Cô giáo mách mẹo ôn và thi vào lớp 10 môn Văn để đạt điểm cao chót vót

Tào Nga Thứ hai, ngày 13/05/2024 06:26 AM (GMT+7)
Dưới đây là chia sẻ của cô giáo Lê Ngọc Diệp giúp học sinh chuẩn bị kiến thức vững chắc, bước vào phòng thi vào lớp 10 môn Văn đầy tự tin và giành điểm cao.
Bình luận 0

Cách ôn và thi vào lớp 10 môn Văn

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Lê Ngọc Diệp, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội tư vấn cho học sinh: "Với các em học sinh lớp 9, tháng 5 là giai đoạn ôn thi nước rút, là chặng cuối quan trọng nhất trên hành trình ôn luyện thi vào 10 đầy thử thách. Nội lực tích lũy bền bỉ suốt những năm học cấp 2, ôn luyện suốt một năm lớp 9 có lẽ sẽ được thể hiện ở sự bứt phá của các em trong giai đoạn này.

Bên cạnh những quyết tâm, nỗ lực thì phương pháp ôn luyện phù hợp và những lưu ý khi làm bài thi sẽ giúp cho các em khi ngồi trong phòng thi sẽ đạt được phong độ tốt nhất của mình.

Cô giáo mách mẹo ôn và thi vào lớp 10 môn Văn để đạt điểm cao chót vót- Ảnh 1.

Cô Lê Ngọc Diệp, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Về việc ôn luyện vào lớp 10 trong giai đoạn nước rút:

- Học sinh nên ôn tập theo từng chủ đề như: Hoàn cảnh sáng tác; đề tài - chủ đề của các tác phẩm; bố cục - mạch cảm xúc trong thơ; ngôi kể; tình huống; nhân vật chính trong các tác phẩm truyện đã học… Các em có thể lập bảng tổng hợp hoặc sơ đồ tư duy, trình bày trên một mặt giấy A4.

Việc ôn tập như vậy giúp học sinh tránh được nhầm lẫn cơ bản về thông tin giữa các tác phẩm theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Hơn nữa, các em dễ dàng so sánh được vấn đề trong mỗi tác phẩm có điểm giống, khác nhau từ đó có cái nhìn tổng quát mà lại sâu sắc về mỗi chủ đề. Tình huống truyện "Làng" và "Lặng lẽ Sa Pa" đều là tình huống bất ngờ, nhưng ở "Làng" là bất ngờ đến bàng hoàng và buộc nhân vật phải đấu tranh nội tâm đưa ra sự lựa chọn còn "Lặng lẽ Sa Pa" là bất ngờ tình cờ gặp gỡ đem lại niềm vui, giúp tác phẩm thấm đượm chất trữ tình, nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc.

- Học sinh nên chú trọng ôn tập Tiếng Việt, thành thạo trong việc phát hiện/nhận biết các biện pháp nghệ thuật, hiểu và trình bày được tác dụng của mỗi biện pháp nghệ thuật sẽ giúp ích cho khả năng đọc hiểu văn bản bất kỳ, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào việc phải học thuộc lòng các bài văn mẫu phân tích tác phẩm.

- Giai đoạn đã học và ôn hết các tác phẩm, học sinh nên làm nhiều đề luyện để rèn nhiều kỹ năng làm bài trong đó quan trọng nhất là kỹ năng đọc hiểu yêu cầu của đề bài, tránh tình trạng lạc đề. Tuy nhiên, các em không nên chỉ chạy theo số lượng mà cần phải luyện đề thật chất lượng: khi làm đề không sử dụng tài liệu, không hỏi bạn bè, tập trung như khi thi, làm bài bấm thời gian, trình bày bài cẩn thận. Sau khi làm đề luyện, các em nên nhờ bạn bè, đặc biệt là thầy cô có kinh nghiệm chấm bài và chỉ rõ cho em những thiếu sót cần khắc phục. Các em nên quyết tâm ôn lại, làm lại những lỗi sai, thiếu sót đó cho bằng đúng, đủ thì thôi.

Về việc làm bài thi vào lớp 10:

Đề minh họa của Sở GDĐT Hà Nội cho thấy, đề thi vào 10 năm nay có cấu trúc và các dạng câu hỏi, bài tập cơ bản như những năm gần đây, như những đề kiểm tra, thi thử các em đã được luyện tập trong suốt năm học vừa qua. Khi làm bài, các em nên lưu ý:

1. Dạng câu hỏi thuộc nhớ: các em chỉ cần trả lời đúng, đủ, diễn đạt ngắn gọn.

2. Dạng câu hỏi đọc hiểu về hiệu quả của biện pháp nghệ thuật hay lý giải nội dung ý nghĩa của chi tiết, vấn đề trong văn bản (Mỗi câu hỏi đều từ 0,5 đến 1,5 điểm: câu trả lời cần đúng vấn đề, rõ ràng, chi tiết, cụ thể, có chiều sâu.

- Nên tách ý, xuống dòng, trả lời từng ý cho cụ thể từ tác dụng gần, hẹp cho tới hiệu quả xa hơn, khái quát hơn (góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm).

- Diễn đạt bằng các câu văn nối tiếp nhau. Không cần viết dưới hình thức đoạn văn nhưng cũng không nên chỉ trả lời vài từ, cụm từ sơ sài.

- Nhiều em chủ quan, không trình bày, diễn giải mà chỉ trả lời bằng một vài từ, cụm từ cụt lủn, sơ sài. Tuy nhiên không nên hiểu rằng cứ viết dài là sẽ được điểm cao, nội dung vẫn phải có những từ khóa, những ý trả lời hợp lý.

- Nếu đề bài yêu cầu phát hiện, chỉ ra biện pháp tu từ thì cần phải gọi chính xác tên biện pháp và nêu chi tiết có sử dụng biện pháp đó.

3. Dạng bài viết đoạn văn nghị luận văn học (3,5 điểm)

- Đọc hiểu đề. Thực hiện các thao tác cơ bản như gạch chân từ khóa trong đề và viết nháp. Đọc đề, các em nên xác định được 4 yêu cầu: phạm vi, chủ đề, kiểu đoạn (lập luận), đơn vị tiếng Việt sử dụng trong đoạn văn. Trong nháp nên viết:

Câu mở, kết của đoạn văn theo kiểu Tổng phân hợp, diễn dịch hay quy nạp. Nếu cần thì chỉnh sửa cho thật đúng rồi mới viết vào bài thi.

Câu văn có sử dụng đơn vị tiếng Việt mà đề bài yêu cầu.

Các luận điểm, dẫn chứng cơ bản định viết trong thân đoạn. Không cần viết thành câu văn, chỉ cần viết nhanh ý chính, từ khóa…

- Bám sát định hướng trong nháp để viết thành đoạn văn hoàn chỉnh.

Sử dụng đơn vị tiếng Việt (0.5 điểm): Dùng chính xác, đơn giản, dễ hiểu và đừng quên gạch chân,chú thích.

Kiểu lập luận (0.25 đến 0.5 điểm): Viết câu mở, kết chặt chẽ đúng yêu cầu kiểu lập luận Tổng hợp - phân tích - tổng hợp, diễn dịch, quy nạp.

Nội dung đoạn văn (2,5 điểm): Với những học sinh khá, nên chọn cách diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, liên kết, đảm bảo đúng chủ đề, đủ các luận điểm, các dẫn chứng. Hướng tới mức độ tốt hơn là lời văn lưu loát, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, thể hiện được rõ sự am hiểu, cảm nhận sâu sắc của thí sinh, điều này sẽ tạo ra sự chênh lệch ở mức giỏi và khá (chênh khoảng 0.25 đến 0.5 điểm). Khi ôn tập, việc đọc các bài phân tích, bình luận hay cũng sẽ giúp cho các em ngấm dần cách diễn đạt giàu cảm xúc, giàu hình ảnh đó.

Cần rèn luyện để tránh viết đoạn văn nghị luận nhưng sa vào kể chuyện hoặc chỉ diễn xuôi lại ý thơ, quên phân tích biện pháp nghệ thuật tương ứng mỗi nội dung trong từng đoạn thơ, quên nhận xét nghệ thuật nổi bật sau khi phân tích truyện.

4. Dạng bài viết nghị luận xã hội (2,0 điểm)

- Hiểu yêu cầu của đề bài, xác định đúng hướng chủ đề bàn luận là yêu cầu căn bản.

- Bài viết có hệ thống luận điểm rõ ràng, nhấn mạnh vào luận điểm quan trọng, có dẫn chứng thuyết phục (cố gắng khai thác dẫn chứng để làm rõ luận điểm).

- Đáp ứng hai yêu cầu trên và diễn đạt rõ ràng, ít mắc lỗi diễn đạt sẽ giúp các em đạt được từ 1,0 đến 1,25 điểm.

- Đáp ứng hai yêu cầu trên và diễn đạt lưu loát, giàu cảm xúc, thể hiện hiểu biết, suy ngẫm sâu sắc, cảm xúc của em về vấn đề bàn luận, có thể giúp em đạt từ 1,5 đến 2,0 điểm.

- Bài viết tránh đưa ra nhận định, suy nghĩ theo hướng tiêu cực, quy chụp và sa vào chê bai, phê phán người khác. Trước những mặt trái, tiêu cực còn tồn tại trong cuộc sống thì rút kinh nghiệm cho bản thân, đưa ra lời khuyên, giải pháp, hướng khắc phục cho bản thân và mọi người.

Cuối cùng, không kém phần quan trọng là tâm lý của các em học sinh khi làm bài thi. Những lần thi thử chắc chắn đã giúp các em làm quen dần với phòng thi và hình thành tâm lý vững vàng hơn. Khi nhận đề, đọc đề thấy tác phẩm mà em vừa mới ôn lại, đã nắm chắc thì cũng nhắc bản thân không chủ quan, cần đọc kĩ câu hỏi, tránh lạc đề. 

Khi thấy đề ra vào tác phẩm em chưa kịp ôn lại kỹ thì cũng nghĩ rằng bài nào em cũng đã học và ôn luyện nhiều lần, bình tĩnh sẽ có hướng trả lời, hay là câu hỏi lạ cần nghĩ rằng cách hỏi có thể lạ nhưng chắc chắn đề hướng tới kiến thức quen thuộc. Điều khiển được tâm trí và cảm xúc trong phòng thi là yếu tố quyết định thành công trong bài thi của mình. 

Chúc các em bước vào phòng thi với "cái đầu lạnh và trái tim nóng" và ra khỏi phòng thi với niềm tự hào về sự cố gắng của bản thân bất kể kết quả có ra sao!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem