Chuyên gia hàng đầu drone Việt: Ứng dụng drone trong nông nghiệp sẽ như máy cày thay thế con trâu

Thứ hai, ngày 07/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ông Lương Việt Quốc, CEO Real-time Robotics cho biết thị trường máy bay không người lái (drone) cho nông nghiệp tại Việt Nam trị giá khoảng vài trăm triệu USD, còn thế giới là 5,7 tỷ USD vào năm 2025.
Bình luận 0
Chuyên gia hàng đầu drone Việt: Ứng dụng drone trong nông nghiệp sẽ như máy cày thay thế con trâu - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lương Việt Quốc bên cạnh các sản phẩm mà ông và đội ngũ kỹ sư trẻ người Việt làm ra. Ảnh: T.Quỳnh

Những chiếc máy bay không người lái này được ứng dụng trong quốc phòng, an ninh, tuần tra biên giới, kiểm định hạ tầng và nông nghiệp thông minh… mà từ phần cứng, phần mềm đến thiết kế bo mạch, thân máy bay, đều do đội ngũ kỹ sư người Việt tạo ra. 

Nhờ tự làm chủ công nghệ, Real-time Robotics là công ty duy nhất hiện nay chế tạo drone nông nghiệp vừa có chi phí vận hành thấp hơn drone Trung Quốc, vừa bảo mật dữ liệu.

Đó là kết quả mà Tiến sĩ Lương Việt Quốc tâm đắc nhất. Vừa góp phần giúp nông dân canh tác “xanh” hơn, giảm hoá chất sử dụng, bảo vệ sức khoẻ nông dân, vừa tiết kiệm chi phí so với dùng drone Trung Quốc, vừa đảm bảo an ninh thông tin cho quốc gia.

Chuyên gia hàng đầu drone Việt: Ứng dụng drone trong nông nghiệp sẽ như máy cày thay thế con trâu - Ảnh 2.

Hơn 30 kỹ sư Việt đang đồng hành cùng Tiến sĩ Lương Việt Quốc để chế tạo drone.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Việt Quốc, drone khám chữa bệnh là những máy bay mang camera đa phổ, có khả năng quét và xác định vùng nào, khu vực nào thiếu phân, thiếu nước, sâu bệnh... Sau đó, kết quả khám bệnh sẽ được nạp vào drone chữa bệnh để can thiệp chính xác.

Tiến sĩ Quốc cho biết, sản phẩm drone của công ty được cung cấp tại thị trường trong nước, đồng thời xuất khẩu sang Mỹ và Ấn Độ. Theo ông Quốc, thị trường cho drone nông nghiệp rất lớn. Tại Việt Nam, thị trường này trị giá khoảng vài trăm triệu USD, còn thế giới là 5,7 tỷ USD vào năm 2025.

“Riêng chữa bệnh và phun thuốc, gieo hạt thì drone hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn bình đeo vai”, Tiến sĩ Lương Việt Quốc chia sẻ. Theo ông, trong tương lai gần, drone sẽ được sử dụng nhiều trong nông nghiệp thay thế các phương pháp thủ công, giống như máy cày thay thế con trâu.

Chuyên gia hàng đầu drone Việt: Ứng dụng drone trong nông nghiệp sẽ như máy cày thay thế con trâu - Ảnh 3.

Kỹ sư của Real Time Robotics (áo kẻ) đang miệt mài với công việc.

Drone do người Việt làm nên yên tâm về yếu tố bảo mật thông tin

Theo Tiến sĩ Lương Việt Quốc, cần quan tâm đến vấn đề làm chủ thông tin trong nông nghiệp vì điều này liên quan mật thiết đến an ninh lương thực.

“Nếu dùng drone nước ngoài thì dữ liệu bay sẽ được gửi sang nước ngoài như bay ở đâu, bay vào giờ nào, tần suất bao nhiêu, phun thuốc gì, cây trồng gì, hiện đang bị bệnh gì… Đó đều là những thông tin nhạy cảm”, CEO Real Time Robotics nói.

Do đó, sử dụng drone trong nước là sự lựa chọn hợp lý của các doanh nghiệp quan tâm đến giá trị của thông tin.

“Tỷ lệ nội địa hóa chất xám của người Việt lên đến 80%. Các bộ phận quan trọng và thiết yếu nhất là do công ty tự chế tạo như thân máy bay, bo mạch điện tử, xử lý dữ liệu…. Drone của RtR có chi phí vận hành thấp hơn drone Trung Quốc vì nhẹ hơn, bay lâu hơn, dễ sử dụng hơn”, Tiến sĩ Lương Việt Quốc chia sẻ với Người Đồng Hành.

Chuyên gia hàng đầu drone Việt: Ứng dụng drone trong nông nghiệp sẽ như máy cày thay thế con trâu - Ảnh 4.

Các kỹ sư của Real Time Robotics đều đến từ các trường kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam.

Hiện tại, đội ngũ kỹ sư vẫn đang làm việc tại cơ sở rộng hơn 500 m2 gần khu Công nghệ cao TP HCM, trong thời gian nhà máy với vốn đầu tư 13,5 triệu USD tại khu Công nghệ cao TP HCM thuộc TP Thủ Đức đang được thiết kế, xây dựng. Dự kiến khoảng hơn một năm nữa, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Đây là nơi được kỳ vọng cho ra đời hàng trăm, hàng nghìn drone hữu ích cho các ngành trong khi nhu cầu về số hóa, tự động hóa đang tăng cao.

Để có được những bước tiến hôm nay, CEO Lương Việt Quốc đã phải nỗ lực rất nhiều.

Cậu bé nghèo từng nhặt rác bên kênh Nhiêu Lộc, chỉ học trung cấp vì trượt đại học, giành học bổng đi Mỹ và trở thành tiến sĩ

Tiến sĩ Lương Việt Quốc được sinh ra ở Sài Gòn. Tuổi thơ của ông gắn với dòng kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè đen kịt với những ngày nhặt rác thải đến 1h - 2h sáng.

13 tuổi, ban ngày cậu thiếu niên ra chợ Cầu Muối bán chanh, ớt lẻ, 15 tuổi kiêm thêm nghề vớt trùn chỉ bán.… Khó khăn là thế nhưng cậu không bỏ học giữa chừng.

Sau này ông Lương Việt Quốc tiết lộ, động lực duy nhất khiến cậu thiếu niên năm xưa không bỏ học xuất phát từ bà nội. Bà luôn dặn đi dặn lại rằng chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời. Vì thương bà nội, ông cố gắng theo đuổi sự nghiệp học hành dù thời gian, năng lượng đã dồn hết cho sự nghiêp mưu sinh.

Hết năm lớp 12, cậu học sinh trượt đại học nên chỉ học trung cấp tại Trường trung học Tài chính TP HCM. Từ hệ trung cấp, Quốc học lên đại học tại chức, rồi học thêm cả tiếng Anh.

Chuyên gia hàng đầu drone Việt: Ứng dụng drone trong nông nghiệp sẽ như máy cày thay thế con trâu - Ảnh 5.

Ông Quốc bên cạnh máy bay không người lái có tên VIAN.

Năm 1994, Quốc đạt 610 điểm, xếp thứ 6 trong số 150 thí sinh dự kỳ thi Toefl do Ủy ban Trao đổi hợp tác khoa học kỹ thuật Việt Nam - Mỹ tổ chức.

Với vốn tiếng Anh có sẵn, khi chương trình học bổng Fulbright (Mỹ) bỏ điều kiện phải tốt nghiệp đại học chính quy, cậu sinh viên đã "lách qua khe cửa hẹp" duy nhất để có cơ hội bật lên. Năm 2002 ở Việt Nam có gần 600 người đã nộp đơn xin học bổng Fullbright thì ông là một trong 26 cá nhân được chọn. Hành trang là điểm TOEFL 660/677, một tấm bằng trung cấp tài chính, một bằng đại học kế toán, một bằng đại học Anh văn, nhưng đều là hệ tại chức.

Sau khi tốt nghiệp ngành thạc sĩ kinh tế học của trường đại học Cornell với luận án xuất sắc, Lương Việt Quốc đã được 8 trường đại học hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ, gồm Cornell, Berkeley, US Davis, Maryland... Thậm chí, Maryland đã hai lần gửi thư để nâng mức học bổng từ 30.040 USD/năm lên 37.168 USD/năm nhằm "cạnh tranh" khi biết Lương Việt Quốc đang được "săn". Cuối cùng Lương Việt Quốc chọn Đại học Berkeley và hoàn tất chương trình học tiến sĩ kinh tế tại đây vào năm 2011.

Trong bối cảnh máy bay không người lái (drone) trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, vận chuyển hàng khẩn cấp, báo chí, phim ảnh… Lương Việt Quốc đã tự thành lập startup về drone tại San Francisco. Năm 2017, ông mở thêm công ty ở Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên được cấp phép đầu tư sản xuất máy bay không người lái.

Theo Đỗ Quyên/NĐH (ndh.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem