Vì 1 câu dặn dò của cô giáo, bố quyết không cho con thi vào ngôi trường nổi tiếng

Tào Nga Thứ sáu, ngày 15/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Mặc dù đây là ngôi trường mà khi con vào học phụ huynh chỉ việc "kê cao gối mà ngủ", tuy nhiên, ông bố này lại quyết định không cho con thi.
Bình luận 0

Trần Mỹ Linh, sinh năm 1955, là một ca sĩ nổi tiếng người Nhật gốc Hong Kong. Tuy nhiên, khi đang đỉnh cao sự nghiệp, cô quyết định từ bỏ theo lời dạy dỗ của cha: "Tri thức mới là tài sản mà người khác không thể cướp đoạt được". Dựa vào khả năng của mình, cô theo học ngành Quốc tế học tại trường đại học Sophia, Nhật Bản và năm 1975 theo học chuyên ngành Tâm lý học trẻ em và Xã hội, Trường Đại học Toronto, Canada.

Năm 1985, cô kết hôn và sinh con đầu lòng Arthur (Kim Tử Hòa Bình). Năm 1989, cô tới Mỹ theo học chương trình tiến sĩ Giáo dục học của Trường Đại học Stanford. Trong thời gian du học, cô sinh người con thứ 2 là Alex (Kim Tử Thăng Bình) rồi trở thành Tiến sĩ Giáo dục học. Năm 1996, cô sinh con trai thứ 3 là Apollo (Kim Tử Hiệp Bình) và tiếp nối anh cả, anh hai, con trai thứ 3 của cô đã được nhận vào trường danh giá - Đại học Stanford.

Mặc dù giỏi giang, có định hướng rõ ràng cho việc học của 3 con, tuy nhiên, Trần Mỹ Linh khẳng định: Việc dạy con, giáo dục con cần tốn nhiều sức lực, không thể thiếu được việc hợp tác giữa hai vợ chồng. Để khẳng định điều này, nữ tiến sĩ Giáo dục học đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Vì 1 câu dặn dò của cô giáo, ông bố quyết không cho con thi vào ngôi trường nổi tiếng - Ảnh 1.

Vợ chồng cô Trần Mỹ Linh và 3 con trai. Ảnh: Hồi ký 50 bài học giáo dục

Không cho con học trường nổi tiếng chỉ vì 1 câu nói

"Trong gia đình tôi, chồng tôi nói với tôi “Cho dù giữa hai chúng ta có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng về chuyện giáo dục sau cùng vẫn do em quyết định”. Mặc dù anh ấy thường xuyên nói: “Bởi vì anh không quan tâm tới giáo dục như em”, nhưng bây giờ nghĩ lại anh ấy luôn đưa ra ý kiến rất tuyệt vời vào thời khắc quan trọng. Từ kết quả tôi thấy, dường như cũng áp dụng phần lớn những ý kiến anh ấy đưa ra.

Học xong chương trình tiến sĩ của Đại học Stanford, tôi về Nhật Bản vừa viết luận văn vừa từ từ quay lại công việc. Năm đó là năm 1992, đang cần phải quyết định xem con trai lớn của tôi học trường cấp một nào. Tôi luôn quan tâm tới một trường cấp một tư thục nổi tiếng ở Tokyo. Trường cấp một này có thể tự động học lên thẳng đại học, chỉ cần có thể nhập học thì phụ huynh có thể kê cao gối mà ngủ. Khi ấy tôi đã nhận được không ít lời khuyên về thi cử từ các mẹ có kinh nghiệm đi trước.

Nhưng một hôm chồng tôi tham gia xong buổi giới thiệu của trường cấp một này về đột nhiên nói với tôi: “Mẹ nó này, chúng ta bỏ thi đi”. Hóa ra trong buổi giới thiệu giáo viên có nói thế này: “Do người tham gia thi rất đông, hãy đảm bảo ngày thi con bạn không được bị cảm. Hôm đó là ngày có thể ảnh hưởng tới cả đời, trách nhiệm của phụ huynh là hãy đưa con em khỏe mạnh đến nhé”.

Chồng tôi rất giận dữ: “Trẻ con bị cảm chẳng phải là chuyện bình thường sao? Nói những lời như vậy chứng tỏ họ không hề suy nghĩ cho trẻ. Nơi ấy không đến cũng được”. Nghe anh ấy nói xong tôi mới tỉnh ngộ, cho con học trường nổi tiếng có lẽ chỉ là do thói hư vinh của cha mẹ mà thôi. Tôi cảm thấy xấu hổ khi bản thân cũng chạy theo số đông chỉ vì muốn theo đuổi “trường nổi tiếng thế giới”.

Ngoài ra còn một ngôi trường quốc tế tôi rất ưng ý, tôi cảm thấy đưa con vào học ở đây cũng được. Nhưng ngôi trường quốc tế này lúc đó chưa nhận được chứng nhận của bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Có nghĩa là cho dù con bạn tốt nghiệp ở trường này cũng không thể nào đảm bảo có thể được vào trường đại học ở Nhật Bản. Cho dù như vậy, vợ chồng tôi vẫn cùng nhau tới buổi giới thiệu.

“Hôm thi, nếu con bạn bị cảm hãy lập tức thông báo cho chúng tôi, nhà trường sẽ sắp xếp thời gian thi khác. Nhà trường muốn nhìn thấy trạng thái tốt nhất của trẻ, vì vậy xin đừng miễn cưỡng con cái mình”. Lần này chúng tôi nghe được những lời như vậy từ giáo viên. Giây phút ấy tôi đưa mắt nhìn chồng, chúng tôi cùng gật đầu, quyết định “lựa chọn nơi này”. Chúng tôi đều cảm thấy ngôi trường có thể suy nghĩ sự việc từ góc độ của trẻ sẽ tốt hơn. Ngôi trường này chính là “trường quốc tế Nishimachi”.

Vì 1 câu dặn dò của cô giáo, ông bố quyết không cho con thi vào ngôi trường nổi tiếng - Ảnh 2.

3 con trai đều được nhận vào ngôi trường danh giá nhất nước Mỹ - Đại học Stanford. Ảnh: Hồi ký 50 bài học giáo dục

Sự cần thiết của bố và mẹ trong giáo dục con

Sau khi con vào học tại trường quốc tế Nishimachi, tôi dặn dò chồng, hi vọng anh cố gắng tham gia tất cả các hoạt động của trường. Hơn nữa, tôi có khó khăn, mơ hồ gì nhất định sẽ cùng chồng bàn bạc giải quyết.

Việc dạy con, giáo dục con cần tốn nhiều sức lực, không thể thiếu được việc hợp tác giữa hai vợ chồng. Khi con trai lớn nói muốn đi Mỹ học cấp ba hay quyết định lựa chọn Stanford, chồng tôi đều đưa ra những lời khuyên chân thành cho tôi và các con. Cho trẻ vào học trường như thế nào là một việc lớn có thể ảnh hưởng tới cả đời của chúng. Vì vậy phải dự liệu tương lai, đưa ra lựa chọn sáng suốt.

Có bạn sẽ nói “Chồng tôi không giúp đỡ như thế này đâu”. Nhưng điều tôi muốn nói là, trên đời này chẳng có người cha nào không thương yêu con mình. Cho dù ý kiến của hai người khác nhau, bỏ ra chút thời gian từ từ trao đổi với nhau, điều này rất quan trọng. Phương châm giáo dục và các vấn đề có liên quan tới việc học lên, hai vợ chồng cần thường xuyên thảo luận, đạt được tiếng nói chung, đây là điều cơ bản nhất.

Giống như ngạn ngữ “Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà”, để cải thiện môi trường giáo dục của con có lúc buộc phải có ý thức chuyển nhà. Khi cần đưa ra quyết định quan trọng hai vợ chồng phải thương lượng với nhau, đây là điều quan trọng nhất".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem