Chuyện ít người biết về vụ án đốt cầu Thê Húc để phản đối thực dân Pháp

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến Thứ hai, ngày 15/05/2023 08:11 AM (GMT+7)
Khi đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, Pháp cấm tuyệt đối dân chúng vào đền Ngọc Sơn cúng lễ, một cậu học trò đã đốt cầu để cảnh cáo thực dân không được xúc phạm cõi tâm linh.
Bình luận 0

Cầu Thê Húc là điểm nhấn cho bức tranh Hồ Gươm mềm mại và duyên dáng. Chuyện nhà văn tài hoa Vũ Bằng một lần say thuốc phiện đứng ở Thê Húc rõ dãi xuống hồ được ông kể thiên phóng sự "Cai". Mấy ngày sau, khi tỉnh táo, ân hận vì việc đó ông đã ra Thê Húc, quỳ giữa cầu tạ lỗi. Nhưng vụ án đốt cầu Thế Húc thì rất ít người biết.

Cuối thế kỷ 18, nhà Lê đã mạt và Trịnh cũng suy vong. Năm 1786, Lê Chiêu phóng hỏa đốt cung Khánh Thụy. Cung này nằm trên đảo Ngọc Sơn được chúa Trịnh Giang cho dựng thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 - 1739). Một người tên là Tín Trai đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn trên nền cung cũ.

Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), một hội từ thiện đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đổi chùa thành đền, thờ Quan công nhà Hán, Trần Hưng Đạo sau đó thờ Văn Xương Đế quân (sao chủ của khoa cử và văn chương). Vì thờ Văn Xương nên đời vua Tự Đức (1847-1883), sĩ tử về Hà Nội thi Hương chen nhau vào thắp hương cầu khấn xin đỗ đạt. 

Vào mùa thi (tháng 10 âm lịch) cầu lúc nào cũng chật cứng người, có trò chờ 3 ngày mới vào được đền. Sợ cầu bị sập, cụ từ phải cho người ra nhắc nhở sĩ tử sinh không chen lấn, xếp hàng theo thứ tự.

Chuyện ít người biết về vụ án đốt cầu Thê Húc - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp cầu Thê Húc với những tấm ván lát dọc, không có lan can vịn của Pierre Dieulefils. Ảnh tư liệu.

Năm 1865, đền Ngọc Sơn xuống cấp, cụ Nguyễn Văn Siêu, một trí thức Nho giáo có uy tín ở Hà Nội đã đứng ra vận động dân chúng đóng góp để cải tạo và nâng cấp vào. Cụ cho xây dựng đình Trấn Ba với ý nghĩa như ngăn các văn hóa ngoại bang (thời điểm này Pháp đã chiếm Nam Kỳ), trên bờ cho xây tháp đá ngoài cổng cao 9 mét,đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là Tháp Bút. Để nối bờ với đảo ông đã cho dựng lại cầu và đặt tên là Thê Húc (có nghĩa là giọt ánh sáng đậu lại). Khi ấy cầu đơn sơ, có thành vịn, mặt cầu chỉ là những tấm ván ghép lại.

Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 và chiếm được thành. Quân Pháp tăng viện vào Hà Nội đóng rải rác khắp nơi và đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư. Thời điểm đó, quân Cờ Đen (một đám thổ phỉ từ Quảng Tây- Trung Quốc do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu nhận tiền của vua Tự Đức để đánh Pháp) hoành hành ở Hà Nội. 

Sợ quân Cờ Đen tấn công nên quân Pháp cấm tuyệt đối dân chúng Hà Nội vào cúng lễ và cắt cử lính gác ở cổng đền cả ngày đêm. Khi quân Cờ Đen phải giải thể năm thì việc canh gác có phần lơi lỏng. 

Trước cảnh ngang trái ấy có một thanh niên là Nguyễn Văn Minh (còn gọi là Hai Minh), học trò trường Đại tập Liên Đình của cử nhân Nguyễn Huy Đức đã nảy ra ý định đốt cầu để cảnh cáo thực dân Pháp xúc phạm cõi tâm linh. Hai Minh là con ông Ba Trì, cha mất sớm, mẹ là Đỗ Thị Thoa có cửa hàng bán dầu vừng, dầu lạc ở phố Hàng Lờ (cuối phố Hàng Bông ngày nay).

Sau nhiều đêm theo dõi, Hai Minh nhận thấy lính gác chỉ canh đến nửa đêm là đóng cửa rồi rút vào đền. Cậu đã âm thầm lên kế hoạch. Nhà bán dầu nên cậu giấu mẹ, nhặt nhạnh và thu gom rẻ rách và dầu cặn. 

Để công việc nhanh chóng, cậu đã nhờ Trưởng Nghi nhà ở phố Hàng Dầu, Nghi vừa là bạn học,vừa là em con cậu ruột giúp một tay. Khoảng nửa đêm cuối đông năm 1887, Hai Minh gọi Trưởng Nghi dậy nhưng Nghi ngại gió rét không đi, cũng vừa lúc ấy em trai Trưởng Nghi là Hai Nguyên mới 14 tuổi nghe lỏm được chuyện tình nguyện đi thay. Hai anh em mang theo thúng giẻ, giấy bản và bấc tẩm dầu lặng lẽ lên cầu. 

Lúc đó lính canh đã rút hết vào trong đền và đóng cửa. Hai anh em nhét giẻ, giấy bản và bấc đèn tẩm dầu vào khe ván rồi tưới dầu cặn lên mặt cầu, sau đó nhanh chóng rải than hoa (than củi) đang cháy đựng trong nồi đất. Xong việc cả hai nhanh chóng về nhà. Giẻ dầu gặp than lại có gió đông bắc nên lửa bùng lên rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn cả chiếc cầu cháy đùng đùng. 

Khi lính trong đền phát hiện ra thì các tấm ván mặt cầu đã thành than. Sau khi cầu bị đốt, viên quan tư cảm thấy bất an nên sai quân chuyển đồ đạc đi nơi khác không dám ở đền Ngọc Sơn nữa.

Chuyện ít người biết về vụ án đốt cầu Thê Húc - Ảnh 2.

Cầu Thê Húc ngày nay. Ảnh: Bích Thuận.

Tin cầu Thê Húc bị đốt vì xúc phạm nơi tôn nghiêm của văn hóa Hà Nội khiến quân Pháp đóng ở đền Trấn Quốc, chùa Châu Long và đình làng Yên Phụ phải vội vã rút quân đi chỗ khác. Do còn quá trẻ, Hai Nguyên đã kể chuyện đốt cầu cho một người bạn và cậu này kể lại với bố là Cả Nghệ nhà ở phố Hàng Mắm. 

Có ngờ đâu Cả Nghệ đi báo cho quan Pháp, thế là hai ngày sau, lính Pháp ập đến nhà bắt Hai Minh. Còn Hai Nguyên do chưa đến tuổi thành niên nên được tha. Vì mới 17 tuổi nên Hai Minh không bị tử hình nhưng bị bắt tù rồi sau đó chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ đã đưa vào nhóm tải đạn, tải lương phục vụ cho lính Pháp đánh chiếm các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Mùa đông năm 1888, Minh bị đầy lên Thái Nguyên theo cuộc hành quân của lính viễn chinh đánh vào chợ Chu (tỉnh Bắc Cạn). Lợi dụng lính canh mệt mỏi ngủ quên, Hai Minh trốn thoát nhưng vì không thông thạo địa hình cuối cùng cậu bị bắt. Quân Pháp đã không lập tòa, lôi Hai Minh ra bắn. Năm đó Hai Minh tròn 18 tuổi.

Sau khi cầu bị Hai Minh đốt người ta sửa chữa, lát ván mặt cầu để dân chúng vào lễ. Bức ảnh chụp cầu Thê Húc với những tấm ván lát dọc, không có lan can vịn là của Pierre Dieulefils (ông nổi tiếng nhờ những bức ảnh chụp Hà Nội và Đông Dương). 

Trong cuốn "Hà Nội và những vùng phụ cận" xuất bản năm 1892, Claudius Madrolle viết: "Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1887 (thực ra là năm 1888-NV) để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn mầu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng". Cầu này tồn tại đến tết Nhâm Thìn năm 1952 thì bị sập vì người chen chúc vào đền lễ.

Thê Húc ngày nay là thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999). Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn đồng thời làm cầu nổi hơn. Nguyễn Ngọc Diệm Cầu giữ nguyên hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu ông thiết kế bằng gỗ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem