Chính thức đóng cổng đăng ký với hơn 3 triệu nguyện vọng, dự đoán điểm chuẩn năm 2022

Tào Nga Thứ bảy, ngày 20/08/2022 21:21 PM (GMT+7)
Đúng 17h ngày 20/8, Hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT khóa chức năng đăng ký xét tuyển với hơn 3 triệu nguyện vọng.
Bình luận 0

Hơn 3 triệu nguyện vọng được đăng ký

Đúng theo kế hoạch của Bộ GDĐT, 17h ngày hôm nay (18/8), hệ thống tuyển sinh đã khóa chức năng đăng ký xét tuyển và thí sinh không còn cơ hội đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng. Thống kê cho thấy, sau 1 tháng mở cổng, tổng hợp dữ liệu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT như sau:

Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển: 941.759.

Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng: 616.522.

Tổng số lượng nguyện vọng: 3.098.730.

Số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh: 5.03.

Như vậy, thí sinh nhập nguyện vọng so với tổng thí sinh đăng ký xét tuyển chênh lệch nhau hơn 300.000 thí sinh. 

Sắp đóng cổng đăng ký, nhiều thí sinh "quay xe" nguyện vọng vào trường yêu thích vì học phí tăng - Ảnh 1.

Nhiều thí sinh đắn đo lựa chọn nguyện vọng. Ảnh minh họa: Phạm Hưng

Trong số những thí sinh đăng ký nguyện vọng, nhiều em cho biết sở dĩ đăng ký muộn và phút cuối đã phải "quay xe" vì chuyện học phí.

Em Nguyễn Hà Vy, cựu học sinh lớp 12, Trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết, em đăng ký nhiều nguyện vọng ở các trường khối Kinh tế ở Hà Nội và phải loại những trường có học phí quá cao. "Học phí là vấn đề rất quan trọng ngang với việc em thích ngành nghề nào hay trường nào. Học phí quá cao, với điều kiện gia đình thì có thể em sẽ phải thay đổi nguyện vọng của mình để chọn một trường mức học phí thấp hơn dù cho không được học ngành mình thích nhất nữa. 

Học phí cao có thể làm cho nhiều thí sinh như em mất đi cơ hội học ngành mình yêu thích, thậm chí không được đi học. Em mong nhà nước sẽ quan tâm và hỗ trợ để mức học phí được giảm cho chúng em được có cơ hội học tập và điều kiện sống thoải mái hơn".

Em Nguyễn Thương Huyền, cựu học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội bày tỏ: "Em rất quan tâm đến học phí và em đã thay đổi nguyện vọng vì trường mong muốn có học phí cao. Dù nguyện vọng có thay đổi nhưng cũng vì vậy mà em suy nghĩ nhiều hơn, không phải chỉ cần đam mê là được và cũng may mắn vì có thời gian suy nghĩ và thay đổi".

Cùng chung tâm trạng, em Lại Trà My, cựu học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho hay: "Em đăng ký 6 nguyện vọng. Mới ban đầu chọn trường em không quan tâm đến học phí, nhưng sau này em mới biết tất cả các trường em chọn có học phí như nhau nên cũng có chút cân nhắc. Nếu học phí cao (trên 40 triệu đồng/năm) em sẽ suy nghĩ lại về vấn đề chọn trường".

Dự đoán điểm chuẩn năm 2022

Liên quan đến đăng ký nguyện vọng đại học, trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Lê Đình Nam, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: "Khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng ưu tiên theo mức độ yêu thích. Để đảm bảo an toàn và tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên căn cứ vào mức điểm chuẩn 2 năm gần nhất, đặc biệt là năm 2021 cũng như mức điểm đạt được của bản thân để lựa chọn các nguyện vọng".

Chính thức đóng cổng đăng ký với hơn 3 triệu nguyện vọng, dự đoán điểm chuẩn năm 2022 - Ảnh 2.

Dự báo điểm chuẩn một số ngành tăng nhẹ. Ảnh: Phạm Hưng

TS Nam cũng chia sẻ thêm: "Năm nay dù Bộ GDDT cũng như các trường đã hướng dẫn khá nhiều về quy chế tuyển sinh nhưng đa phần thí sinh vẫn chưa hiểu hết. Với quy định như hiện nay, để trúng tuyển vào một ngành, thí sinh có thể lựa chọn nhiều phương thức khác nhau. Nếu có thể đáp ứng được tất cả các phương thức xét tuyển trong 1 ngành thì thí sinh nên đăng ký tối đa các phương thức để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành yêu thích. Có em đáp ứng được yêu cầu 3/5 phương thức, nhưng lại nghĩ rằng phương thức này khả năng trúng tuyển không cao mà bỏ qua, chỉ đăng ký 1 phương thức duy nhất, đây là tư duy hoàn toàn sai, khi có nhiều cánh cửa lựa chọn thì các em nên tối đa hóa khả năng trúng tuyển vào ngành đó.

Theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng và điều chỉnh trong 1 đợt. Các em không cần đăng ký quá nhiều, nhưng nếu chưa chắc chắn, mới chỉ ở mức 50 -50 thì nên đăng ký thêm nguyện vọng để an toàn hơn. Một thí sinh đăng ký đến 30-50 nguyện vọng là bình thường, không có gì ngại. Năm nay tôi được biết đã có thí sinh đăng ký đến 99 nguyện vọng", TS Lê Đình Nam cho biết.

TS Nam dự đoán, điểm chuẩn năm nay và năm ngoái thay đổi không nhiều, nhìn chung có một số ngành có thể tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ, nhưng không có nhiều đột biến.

PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho hay: "Dự kiến điểm chuẩn các trường năm nay sẽ biến động chủ yếu của các khối ngành hot như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Kỹ thuật điều khiển tự động với mức điểm có thể tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm. Các khối ngành khác không biến động nhiều hoặc có thể bằng năm trước".

Bộ GDĐT lưu ý, từ ngày 21/8 đến 17h ngày 28/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đối với các nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (đối với các nguyện vọng theo phương thức xét tuyển khác, thí sinh thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo).

Trước 17h ngày 30/9, tất cả thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống.

Bộ GDĐT đặc biệt lưu ý tới các cơ sở đào tạo: Không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 30/9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem