Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân tại Bắc Kạn: Thẳng thắn, chất lượng và cởi mở

Lam Chi Thứ bảy, ngày 19/11/2022 07:31 AM (GMT+7)
Tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đối thoại với nông dân, những tâm tư, nguyện vọng cùng những băn khoăn, vướng mắc đã được các đại biểu nông dân thẳng thắn bày tỏ, kiến nghị.
Bình luận 0

Vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ

Chiều 18/11, tại Hội trường tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân.

Hội nghị Chủ tịch đối thoại với nông dân tại Bắc Kạn: Thẳng thắn, chất lượng và cởi mở - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đối thoại với nông dân. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo Ban tổ chức, trong thời gian qua UBND tỉnh Bắc Kạn và các Sở, ban, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân trong tỉnh đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị Chủ tịch đối thoại với nông dân tại Bắc Kạn: Thẳng thắn, chất lượng và cởi mở - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Chiến Hoàng

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, kết quả phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn.

Tại hội nghị, các đại biểu nông dân đã thẳng thắn đối thoại về những vướng mắc, băn khoăn liên quan đến cơ chế chính sách phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường.

Hội nghị Chủ tịch đối thoại với nông dân tại Bắc Kạn: Thẳng thắn, chất lượng và cởi mở - Ảnh 3.

Ông Triệu Kiềm Quấy, Chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ Hợp tác thôn Khuổi Làng, xã An Thắng, huyện Pác Nặm khi đề cập về vấn đề giá vật tư. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Triệu Kiềm Quấy - Chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ Hợp tác thôn Khuổi Làng, xã An Thắng, huyện Pác Nặm nêu băn khoăn về giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao.

Theo ông Quấy, giá sản phẩm nông sản thấp ảnh hưởng đến đời sống của nông dân, do đó ông đề nghị tỉnh Bắc Kạn sớm có giải pháp. 

Liên quan đến nội dung này, ông Hà Sỹ Huân - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học thay thế một phần phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học.

Hội nghị Chủ tịch đối thoại với nông dân tại Bắc Kạn: Thẳng thắn, chất lượng và cởi mở - Ảnh 4.

Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn trả lời câu hỏi của hội viên nông dân tại hội nghị. Ảnh: Chiến Hoàng

"Theo chức năng nhiệm vụ, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn đã chủ động đề xuất các nguồn kinh phí để triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp cho người dân" - ông Huân cho biết thêm.

Lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Bắc Kạn cũng thông tin, để khắc phục tình trạng trên, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn trong tháng 11 ban hành chính sách phân cấp thẩm định giá.

Cũng tại hội nghị, hội viên nông dân đã đề nghị tỉnh Bắc Kạn có cơ chế chính sách hỗ trợ cho hội viên nông dân tiêu biểu và Trưởng thôn có uy tín đi học tập kinh nghiệm mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn, qua rà soát các chính sách thuộc lĩnh vực ngành quản lý, hiện nay chưa có quy định về chính sách hỗ trợ cho hội viên nông dân tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm.

Các nội dung học tập kinh nghiệm trong thời gian qua được các địa phương cũng như ngành tổ chức đều được lồng ghép từ các chương trình, mô hình phát triển kinh tế xã hội.

Do đó, để hỗ trợ cho hội viên nông dân tiêu biểu và Trưởng thôn có uy tín đi học tập kinh nghiệm mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả tại các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, Sở NNPTNT đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các mô hình, lồng ghép nội dung tham quan học tập để hội viên nông dân các cấp có cơ hội tham quan học tập.

Các chính sách về lao động việc làm, thị trường, giá cả, chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng… cũng đã được các nông dân tỉnh Bắc Kạn đưa ra tại hội nghị. Các câu hỏi đều thể hiện được sự trăn trở, mối quan tâm của người nông dân.

Đối thoại về hạ tầng nông thôn

Ông Trịnh Trường Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) đề nghị tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ quy hoạch đất 4 thôn vùng thấp của xã Nam Mẫu để đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển kinh tế của các hội viên nông dân ở các thôn này; cùng với đó là vấn đề về hạ tầng giao thông tại 5 thôn vùng cao của xã Nam Mẫu. 

Những nội dung này đã được lãnh đạo huyện Ba Bể trả lời và tiếp thu.

Hội nghị Chủ tịch đối thoại với nông dân tại Bắc Kạn: Thẳng thắn, chất lượng và cởi mở - Ảnh 5.

Ông Trịnh Trường Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Mẫu đặt câu hỏi liên quan đến hạ tầng nông thôn tại vùng hồ Ba Bể. Ảnh: Chiến Hoàng.

Về hạ tầng giao thông nông thôn tại hồ Ba Bể, ông Lê Quốc Trung - Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, đường từ bến xuồng phục vụ người dân tại hồ Ba Bể, từ bờ Bắc đến bờ Nam theo kiến nghị của người dân là hoàn toàn đúng.

"Tôi sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cấp kinh phí để có giải pháp thông qua việc bổ sung ngân sách thực hiện. Đối với đường nông thôn tại thôn Khuổi Pết, Cốc Muồi của xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể) đã nằm trong danh mục nên sẽ được đầu tư, còn đường tại thôn Phja Khao của xã này chưa có trong danh mục nên cần phải khảo sát để cân đối" - ông Trung cho biết thêm.

Liên quan đến 9 thôn ở Phúc Lộc (huyện Ba Bể) chưa có điện lưới quốc gia, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 3.500 hộ chưa có điện lưới quốc gia. 

Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được 9 trạm biến áp, trong đó có 20.598km đường dây… tuy nhiên năm 2020 chưa được cấp vốn thực hiện.

Hội nghị Chủ tịch đối thoại với nông dân tại Bắc Kạn: Thẳng thắn, chất lượng và cởi mở - Ảnh 6.

Ông Hà Sỹ Côn (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn trao đổi với người nông dân liên quan đến nội dung vay vốn Ngân hàng Chính sách. Ảnh: Chiến Hoàng

Với kiến nghị kéo dài thời hạn cho vay đối với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Kạn thông tin, để đảm bảo nguồn vốn của Trung ương được quay vòng hiệu quả, thời hạn vay hiện nay là 120 tháng, đã được tăng hơn 60 tháng so với mức cũ.

Ngoài ra, theo các đại biểu nông dân, hiện nay nguồn vốn thực hiện các công trình, các dự án hỗ trợ sản xuất phân bổ rất chậm. Do đó, các đại biểu nông dân đã thẳng thắn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện các hạng mục đầu tư đúng tiến độ đề ra.

Tất cả những băn khoăn, kiến nghị của nông dân tại hội nghị đều được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Bắc Kạn giải đáp và tiếp thu để cùng bàn giải pháp tháo gỡ.

Ông Triệu Kiềm Quấy (thôn Khuổi Làng, xã An Thắng, huyện Pác Nặm) chia sẻ: "Tôi thấy chương trình đối thoại rất chất lượng bởi nông dân được trực tiếp đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh, lại có cả lãnh đạo các Sở, ban, ngành để cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân."

Hội nghị Chủ tịch đối thoại với nông dân tại Bắc Kạn: Thẳng thắn, chất lượng và cởi mở - Ảnh 7.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn trao đổi với phóng viên về hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đối thoại với nông dân. Ảnh: Chiến Hoàng

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân là việc làm rất cần thiết.

"Đây là nội dung đặc biệt quan trọng. Với định hướng phát triển nông nghiệp hiện nay, đến năm 2025 và tầm nhìn xa hơn nữa, tỉnh Bắc Kạn đã xác định khá cụ thể, rõ nét. Bước đầu tỉnh Bắc Kạn đã đi đúng và đạt những thành quả nhất định trong định hướng phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa.

Để nông dân tiếp tục sản xuất, phát triển hàng hóa tốt hơn, đạt được hiệu quả đúng theo định hướng mà tỉnh đã đề ra trong các chủ trương, chính sách lớn, việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay là rất cần thiết. Phải có hệ thống những giải pháp của từng ngành sát với yêu cầu thực tiễn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân", bà Hoa nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem