tiền để sở hữu các sản phẩm gỗ mỹ nghệ về trang trí, sử dụng. Nhờ vậy làng nghề gỗ Hố Nai (Đồng Nai) nhộn nhịp cảnh mua bán hơn so với ngày thường.
Bình luận 0

Hàng chục năm qua làng nghề gỗ Hố Nai thuộc TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai được biết đến là thủ phủ của nghề mộc truyền thống ở vùng Đông Nam Bộ.

Trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay sản phẩm gỗ của Hố Nai vẫn là một thương hiệu để khách hàng khu vực Đông Nam Bộ lựa chọn mua sắm.

Làng nghề gỗ mang mùa xuân "gõ cửa" từng nhà - Ảnh 1.

Nụ cười nở trên môi người làng nghề gỗ Hố Nai. Ảnh: H. Giang

Ngoài bán sản phẩm gỗ mỹ nghệ cho khách hàng địa phương và vùng lân cận thì sản phẩm gỗ của Hố Nai còn được xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính tại châu Âu,... 

Theo các bậc cao niên trong làng nghề gỗ, làng nghề này hình thành từ trước năm 1975. Bởi thời điểm đó có nhiều người con quê từ miền Bắc như Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tây (cũ),... vào xứ Đồng Nai lập nghiệp. Ban đầu là các xưởng mộc nhỏ, dần dần họ chia sẻ, truyền nghề cho nhau và xây dựng làng nghề gỗ lớn mạnh như ngày nay. 

Hiện làng nghề gỗ Hố Nai đã có hàng ngàn hộ tham gia sản xuất và trải dài qua nhiều phường như Tân Biên, Tân Hoà,... thuộc TP.Biên Hoà. Làng nghề ngày càng sản xuất ra nhiều sản phẩm rất đa dạng, từ những vật dụng đơn giản đến cao cấp. Nhờ vậy quanh năm làng nghề đều nhộn nhịp khách mua bán, nhất là những dịp cận kề năm mới. 

Những ngày cuối năm, làng mộc Hố Nai đặc biệt nhộn nhịp khi mà “nhà nhà làm mộc, người người làm mộc”. Âm thanh của máy cưa, máy cắt, máy chà nhám rộn ràng sáng chiều.

Làng nghề gỗ mang mùa xuân "gõ cửa" từng nhà - Ảnh 2.

Làng gỗ Hố Nai hiện nay có xây dựng khu chợ đồ gỗ để khách hàng dễ tìm mua, lựa chọn sản phẩm. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ một cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ tại Hố Nai cho biết, mỗi dịp cuối năm xưởng gỗ của gia đình ông phải thuê thêm 10 công nhân thời vụ để làm hàng Tết. 

Chợ đồ gỗ mùa Tết cũng nhộn nhịp hơn ngày thường bởi lượng khách ra vào rất đông. Có những ngày thợ phải làm việc từ sáng sớm đến khuya cho kịp đơn hàng đi các tỉnh phục vụ bà con ăn tết khang trang hơn. 

"Tháng 12 là hàng gỗ đi rất nhiều nên trong cả ba tháng cuối năm công việc rất vất vả, chạy đua với thời gian. Xe hàng ra vào liên tục, không khí càng nhộn nhịp, vất vả xíu nhưng vui", ông Tâm nói. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn An, chuyên làm đồ thờ mỹ nghệ cũng phấn khởi vì cuối năm bán được số lượng hàng lớn, bù lại những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng suốt thời gian dài. 

Làng nghề gỗ mang mùa xuân "gõ cửa" từng nhà - Ảnh 3.

Nhiều cơ sở sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ quy mô lớn, xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: Tuệ Mẫn.

 "Mỗi năm thì mùa Tết là bận nhất vì số lượng đơn hàng tăng mạnh, việc tuyển thợ lành nghề khó khăn hơn. Tuy nhiên để giữ thương hiệu mộc Hố Nai chúng tôi luôn cố gắng trong mọi giai đoạn. Hi vọng những sản phẩm gỗ chúng tôi làm ra sẽ góp phần tô điểm thêm cho căn nhà dịp năm mới", ông An cho hay. 

Hiện tại, các sản phẩm mộc ở đây đang được bán trong tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên. Một số cơ sở đã liên kết được với đối tác xuất khẩu đi các nước nên cuộc sống người dân trong làng nghề cũng ổn. 

Làng nghề gỗ mang mùa xuân "gõ cửa" từng nhà - Ảnh 4.

Thợ tất bật ngày Tết để đưa hàng đi muôn nơi. Ảnh: H. Giang.

Còn theo các thợ mộc lâu năm, làng nghề gỗ Hố Nai ngày càng phát triển. Có nhiều cơ sở đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm vì số lượng hàng bán ra rất lớn. Có những món đồ gỗ lên đến hàng trăm triệu hoặc ở mức tiền tỷ.

Nhờ vào việc tận dụng ưu thế về nghề mộc mà ngày nay cuộc sống của bà con ở làng nghề mộc đang dần phất lên, khấm khá hơn và có Tết ấm nhờ đầu ra ngày càng ổn định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem