CMC mang nhiều công nghệ “Make in Vietnam” đến Diễn đàn VFTE 2023

PV Thứ hai, ngày 11/12/2023 16:59 PM (GMT+7)
Nền tảng Điện toán đám mây CMC Cloud vừa giành giải Bạc hạng mục Sản phẩm Kinh tế số Make in Viet Nam 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng. Lễ trao giải thưởng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2023.
Bình luận 0

Sáng ngày 11/12, Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE) lần thứ 5 diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC) đến tham dự gồm có: ông Hồ Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn; ông Đặng Minh Tuấn – Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC; ông Đặng Tùng Sơn - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Kinh doanh và Marketing CMC Telecom cùng các cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn.

CMC mang nhiều công nghệ “Make in Vietnam” đến Diễn đàn VFTE 2023 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Trong khuôn khổ sự kiện, ba sản phẩm tiêu biểu thuộc hệ sinh thái công nghệ Made by CMC đã được vinh danh tại các hạng mục: CMC Cloud - Điện toán đám mây thế hệ mới giành giải Bạc sản phẩm Kinh tế số; CMC Notary - Dịch vụ chữ ký số từ xa lọt Top 10 sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số và CMC Robotics Processing Automation – Dịch vụ nằm trong Top 10 Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài.

Khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ TTTT biểu dương và đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp số, các sản phẩm số được vinh danh trong Lễ trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định VFTE 2023 là cơ hội để doanh nghiệp tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển cộng đồng công nghệ số Việt Nam bền vững, làm chủ thị trường trong nước và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các sản phẩm, dịch vụ được vinh danh tại giải thưởng Make in Viet Nam là các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ số như: CMC, VNPT, Viettel… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia. “Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, do đó, vị thế, uy tín của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới phụ thuộc rất lớn vào sự hoạt động tích cực của các doanh nghiệp công nghệ, sự sáng tạo các sản phẩm số…", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud do CMC Telecom phát triển và xây dựng từ năm 2017. Đến nay CMC Cloud là nền tảng Make in Vietnam duy nhất đã nâng cấp sang thế hệ thứ 2. CMC Cloud được các kỹ sư CMC phát triển mở rộng trên cơ sở làm chủ công nghệ mã nguồn mở OpenStack. Kiến trúc CMC Cloud thế hệ 2 là Cloud Native đáp ứng khả năng mở rộng cho các hệ thống lớn nhanh chóng. Với lợi thế của một ISP hàng đầu, CMC Cloud được xây dựng trên hạ tầng Trung tâm Dữ liệu tại nhiều khu vực địa lý, vùng sẵn sàng (Multi Region, Availability Zone) và mạng lưới kết nối mạnh trong, ngoài nước với độ trễ thấp.Hiện nay, CMC Cloud đang phục vụ hơn 10 ngàn khách hàng doanh nghiệp chuyển đổi số và được đánh giá là Cloud nội địa có hiệu năng cao và ổn định nhất. 

Lý do chính đến từ CMC Cloud tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe như ISO, PCI-DSS kết hợp với hệ thống bảo mật nhiều lớp từ vật lý đến ứng dụng của các hãng công nghệ lớn. Theo lộ trình phát triển của CMC Telecom thì CMC Cloud đang tiếp tục được cung cấp thêm các dịch vụ mới tích hợp mạnh mẽ với AI. Ông Đặng Tùng Sơn - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Kinh doanh và Marketing CMC Telecom cho biết giải thưởng Sản phẩm Kinh tế số Make in Viet Nam 2023 là một sự ghi nhận tích cực và góp phần tạo động lực phát triển cho CMC trong giai đoạn sắp tới. "Chúng tôi mong muốn cung cấp một nền tảng điện toán đám mây phù hợp với doanh nghiệp Việt với chất lượng tiêu chuẩn quốc tế nhưng do chính bàn tay, khối óc người Việt tạo nên. Việc nghiên cứu phát triển CMC Cloud và liên tục nâng cấp sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, ông Đặng Tùng Sơn nhấn mạnh.

CMC mang nhiều công nghệ “Make in Vietnam” đến Diễn đàn VFTE 2023 - Ảnh 2.

Ông Đặng Tùng Sơn - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Kinh doanh và Marketing CMC Telecom đại diện doanh nghiệp nhận giải Bạc Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023 cho sản phẩm nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud

Trong khi đó, Giải pháp GC-Notary là sản phẩm tiên phong đồng hành cùng hơn 1,500 tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam đơn giản hóa thao tác nghiệp vụ công chứng và giảm thiểu rủi ro trong nghiệp vụ. Cụ thể, C-Notary giúp các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) tiết kiệm đến 90% thời gian và chi phí vận hành, rút ngắn quy trình từ 48 giờ xuống chỉ còn 1 phút, đảm bảo phát hiện và loại bỏ các rủi ro về mặt pháp lý như lừa đảo, hồ sơ giả mạo so với hoạt động công chứng truyền thống. Hiện nay, CMC TS hiện là đơn vị duy nhất cung cấp giải pháp công chứng có tính năng đáp ứng công chứng điện tử và tương thích việc ký kết của đương sự thông qua chứng thư số cá nhân, căn cước công dân. Ngoài triển khai trên môi trường vật lý, C-Notary có thể triển khai trên nền tảng đám mây, giúp các TCHNCC sử dụng giải pháp mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị.

Tại hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài, Dịch vụ Robotic Processing Automation (RPA) – Tự động hoá quy trình bằng robot do CMC Global cung cấp được xướng tên trong top các sản phẩm nổi bật. Dịch vụ RPA được ứng dụng chính cho các doanh nghiệp, nhóm khách hàng trong lĩnh vực Y tế, Bảo hiểm, Bán lẻ, Viễn thông… Dựa trên các robot phần mềm hoặc trí tuệ nhân tạo, RPA là tập hợp các công nghệ nhằm xây dựng các phần mềm làm thay những công việc thường ngày của con người. Với dịch vụ này, CMC Global hứa hạn mang lại hàng loạt các giải pháp giúp doanh nghiệp, tổ chức nâng cao hiệu suất và tự động hóa các công việc văn phòng; nâng cao năng suất lao động; tối ưu hoá chi phí, tiết kiệm thời gian; tăng khả năng mở rộng quy mô cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài.

Điểm nhấn của sự kiện VFTE 2023 là không gian triển lãm với hàng chục gian hàng, trưng bày các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu. Từ sáng sớm, khu vực triển lãm của CMC đã tiếp đón rất nhiều đoàn khách, chuyên gia, doanh nghiệp ghé thăm. Đặc biệt, khi tham quan gian hàng của CMC, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn đại biểu đã dành dự quan tâm chú ý và cho đánh giá cao về những sản phẩm, giải pháp Made by CMC trong việc hỗ trợ Chính phủ, doanh nghiệp tự động hóa xuyên suốt quy trình vận hành, phát triển.

Những sản phẩm mới được giới thiệu trong không gian công nghệ hiện đại của CMC đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khách hàng yêu công nghệ. Bên cạnh việc tham quan gian hàng, rất nhiều khách hàng đã đứng chờ để được trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mà CMC mang đến như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud)...

Năm nay, Chương trình VFTE cũng tổ chức 5 phiên Hội thảo với bức tranh toàn cảnh về các ứng dụng công nghệ trong tăng hiệu quả hoạt động kinh tế - văn hóa – giáo dục... Các diễn giả cũng thảo luận về việc phát triển các sản phẩm dựa trên công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn, các giải pháp đưa công nghệ ra thị trường trong nước và quốc tế.

Tham gia Diễn đàn, ông Đặng Minh Tuấn – Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC (CMC ATI) đã có bài tham luận ý nghĩa với chủ đề: “Chuyên biệt hóa công nghệ AI, giải pháp nâng cao hiệu quả trong xây dựng văn bản pháp luật”. Theo ông Đặng Minh Tuấn, AI là công nghệ với sức mạnh vượt trội đang tạo ra những bước tiến ngoạn mục cho nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Tại Việt Nam, AI đã và đang tác động đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống. Sự ra đời của Trợ lý ảo tích hợp AI cho phép việc quản lý, tra cứu và bảo mật dữ liệu một cách hiệu quả, qua đó hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp trong nhiều nghiệp vụ cần thiết.

CMC mang nhiều công nghệ “Make in Vietnam” đến Diễn đàn VFTE 2023 - Ảnh 3.

Ông Đặng Minh Tuấn – Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC (CMC ATI) trình bày bài Tham luận tại Diễn đàn VFTE 2023

“Ứng dụng công nghệ AI vào vận hành trong lĩnh vực quản lý hồ sơ, giấy tờ là xu thế vận hành tất yếu, mang lại cơ hội lớn giúp các cơ quan, doanh nghiệp chinh phục khách hàng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế.”, ông Đặng Minh Tuấn nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem