Chuyên gia thời tiết chỉ ra 5 nguyên nhân khiến thành phố Đà Nẵng ngập nặng

P.V Thứ bảy, ngày 15/10/2022 20:10 PM (GMT+7)
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Có 5 nguyên nhân khiến thành phố Đà Nẵng ngập nặng.
Bình luận 0

5 nguyên nhân khiến thành phố Đà Nẵng ngập nặng

Về trận lụt vừa xảy ra tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết: Mưa lớn đã làm ngập sâu trên diện rộng ở nhiều khu vực của Thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là các quận, huyện: Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.

Chuyên gia thời tiết chỉ ra 5 nguyên nhân khiến thành phố Đà Nẵng ngập nặng - Ảnh 1.

Các lực lượng cứu hộ tại huyện Hòa Vang cũng túc trực xuyên đêm, huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ứng cứu người dân tại các xã, khu vực bị ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: CACC

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng có 5 nguyên nhân khiến thành phố Đà Nẵng bị ngập nặng:

Thứ nhất là tác động hình thế mưa điển hình ở miền trung, tổ hợp đa thiên tai kết hợp của áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông.

Thứ 2, đặc điểm địa hình chắn gió ở miền trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh.

Thứ 3, mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn. Thống kê ban đầu cho thấy lượng mưa trong 6 tiếng đồng hồ lên đến trên 500mm là rất lớn.

Chuyên gia thời tiết chỉ ra 5 nguyên nhân khiến thành phố Đà Nẵng ngập nặng - Ảnh 2.

Đến trưa 15/10, K96 đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê Đà Nẵng nước còn ngập gần 50 cm. Ảnh: D.B

Thứ 4, trong tối và đêm 14/10, triều cường tại khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó có thành phố Đà Nẵng ở mức cao đã làm chậm quá trình thoát lũ.

Thứ 5, thông thường tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền trung có mưa lớn nhất trong năm.

Năm nay cơ quan Khí tượng thủy văn đã dự báo có ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn năm bình thường.

Đối với đợt mưa này, cơ quan Khí tượng thủy văn cũng đã có cảnh báo rất sớm với lượng mưa phổ biển 200-500mm, cục bộ có nơi trên 800mm ở Trung Bộ.

Nối tiếp bão số 5, biển Đông chuẩn bị đón bão số 6

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hôm nay (15/10), áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực phía Đông của Philippines. Dự báo, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão, khoảng ngày 16 - 17/10 di chuyển vào biển Đông, khả năng cao trở thành cơn bão số 6.

Bên cạnh đó, hiện nay một bộ phận không khí lạnh ở Trung Quốc đang có xu hướng dịch dần xuống phía nam. Dự báo khoảng ngày 16/10, bộ phận không khí lạnh này có thể bắt đầu ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc Bộ, duy trì thời tiết nắng khô trong những ngày vừa qua ở khu vực này.

Chuyên gia thời tiết chỉ ra 5 nguyên nhân khiến thành phố Đà Nẵng ngập nặng - Ảnh 3.

Nối tiếp bão số 5, biển Đông chuẩn bị đón bão số 6

Cơ quan khí tượng lưu ý, không khí lạnh có khả năng cao sẽ tương tác với cơn bão số 6 sắp tới khiến cho các diễn biến về bão trên Biển Đông những ngày tới còn rất phức tạp.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 1/2023 với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác xuất khoảng từ 50-60%.

Dự báo từ nay đến tháng 4/2023, trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2-3 cơn tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. Tháng 1/2023 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông, có thể ảnh hưởng tới thời tiết các tỉnh phía nam nước ta.

Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022. Dự báo tổng lượng mưa tháng 11 ở Bắc Trung Bộ cao hơn từ 15-30%, khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Khuyến cáo người dân vùng ảnh hưởng lũ

Đối với người dân ở vùng ảnh hưởng của mưa lũ, cần theo dõi cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: nước dâng nhanh, ngập lụt đường cao tốc, cầu và các khu vực trũng thấp.

Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh như lập tức di tản đến khu vực chú ẩn an toàn có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu.

Tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút; không đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết;

Sử dụng đèn pin thay vì sử dụng thiết bị chiếu sáng bằng ngọn lửa trần (nến, đuốc..) để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Đđề phòng lũ quét tiềm ẩn; cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ thông qua tivi, báo, đài phát thanh…

Sau khi xảy ra lũ, lụt, các gia đình cần chú ý đến trẻ em, không để trẻ nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh.

Người dân không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng.

Sử dụng nước từ các nguồn an toàn (chẳng hạn như nước đóng chai) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm (đun sôi, khử trùng hoặc chưng cất làm sạch nước).

Trước khi vào lại ngôi nhà bị hư hỏng do lũ, lụt, người dân cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn; kiểm tra hệ thống gas; kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ.

Đồng thời kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem