Có gì đặc biệt trong loạt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 16/05/2023 09:26 AM (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, chương trình nghệ thuật chính luận “Bài ca dâng Bác” sẽ diễn ra vào 20h ngày 17/5.
Bình luận 0

Điểm nhấn của chương trình là 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp ở Nghệ An, Cao Bằng và Hà Nội, những địa danh lịch sử gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể, chương trình sẽ diễn ra tại các điểm cầu: Hang Cốc Bó, suối Lênin (Khu di tích Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng), Làng Hoàng Trù (Khu di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An), Nhà sàn Bác (Khu di tích Phủ Chủ tịch) và Cung Hữu nghị Việt Xô (Thủ đô Hà Nội).

Có gì đặc biệt trong loạt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh? - Ảnh 1.

Poster chương trình "Bài ca dâng Bác". Ảnh: BTC.

Tại mỗi điểm cầu là một câu chuyện cảm động về Bác được kể lại một cách chân thực nhất. Trong chuyến hành trình bằng âm nhạc đó, khán giả sẽ có dịp "ghé thăm" ngôi nhà ba gian, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời tại khu di tích Kim Liên (Nghệ An); hay "dừng chân" tại hang Cốc Bó (Cao Bằng) với nhiều di vật gắn liền với giai đoạn hoạt động của Bác từ năm 1941 - 1945. Đó cũng có thể là câu chuyện xúc động về đôi dép Bác Hồ - một trong nhiều kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sinh thời, Bác thường nói vui là "đôi hài vạn dặm".

Xuyên suốt chương trình, âm nhạc sẽ là sợi dây kết nối và truyền tải nội dung với những ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh như trích đoạn giao hưởng thơ "Người về đem tới ngày vui"; "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác; "Bài ca Hồ Chí Minh" (hay còn gọi là "Ballad of Hồ Chí Minh"); "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó"; "Đôi dép Bác Hồ"...

Thông qua hình thức diễn tấu bán cổ điển, sự kết hợp hài hòa giữa dàn nhạc thính phòng và ban nhạc nhẹ, chương trình được trình diễn trực tiếp tại hiện trường (live) hứa hẹn sẽ mang đến những cảm xúc đặc biệt cho khán giả bởi chất lượng nghệ thuật cao, xen lẫn yếu tố âm nhạc hàn lâm. Chương trình được dàn dựng bởi Giám đốc âm nhạc Thành Vương, các ca sĩ: Phạm Thu Hà, Vũ Thắng Lợi, Đỗ Tố Hoa, Hồng Duyên, Minh Thúy, Thanh Quý, Trịnh Quỳnh Anh, Janice Phương (người Philippines, quán quân Vietnam Idol 2016), CLB Sao tuổi thơ; các nghệ sĩ: Piano Bùi Đăng Khánh, saxophone Lê Duy Mạnh, violin Trần Quang Duy, flute Ly Hương, sáo trúc Minh An cùng Dàn nhạc thính phòng Thăng Long.

Có gì đặc biệt trong loạt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh? - Ảnh 2.

Các nghệ sĩ đang ráo riết tập luyện chuẩn bị cho chương trình. Ảnh: BTC.

Được đầu tư và dàn dựng công phu, "Bài ca dâng Bác" là chương trình nghệ thuật nhằm tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, quê hương đất nước, đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với Người. Thông qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, bồi đắp niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh 1, kênh 2, kênh phát thanh FM 96 và các nền tảng số của Đài PT&TH Hà Nội vào 20h tối ngày 17/5/2023.

"Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh" - chương trình nghệ thuật độc đáo

Nhân dịp này, vào 19h ngày 18/5, tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) cũng dự kiến diễn ra chương trình nghệ thuật "Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh" do Cục Truyền thông CAND phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ và một số đơn vị liên quan tổ chức nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947- 20/5/2023); kỷ niệm 75 năm lực lượng CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (11/3/1948- 11/3/2023); chào mừng 5 năm Ngày thành lập Cục Truyền thông CAND (6/8/2018 - 6/8/2023). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình CAND - kênh ANTV.

Có gì đặc biệt trong loạt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh? - Ảnh 3.

Có gì đặc biệt trong loạt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh? - Ảnh 4.

Có gì đặc biệt trong loạt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh? - Ảnh 5.

Sẽ có 12 nghệ sĩ thể hiện hình tượng Bác Hồ trong chương trình "Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh". Ảnh minh hoạt.

Theo Tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Ngọc Ánh, chương trình được xây dựng theo phong cách hợp xướng, ca - múa - nhạc - kịch - thơ trên nền nhạc sân khấu liền mạch, sử dụng lời bình bằng lời thoại của nhân vật (hoặc dùng âm nhạc, thơ thay thế). Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là tổ khúc kịch thơ - hát - múa "Từ ATK đến Điện Biên". Thể hiện hình tượng Bác Hồ là NSƯT Đức Khuê.

Đạo diễn Đào Duy Anh cho biết, "Từ ATK đến Điện Biên", khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người về ATK Định Hóa (Thái Nguyên) cho đến năm 1954. Từ ATK Định Hóa, Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì họp Bộ Chính trị, quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là một chiến dịch mang tầm chiến lược, quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.

Để chuẩn bị cho phân đoạn này, đạo diễn đã chuẩn bị rất kỹ, tìm hiểu nhiều tư liệu về Bác Hồ cũng như giai đoạn lịch sử này của đất nước. Tổ khúc "Từ ATK đến Điện Biên" tập trung khai thác tình cảm, tấm lòng và cả sự đùm bọc của người dân tại Định Hóa dành cho Bác, cho kháng chiến. 

Hình tượng Bác Hồ được khắc họa vô cùng gần gũi với nhân dân, có cả câu chuyện Người giáo dục cán bộ, những tâm tư, khắc khoải lo âu của Bác trong giai đoạn này. Trong tổ khúc có nói về câu chuyện của Bác Hồ với 8 người cận vệ, chuyện Người đặt tên cho 8 cận vệ này là Kháng, Chiến, Trường, Kỳ, Nhất, Định, Thắng, Lợi… Tất cả được thể hiện theo phong cách biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ, tức là "đời" nhất, gần gũi nhất với khán giả.

Lời thoại ngắn gọn, thể hiện sự gần gũi của Bác đối với đồng bào, với những người cận vệ. Mặc dù là chương trình truyền hình trực tiếp nhưng phần thơ, phần thoại, ê kíp dự định sẽ biểu diễn trực tiếp nhằm tăng cảm xúc cho diễn viên trong quá trình diễn xuất. Về âm nhạc cũng sẽ có một phần biểu diễn trực tiếp trên sân khấu.

Dự kiến, tham gia biểu diễn trong chương trình sẽ có trên 200 nghệ sĩ, bao gồm các nghệ sĩ múa, ca sĩ, diễn viên, dàn hợp xướng của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên và một số ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem