Chủ tịch UBND TP.HCM: "Vẫn còn lượng lớn lao động, chuyên gia tại khu công nghiệp chưa được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19"

Bạch Dương Thứ hai, ngày 07/06/2021 12:54 PM (GMT+7)
Tổng số lao động trong KCX-KCN là 28.000 người, 3.000 chuyên gia, khu công nghệ cao có 45.000 lao động mà hiện giờ mới lấy được hơn 50.000 mẫu xét nghiệm - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết và yêu cầu phải gấp rút triển khai trong tuần này, tập trung vào các đối tượng ưu tiên.
Bình luận 0
Chủ tịch UBND TP.HCM: Giám sát chặt các phòng khám, nhà thuốc, vi phạm nặng sẽ rút chứng chỉ hành nghề - Ảnh 1.

Người dân khai báo y tế khi đi qua các chốt kiểm dịch Covid-19 của quận Gò Vấp. Ảnh: HỒNG PHÚC.

Cơ bản đã kiểm soát được các nguồn lây

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 7/6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, khi thực hiện giãn cách xã hội, thành phố chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch. Sau 1 tuần giãn cách, tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã có những thành công bước đầu.

Đồng tình với Chủ tịch UBND TP, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, quyết định giãn cách xã hội là rất đúng và kịp thời. Việc triển khai, tổ chức thực hiện trên toàn hệ thống nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả, trong đó từng địa phương, đơn vị đều có phương án chủ động phòng chống dịch.

"Người dân đồng thuận, đồng lòng chống dịch đã ngăn chặn hiệu quả tốc độ lây lan của dịch bệnh, bước đầu có thể nhìn nhận là thành công. Cơ bản chúng ta đã quản lý, kiểm soát các nguồn lây lan ra cộng đồng", ông Nên nhận định.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy nhắc nhở thành phố vẫn còn rất nhiều việc cần lưu ý. Mặc dù số ca lây nhiễm đã giảm, dù chưa nhiều nhưng đã kiểm soát được, nhưng số người cách ly đông, các cơ sở cách ly đã gần đầy, cần phải có phương án bổ sung, dự phòng. Số lượng giường cách ly phải dự trù cao hơn 30-40%, đồng thời thành phố phải có nhiều phương án cách ly, đặc biệt với những người nhập cảnh, người đến từ vùng dịch, các trường hợp F liên quan, phải đảm bảo hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện thành phố đang tồn tại cả 2 biến chủng virus SARS-CoV-2 Anh và Ấn Độ, đồng thời cũng đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, vì thế tất cả các quận huyện, sở ngành phải thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch đồng thời phát triển kinh tế.

"Phòng chống dịch kiên quyết nhưng không ngăn sông cấm chợ", ông Phong nhấn mạnh sau khi lấy ví dụ từ văn bản cấm người từ TP.HCM trở về Đồng Nai của UBND tỉnh Đồng Nai gây phản ứng mạnh trong người dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và lái xe.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Giám sát chặt các phòng khám, nhà thuốc, vi phạm nặng sẽ rút chứng chỉ hành nghề - Ảnh 3.

Lấy mẫu xét nghiệm người lao động tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: BẠCH DƯƠNG.

Kiểm soát chặt khu công nghiệp, phòng khám, nhà thuốc tư

Liên quan đến công nhân trong các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngoài việc Ban quản lý các KCX-KCN phải nắm được danh sách cụ thể, trong đó có thông tin xác thực của công nhân (số điện thoại, nơi cư trú chính xác), cần đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả công nhân.

"Tổng số lao động trong KCX-KCN là 28.000 người, 3.000 chuyên gia, khu công nghệ cao có 45.000 lao động mà hiện giờ mới lấy được hơn 50.000 mẫu, vẫn còn một số lượng rất lớn. Nếu tôi yêu cầu trong tuần này phải lấy hết mẫu thì các đồng chí không có cách nào làm xong vì số lượng quá lớn nhưng phải gấp rút triển khai, tập trung các đối tượng ưu tiên", ông Phong chỉ đạo.

Cùng với đó, ông Phong cũng yêu cầu Ban quản lý KCX-KCN phải khẩn trương tham mưu với UBND TP để chọn một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm vừa cách ly vừa sản xuất. Ngoài ra, cần xem xét việc quản lý, đảm bảo phòng chống dịch cho đội ngũ hơn 400 xe bus đưa đón công nhân từ các tỉnh như Long An, Tiền Giang…

Chủ tịch UBND TP.HCM: Giám sát chặt các phòng khám, nhà thuốc, vi phạm nặng sẽ rút chứng chỉ hành nghề - Ảnh 4.

Khám sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện nhân dân Gia Định. Ảnh BVCC.

Trong tuần này, lãnh đạo thành phố sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy định trong các khu cách ly, hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo. Ngoài việc phòng cách ly có 2 giường thì ông Phong cũng yêu cầu xem xét làm vách ngăn giữa hai giường này để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải kiểm soát chặt khâu sàng lọc, không để xảy ra tình trạng phong tỏa cả bệnh viện như Bệnh viện quận Tân Phú và Nam Sài Gòn vừa qua.

Sở Y tế phải giám sát chặt các phòng mạch, phòng khám đa khoa, nhà thuốc tư nhân khi có người biểu hiện ho, sốt đến khám, mua thuốc. Sở Y tế phải có hướng dẫn cụ thể cho các nhà thuốc phối hợp chặt chẽ với trạm y tế để khai báo các trường hợp nguy cơ này, nếu vi phạm phải có biện pháp mạnh, thậm chí có thể rút chứng chỉ hành nghề.

Đối với các quận huyện đang có số ca mắc Covid-19 tăng cao như quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 12… cần rà soát lại các biện pháp phòng chống dịch, nếu cần thiết có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa để khống chế dịch.

Từ ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng, ông Phong yêu cầu Ban Tôn giáo TP tăng cường quản lý các cơ sở tôn giáo do phường xã cấp phép, kịp thời phát hiện các nguy cơ gây bệnh.

Sở Công Thương đảm bảo điều kiện cho thuận lợi việc lưu thông trao đổi hàng hóa với các địa phương, đảm bảo đủ cung ứng hàng hóa trong 6 tháng đề phòng diễn biến xấu.

"Các đoàn thể phát động phong trào tình nguyện tham gia phòng chống dịch, đặc biệt các địa phương có nhiều điểm chốt, cách ly. Người dân cần chủ động liên hệ các cơ sở y tế khi có dấu hiệu ho, sốt. Những người cao tuổi, có bệnh nền cần ở nhà toàn, chỉ ra bên ngoài khi phải đến cơ sở y tế hoặc mua thực phẩm", ông Phong lưu ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem