Cắt giảm sản lượng iPhone, cổ phiếu Apple vẫn tăng kỷ lục

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 30/03/2022 13:00 PM (GMT+7)
Apple cắt giảm sản lượng iPhone, AirPods trong bối cảnh chiến sự Ukraine bất ổn. Và đơn đặt hàng thấp hơn cho các nhà cung cấp của Apple là dấu hiệu ban đầu của áp lực đối với ngành công nghệ.
Bình luận 0

Apple có kế hoạch sản xuất ít hơn khoảng 20% số iPhone SE trong quý tới so với kế hoạch ban đầu, trong một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cuộc chiến sự Ukraine và thực trạng lạm phát đang rình rập đã bắt đầu làm suy giảm nhu cầu điện tử của người tiêu dùng, tờ Nikkei Asia dẫn tin.

Apple ra mắt iPhone SE là điện thoại giá rẻ có mạng 5G đầu tiên của mình cách đây chưa đầy ba tuần nhưng hiện nhà "Táo Khuyết" đang nói với nhiều nhà cung cấp rằng, họ đặt mục tiêu giảm đơn đặt hàng sản xuất khoảng 2 triệu đến 3 triệu chiếc  iPhone SE trong quý tới, do nhu cầu yếu hơn dự kiến. Không chỉ dừng tại đó, gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng giảm hơn 10 triệu đơn đặt hàng tai nghe AirPods cho cả năm 2022, do công ty dự đoán nhu cầu thấp và muốn giảm lượng hàng tồn kho.

Được biết, dữ liệu của Counterpoint Research cho thấy, công ty đã xuất xưởng khoảng 76,8 triệu chiếc AirPods vào năm 2021, nhưng những người am hiểu tình hình cho biết, tổng lượng xuất xưởng cho năm 2022 có thể sẽ giảm mạnh. Apple cũng yêu cầu các nhà cung cấp sản xuất ít hơn vài triệu chiếc trong toàn bộ dòng iPhone 13 so với kế hoạch trước đó, nhưng cho biết sự điều chỉnh này dựa trên nhu cầu theo mùa.

Báo cáo cho biết, công ty có kế hoạch sản xuất ít hơn 20% số iPhone SE - tức khoảng 2 triệu đến 3 triệu chiếc trong quý tới so với kế hoạch ban đầu. Apple cũng đã giảm hơn 10 triệu đơn đặt hàng AirPods năm 2022. Ảnh: @AFP.

Báo cáo cho biết, công ty có kế hoạch sản xuất ít hơn 20% số iPhone SE - tức khoảng 2 triệu đến 3 triệu chiếc trong quý tới so với kế hoạch ban đầu. Apple cũng đã giảm hơn 10 triệu đơn đặt hàng AirPods năm 2022. Ảnh: @AFP.

Có thể thấy, những động thái này của Apple nhấn mạnh áp lực ngày càng lớn đối với ngành công nghệ sau khi cuộc chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ, vốn đã làm gia tăng tình trạng thiếu chip kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp từ điện thoại thông minh, PC đến ô tô.

Trong khi đó, nhiều chính phủ, từ Mỹ, EU đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, và chuỗi cung ứng đã bị rung chuyển bởi sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ, năng lượng và nguyên liệu thô. Lạm phát rình rập có nguy cơ làm tăng thêm chi phí sinh hoạt của người dân, và gây ra lo ngại về nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng.


Vào đầu tháng, Apple đã thông báo rằng họ đã ngừng bán hàng tại Nga, sau cuộc xâm lược của Nga vào nước láng giềng Ukraine. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tình hình và liên lạc với các chính phủ liên quan về các hành động mà chúng tôi đang thực hiện", công ty lưu ý vào thời điểm đó. "Chúng tôi tham gia cùng tất cả những người trên khắp thế giới đang kêu gọi hòa bình".

Một số công ty phần cứng tiêu dùng quan trọng khác cũng có hành động tương tự, bao gồm cả đối thủ cạnh tranh chính của Apple, Samsung. Cả hai thương hiệu đều thường xuyên xếp hạng trong năm thị phần điện thoại thông minh hàng đầu của Nga.

Dữ liệu từ IDC cho thấy, gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino, California là nhà sản xuất điện thoại thông minh số 3 ở Nga, với doanh số khoảng 5 triệu chiếc iPhone, chiếm 16% thị phần vào năm ngoái, dữ liệu từ IDC cho thấy. Đây cũng là nhà sản xuất PC số 5 tại thị trường Nga.

Ở một góc độ khác, sự thiếu hụt chip toàn cầu tiếp tục là một yếu tố ở đây, cùng với các vấn đề lạm phát rộng lớn hơn, đã ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Những lo lắng về tài chính này luôn đóng một vai trò quan trọng trong doanh số bán hàng của các sản phẩm như điện thoại thông minh, đôi khi được xếp vào nhóm các giao dịch mua không cần thiết. Ít nhất, nó cũng có tác dụng khiến người dùng bám vào các thiết bị cũ lâu hơn một chút so với những gì họ có thể làm.

Các chuyên gia nhận định, động thái của Apple, công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, nhằm giảm khối lượng sản xuất cho chiếc iPhone mới được giới thiệu có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền đối với các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng khác để cắt giảm đơn đặt hàng sản xuất, và tiêu thụ hàng tồn kho của họ trong bối cảnh thị trường không chắc chắn.

Nhiều tổ chức toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2022 vào tháng 4 do tình hình hỗn loạn ở Ukraine, và rủi ro lạm phát tăng cao ở một số quốc gia. IMF lần cuối ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu 4,4% trong năm nay. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Brady Wang, nhà phân tích công nghệ của Counterpoint Research cho biết thị trường điện thoại thông minh tổng thể đã chứng kiến mức tồn kho cao bất hợp lý và cuối cùng buộc sẽ phải điều chỉnh lại.

Wang nói với Nikkei Asia: "Chúng tôi thấy nhu cầu đối với điện thoại thông minh ở Trung Quốc là khá yếu. Counterpoint đã điều chỉnh giảm quan điểm của mình đối với thị trường điện thoại thông minh cho năm 2022 xuống khoảng 5% mức tăng trưởng, nói rằng cuộc chiến Ukraine đang diễn ra có thể mang lại những bất ổn".

Tin tức về nhu cầu yếu hơn phản ánh dự báo từ các nhà phân tích, khi cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 đang bùng ở các thành phố của Trung Quốc và lạm phát tăng cao do xung đột Ukraine có thể ảnh hưởng đến nhu cầu điện thoại thông minh trong năm nay. Ảnh: @AFP.

Tin tức về nhu cầu yếu hơn phản ánh dự báo từ các nhà phân tích, khi cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 đang bùng ở các thành phố của Trung Quốc và lạm phát tăng cao do xung đột Ukraine có thể ảnh hưởng đến nhu cầu điện thoại thông minh trong năm nay. Ảnh: @AFP.

Apple dự kiến sẽ ra mắt dòng sản phẩm iPhone hoàn toàn mới vào cuối năm nay, nhưng các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để dự báo bất kỳ tác động nào đến dòng sản phẩm sắp tới.

Cổ phiếu Apple vừa đạt được điều gì đó lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ

Cổ phiếu tăng phiên thứ 10 liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2010, bất chấp tác động của báo cáo về việc cắt giảm sản lượng iPhone SE mới nhất.

Hôm thứ 2 ngày 28/3 giá cổ phiếu của Apple đóng cửa ở mức tăng 0,5%. Theo MarketWatch, đó là lần tăng thứ 10 liên tiếp, tương tự với kỷ lục mà công ty Cupertino ghi được vào tháng 10 năm 2010 - năm mà họ ra mắt iPad.

Cũng hơi ngạc nhiên khi đưa ra báo cáo xung quanh nhu cầu đáng thất vọng đối với iPhone SE 3. Apple đã cắt giảm 20% đơn đặt hàng đối với thiết bị cầm tay mới nhất của mình vì nhu cầu không đáp ứng được kỳ vọng. Theo nhà đầu tư Chris Caso của Raymond James, điều đó sẽ không làm phiền các nhà đầu tư của Apple quá nhiều. "Chúng tôi không bao giờ lo lắng quá nhiều về những thay đổi trong sản xuất trong quý tới của Apple", Caso nói với tờ MarketWatch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem