Chuyện chưa kể về nhạc sỹ Đỗ Nhuận với tòa biệt thự kiểu Pháp ở 65 Nguyễn Thái Học

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 27/12/2022 15:01 PM (GMT+7)
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922 tại làng Vạc (nay là thôn Hoạch Trạch) xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông mất ngày 18/5/1991 tại Hà Nội. Lúc còn sống cho đến khi về với Tổ tiên, ông gắn bó với căn biệt thự xây thời Pháp và mang kiến trúc Pháp ở số 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Bình luận 0

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, con trai nhạc sỹ Đỗ Nhuận kể, bố của ông mất vào một ngày hè đổ lửa ở Thủ đô Hà Nội. Theo nguyện vọng trước lúc mất, gia đình và họ hàng đưa ông về yên nghỉ tại quê nhà Bình Giang, tỉnh Hải Dương - nơi ông đã sinh ra vào năm (Nhâm Tuất) nhuận hai tháng 5. Chính vì thế nên các cụ đã đặt tên ông là Nhuận, Đỗ Văn Nhuận, sau ông đổi bút danh thành Đỗ Nhuận.

Chuyện chưa kể về nhạc sỹ Đỗ Nhuận với tòa biệt thự kiểu Pháp ở 65 Nguyễn Thái Học - Ảnh 1.

Chân dung nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Ảnh: Chiều Xuân.

"Từ khi bố tôi mất đi, gia đình chúng tôi vẫn sống tại ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học, cùng mẹ, các em và vợ con tôi. Sau khi mẹ tôi mất, chúng tôi cũng đưa bà về quê cùng ông. Mặc dù ông bà đã đi xa, nhưng cho đến nay trong căn phòng nhỏ bé và ấm cúng giữa lòng Hà Nội chưa khi nào tôi cảm thấy vắng bóng cha mẹ mình, hình như ông đang đi đâu trong một chuyến công tác xa, còn bà vẫn tần tảo thức khuya dậy sớm lo toan cho cả nhà", nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân hoài niệm.

Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học vốn là một biệt thự cổ của gia đình cụ Cự Lĩnh được xây dựng khoảng những năm 1930 của thế kỷ XX. Sau ngày hòa bình lập lại 1954, đây là nơi ở và làm việc của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sỹ Nguyễn Sáng, họa sỹ Huỳnh Văn Gấm, nhà văn Vũ Tú Nam, họa sỹ Mai Văn Hiến, họa sỹ Văn Giáo, họa sỹ Song Văn và thế hệ con cháu các cụ như: họa sỹ - NSƯT Vũ Huy, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, nhà lý luận mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh...

Cho đến hôm nay, trụ lại ngôi nhà này lâu nhất là gia đình con trai cụ chủ - kỹ sư Đinh Văn Thiêm, rồi đến ông Trần Minh Hạc (con trai trưởng họa sĩ Trần Đông Lương) và gia đình nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân.

Chuyện chưa kể về nhạc sỹ Đỗ Nhuận với tòa biệt thự kiểu Pháp ở 65 Nguyễn Thái Học - Ảnh 3.

Mặt ngoài của tòa biệt thự kiểu Pháp ở 65 Nguyễn Thái Học. Ảnh: ĐĐK.

Ngôi nhà là một biệt thự, kiến trúc Đông - Tây, Âu - Á kết hợp, vì cụ chủ nhà trước đây là thầu khoán xây dựng, đã lập nên dãy nhà phố Hàng Bông - Hàng Gai, bệnh viện Đồn Thủy... nên cụ tích lũy được kinh nghiệm và cả nguyên vật liệu tốt nhất để xây ngôi nhà trên nền đất ruộng ở đường Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học). Biệt thự có hàng rào xây, lắp hoa văn tròn, cửa lim hai cánh mở rộng rãi, qua khoảng giãn cánh mới đến nhà.

"Tôi còn nhớ bên phải hướng đi vào có một cây, gọi là cây "đầu người" vì quả màu xanh giống hình đầu người đội mũ, hoa vàng rất đẹp. Bên trái có một cây na dai năm nào cũng cho quả. Trong sân cụ chủ đã trồng thêm một cây bàng, nó lớn nhanh và cho bóng mát xum xuê, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau nô đùa chơi dưới gốc bàng vì có bóng mát, nhưng cũng có khi bị sâu róm rơi trúng người, bọn con gái hét toáng lên và chạy té tát. Tôi nhớ tới hình ảnh cụ chủ (lúc đã lòa, không nhìn được) nhưng vẫn ngồi dưới gốc bàng giặt quần áo nâu bằng quả bồ hòn, cụ sát đều cho có bọt và hứng dòng nước máy chảy chậm đến khi giặt xong mới thôi.

Chuyện chưa kể về nhạc sỹ Đỗ Nhuận với tòa biệt thự kiểu Pháp ở 65 Nguyễn Thái Học - Ảnh 5.

Vợ chồng nhạc sỹ Đỗ Nhuận (thứ hai từ trái qua) trong ngày cưới con trai Đỗ Hồng Quân - Chiều Xuân. Ảnh: CX.

Dưới gầm cầu thang đá lên tầng 2, có một cái hầm nhỏ tối om, mát lạnh, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau vào đó chơi trốn tìm - một trò chơi phiêu lưu mạo hiểm. Cũng chính tại trong căn hầm này, năm 1972 Mỹ ném bom Khâm Thiên, ga Hàng Cỏ... thì cụ Nguyễn Phan Chánh đã lôi các cháu vào hầm để trú ẩn. Lớn lên một chút, mấy đứa con trai nghịch ngợm (tôi, Vũ Huy, Trần Sơn, Đỗ Hồng Thao (em trai) muốn khám phá ngôi nhà đã rủ nhau làm các bậc thang sắt chôn vào tường để trèo lên tầng áp mái, khám phá ra cả một thế giới "tự do"… Phải nói là nhà Pháp cổ xây rất bền vững và khoa học, đến nay các cánh cửa bằng gỗ lim vẫn vững chắc, không xô lệch, bậc thang bằng đá, bằng gỗ vẫn y nguyên, mùa hè trong nhà thì mát, mùa đông thì ấm.

Vì biệt thự xây cho một gia đình nên các phòng trên một tầng đều có cửa thông sang nhau. Đến khi chia thành khu tập thể thì mới khóa lại. Sau giải phóng Điện Biên, TP. Hà Nội phân cho các văn nghệ sỹ từ chiến khu về hai tòa nhà làm khu tập thể, đó là khách sạn Lục Quốc ở 96 Phố Huế và ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học.

Chuyện chưa kể về nhạc sỹ Đỗ Nhuận với tòa biệt thự kiểu Pháp ở 65 Nguyễn Thái Học - Ảnh 6.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân và nghệ sỹ Chiều Xuân bên bộ bàn ghế gỗ có tuổi đời trên 50 năm. Ảnh: CX.

Nhà của gia đình nhạc sỹ Đỗ Nhuận từng là "điểm hẹn" của nhiều văn nghệ sỹ

Gia đình tôi được thuê một phòng rộng khoảng 36m2 trên tầng 2. Phòng kề bên là của gia đình nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương (trước đó nhà văn Nguyễn Đình Thi ở). Phòng nhỏ bên phải là nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh cùng các con trai, con gái.

Đối diện là phòng họa sỹ Huỳnh Văn Gấm, nay gia đình cô Thanh ở. Ngôi nhà là điểm hẹn thường xuyên của các văn nghệ sỹ. Trên gác ba, phòng của họa sỹ Nguyễn Sáng, tuy chưa đầy 20m2, nhưng luôn có các bạn bè đến chơi. Trái lại, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm ở phòng đối diện thì im ỉm làm việc suốt ngày, ít khi thấy ông ra khỏi phòng. Phòng nhà tôi cũng nhiều bạn bè của bố đến chơi như: Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Chu Minh, Trọng Bằng, Trần Hải... Sau giải phóng 1975, có các nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, mỗi lần ra Hà Nội thường ghé chơi.

Bên nhà tôi có một cây đàn Piano do Công đoàn lao động Nhật Bản gửi tặng Hội Nhạc sỹ Việt Nam, bố tôi được sử dụng một cây đàn Kawai. Tôi lại đang học Piano tại trường Âm nhạc Việt Nam nên hàng ngày phải tập đàn nhiều giờ, thế mà không hề thấy bác Vũ Tú Nam hay người hàng xóm nào kêu ca là ồn, mất trận tự khu phố.

Chuyện chưa kể về nhạc sỹ Đỗ Nhuận với tòa biệt thự kiểu Pháp ở 65 Nguyễn Thái Học - Ảnh 7.

Hình ảnh tư liệu về ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học. Ảnh: TL.

Bác Nam thích nghe nhạc không lời. Mỗi buổi sáng bác thường bật máy cassete bản nhạc của Mozart, Beethoven... có một lần tôi tặng bác một băng nhạc mới phổ thơ, bác nghe bài Sông Thương tóc dài, thơ Hoàng Nhuận Cầm và khen bài hát hay.

Nhớ về ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học là nhớ đến bạn bè, bọn trẻ chúng tôi: Huy, Giang, Hiền Lan, Sơn, Bình, Oanh, Lan, Thao, Hoa... Tụi tôi cùng sinh vào một thời khoảng 1955 - 1964, cùng học một trường cấp I Phan Chu Trinh.

Ngôi nhà 65 - Một ngôi nhà với nhiều văn nghệ sĩ "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước", đại biểu Quốc Hội nhiều khóa, Nghệ sĩ Ưu tú... xứng đáng trở thành địa chỉ văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Tôi ước mong ngôi nhà 65 sẽ được phục dựng bảo tồn như các nước đã từng làm, trước số nhà gắn biển đồng ghi tên các danh nhân, phục chế các phòng ở thành nơi trưng bày lưu giữ các bút tích, kỷ vật của các văn nghệ sỹ... Nơi đây sẽ là một bảo tàng mini ghi nhiều dấu ấn cuộc đời, nơi đã sinh ra những tác phẩm văn học, thi ca, nhạc họa... có giá trị cao, trường tồn với xã hội và nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem