Chợ đào ấm trong sương giá

Ghi chép: Xuân Trường Thứ tư, ngày 11/01/2023 09:02 AM (GMT+7)
Những người Mông ở vùng núi Hang Kia – Pà Cò mỗi năm có thêm một tháng làm việc ngay sau cái Tết truyền thống của họ để kiếm khoản tiền mua giống, mua phân chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Bình luận 0

Người Mông ở vùng Hang Kia – Pà Cò (huyện Mai Châu – Hòa Bình) đón Tết sớm hơn Tết Nguyên đán chừng 1 tháng. 

Nếu xưa kia, tháng sau Tết đích thực là tháng ăn chơi thì hơn chục năm nay, đồng bào người dân tộc Mông đã biết đi bán đào cho các thành phố dưới xuôi để có thêm thu nhập. Cả đoạn đường trên quốc lộ 6 dài hàng cây số ở Co Chàm (huyện Vân Hồ - Sơn La) bỗng dưng trở thành cái chợ bán đào. 

Chợ đào ấm trong sương giá - Ảnh 1.

Phàng A Dương cùng cành đào giá hai trăm ngàn cũng "đủ ấm".

Đang là dịp lạnh nhất trong năm, sương giá mù mịt, nhưng kệ, những đôi chân người Mông vẫn băng rừng, vượt núi hớn hở đưa đào rừng về phố. 

Những cành đào đặc biệt, cằn cỗi, với rêu mốc phủ dày khiến ta nhìn cành đào thấy bồng bềnh núi chập trùng mây, thấy nắng lửa mưa dầm, thấy sương sa tuyết phủ. Và khi bông hoa đào bật ra, đích thực là thời khắc: Đông tàn - Xuân tới.

Những ngày Đông... ấm lắm.

Mùng Ba Tết của người Mông, Phàng A Dương đã rời nhà đi gom đào. Năm qua, vợ chồng Dương làm được ngôi nhà mới, còn nợ hơn trăm triệu, rút ngắn ngày chơi Xuân, ngày uống rượu, vợ con sẽ có thêm đồng tiền, trả bớt được nợ.

Cách buôn bán của Dương đơn giản: mua đào, tính công chuyển về đến khu chợ… thế là thành giá bán. Chỉ vào cành đào trên vai hỏi Dương giá: "Dạ, hai trăm ngàn…". Hai trăm ngàn cho một cành đào to bằng bắp chân người lớn, đầy rêu mốc. 

Tôi phải hỏi lại: Sao chỉ là Hai trăm ngàn?

Dương bảo: "Em mua trăm ba, cõng nó mất gần một giờ, bán hai trăm, có… lãi lắm rồi".

Hỏi Dương, là lãi hay là công? Chàng thanh niên khá đẹp trai cười: "Thế nào cũng được, mỗi ngày kiếm ba trăm đến năm trăm ngàn đồng là ấm lắm".

Cái từ " ấm lắm" được Dương nhấn mạnh cùng đôi mắt lấp lánh cười. 

Ừ, ấm lắm, dù trời đang rất lạnh, bởi con của Dương sẽ có thêm hộp sữa, ít ngày nữa sẽ có tiền mua giống ngô, phân bón…

Chợ đào ấm trong sương giá - Ảnh 2.

Một góc chợ đào Co Chàm.

Hậu Covid, việc làm ở các thành phố ít hẳn, thanh niên ở bản mất hẳn nguồn thu đợt trong năm, dịp này cố đi làm vụ đào Tết gỡ lại. Vụ đào này mà thất thu thì chắc tháng Hai, tháng Ba sẽ đói. Năm nay lại nhuận hai tháng Hai. Bản Xà Lính xã Pà Cò của Dương có hai trăm nóc nhà dịp này cũng có đến hơn hai trăm người đi bán đào, hay nói đúng hơn làm phu đào. Cố để có những ngày đầu năm ấm hơn trong mỗi ngôi nhà.

Vụ mùa mới và tháng… thêm.

Chợ đào ấm trong sương giá - Ảnh 3.

Những quả đào trồng trên nương đã không còn được thị trường ưa chuộng.

Cây đào hay nói đúng hơn đào trồng trên nương của người Mông ở Hang Kia – Pà Cò đã có từ lâu đời. Xưa người ta trồng lấy quả cho trẻ ăn, rồi bán quả. Nhưng quả đào rừng nhiều năm trở lại đây lại không được thị trường ưa chuộng. Và thế là, quả đào trên nương trở lại… cho lũ trẻ.

Người già bảo: Có chợ đào, người Mông mình mỗi năm có thêm một tháng. Cái tháng nằm giữa Tết của người Mông và Tết Nguyên đán, trước đây là thời gian đi chơi, uống rượu bên bếp lửa…

Ăn nhiều, như dưới xuôi mình có câu: Tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc. Tháng ấy, nay bao ngô bao thóc không vơi đi mà đầy thêm, bớt cảnh chạy vạy ngược xuôi lo tiền mua ngô giống, phân bón cho vụ trồng mùa Xuân. Đúng là thêm một tháng làm ăn thật.

Cây đào lại được trồng trở lại. Nhà nhiều vài trăm cây, nhà ít cũng vài chục cây. Những cây đào rải rác trên bờ đường vách núi ấy cho thu nhập không kém nương ngô. 

Chợ đào ấm trong sương giá - Ảnh 4.

Đào lên xe về phố.

Người Mông trên vùng núi này có thêm vụ mùa mới: Vụ đào Tết.

Ông Phàng A Sua, bản Chà Đáy xã Pà Cò trước trồng chè, xen ít đào, 300 cây đào (trồng gần mười năm tuổi), mỗi năm bán cành cũng thu đến 50 triệu… hơn nhiều tiền bán chè. Ông Sua biết cách ghép cành để đào ra nhiều nụ, to đẹp. Từng bước, chậm thôi, nhưng chắc, trồng đào lấy hoa đang thành một nghề trên vùng núi cao Hang Kia – Pà Cò.

Chợ đào ấm trong sương giá - Ảnh 5.

Những cành đào được bó cẩn thận trước khi chuyển tới tay người mua.

Hỏi những người bán đào mong ước điều gì: Họ mong có nhiều người mua và mong… các cơ quan chức năng đừng "biến" cây đào trồng của họ thành "của rừng" như năm nào. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem