Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đảm nhận thêm nhiệm vụ

PV Thứ bảy, ngày 11/02/2023 18:18 PM (GMT+7)
Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố.
Bình luận 0

Theo Quyết định số 4479-QĐ/TU ngày 9/2/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố, ông Trần Sỹ Thanh là Trưởng Ban; 2 Phó trưởng Ban là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn (ông Tuấn là Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo).

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đảm nhận thêm nhiệm vụ  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố. Ảnh Báo Hà Nội mới

Thành viên Ban Chỉ đạo còn có lãnh đạo một số ban Đảng Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; giám đốc, thủ trưởng sở, ban, ngành thuộc thành phố Hà Nội: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội; các cán bộ là Bí thư quận ủy, huyện ủy và chủ tịch UBND các quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 triển khai Nghị quyết 56 của Quốc hội.

Dự án gồm 7 dự án thành phần, với 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2 km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.

Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng (Hà Nội 23.524 tỷ đồng, Hưng Yên 1.505 tỷ đồng, Bắc Ninh: 3.164 tỷ đồng); vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Các cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền gồm UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh.

Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem