Cần Giờ có gì hấp dẫn mà nhiều người háo hức, muốn đi?

Phúc Minh Thứ tư, ngày 15/09/2021 14:59 PM (GMT+7)
Thông tin huyện Cần Giờ (TP.HCM) dự kiến thí điểm mở tour du lịch đầu tiên vào cuối tháng 9 để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, khiến nhiều người háo hức.
Bình luận 0

Thông tin huyện Cần Giờ (TP.HCM) dự kiến thí điểm mở tour du lịch đầu tiên vào cuối tháng 9 để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, khiến nhiều người háo hức.

Từ trước đến nay, Cần Giờ được xem là một điểm đến đặc biệt, không cách quá xa trung tâm TP.HCM, có thể đi và về trong ngày. Đến đây, du khách vừa cảm nhận được mùi vị biển, vừa đắm mình trong không khí tươi mát của rừng ngập mặn được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Vào Rừng Sác và "vương quốc" khỉ

Trước khi Covid-19 xuất hiện vào năm ngoái, gia đình gồm 4 thành viên của chị Hoài Thương (ngụ quận 8) khá thường xuyên đi Cần Giờ vào mỗi dịp cuối tuần. Men theo quận 7, huyện Nhà Bè, qua phà Bình Khánh là đến địa phận huyện Cần Giờ. Điểm cuối của huyện Cần Giờ cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km.

img
img

Rừng Sác có diện tích 2.215,45ha, khỉ rất dạn dĩ với con người. Ảnh: Llngvyen, Kimkyoungim.

Các gia đình như chị Thương thường chọn ô tô riêng để linh hoạt trong việc di chuyển. Nhiều bạn trẻ thích phượt và khám phá, họ chọn đi xe máy để tận hưởng không khí xanh mát, bạt ngàn một màu xanh mướt của rừng đước hai bên đường.

"Hai bé nhà tôi rất thích các hoạt động liên quan cây cối, tự nhiên mà đường đi Cần Giờ thì rất tuyệt. Lần đầu tiên đi Cần Giờ, gia đình tôi đã tham quan Rừng Sác và Đảo Khỉ. Hoạt động dã ngoại cuối tuần như vậy rất thú vị, các bé học được nhiều điều bổ ích, từ lịch sử đến môi trường tự nhiên. Lâu rồi chưa đi, lần này, chúng tôi sẽ ghé lại", chị Thương nói.

Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, trước đây có tên gọi là Lâm viên Cần Giờ. Toàn khu có diện tích 2.215,45ha, trong đó có 514ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch. Ở đây có đầy đủ các loài và sinh cảnh của một tiểu vùng mang tính đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Trải nghiệm thú vị nhất khi tham quan Rừng Sác là ngồi cano, tham quan rừng ngập mặn với hàng nghìn, hàng vạn cây đước. Theo Cổng thông tin điện tử huyện Cần Giờ, nơi đây còn khoanh nuôi được nhiều đàn khỉ với tổng số khoảng hơn 1.000 con, sống hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên và rất dạn với du khách.

Ăn hải sản chợ Hàng Dương

Điểm đến tiếp theo không được bỏ lỡ khi đến Cần Giờ là bãi biển 30/4 và chợ hải sản Hàng Dương. Hai khu vực này gần như liền kề với nhau. Do nằm ở khu vực cửa sông nên biển Cần Giờ không trong xanh như Vũng Tàu nên khu vực chợ hải sản thường đông đúc hơn nhiều so với bãi tắm.

img
img

Hải sản chợ Hàng Dương là điểm đến buộc phải ghé khi tới Cần Giờ. Ảnh: Foodcollectionsmy.

Tại chợ hải sản Hàng Dương, các loại thủy hải sản được đánh bắt và vận chuyển trực tiếp về bán nên còn tươi rói. Có hai hình thức thưởng thức hải sản mà du khách có thể lựa chọn là ăn hải sản đã được chế biến sẵn hoặc tự tay "đi chợ", chọn từng con tôm còn nhảy tanh tách, bạch tuộc, mực còn lội đến ốc biển còn sống để nhờ chế biến.

Anh Bảo Quân (ngụ quận 6) cho hay cuối tuần, nếu có thời gian chỉ một ngày nghỉ, anh và nhóm bạn thường chọn Cần Giờ và chỉ để đi ăn hải sản Hàng Dương.

"Giá bán ở đây khá hợp lý, không quá đắt đỏ, gọi 4-5 kg ốc, mực các loại khoảng 600.000 - 700.000 đồng. Đó là lý do ai đi Cần Giờ cũng ghé vào ăn hải sản Hàng Dương. Ngồi ở biển Hàng Dương, gió biển mát rượi. Chỉ cần thư thả một ngày rồi về lại TP, hôm sau tiếp tục với công việc", anh Quân nhớ về chuyến đi Cần Giờ cuối cùng cách đây cũng đã hơn 1 năm.

Đi chợ Cần Thạnh, ra đảo Thạnh An

Nếu có nhiều thời gian hơn, du khách có thể tiếp tục đi đến cuối huyện Cần Giờ. Men theo con đường có nhiều cánh đồng muối và cuối đường là chợ Cần Thạnh.

Tương tự chợ Hàng Dương, chợ Cần Thạnh cũng bán rất nhiều hải sản, ngoài ra còn có nhiều loại khô đặc sản khác như khô cá dứa, khô mực… Đây đều là những mặt hàng được chọn mua nhiều nhất để về dùng dần cũng như làm quà.

Mở tour du lịch Cần Giờ vào cuối tháng 9: Cần Giờ có gì hấp dẫn? - Ảnh 4.

Cầu cảng tại xã đảo Thạnh An. Ảnh: Phương Nhã.

Cách chợ Cần Thạnh không xa là bến đò để di chuyển ra xã đảo Thạnh An. Thời gian tròng trành trên biển để ra đảo Thạnh An khoảng 1 tiếng đồng hồ/lượt. Bến đò này chạy theo thời gian cố định, chuyến cuối cùng xuất phát vào cuối ngày. Nếu có ý định đi tham quan đảo Thạnh An, du khách phải tham khảo trước lịch trình để chủ động về mặt thời gian.

Xã đảo Thạnh An Thạnh An có địa hình biệt lập cách trung tâm huyện Cần Giờ 8km đường thủy, với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.000ha và được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ. Người dân trên xã đảo chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. 

Rời ghế giảng đường đại học 4 năm nhưng Thiên Tâm (ngụ quận Phú Nhuận) vẫn không thể quên chuyến "ra biển" đầu tiên của mình khi đi tàu sang đảo Thạnh An. Tâm nói đó là chuyến đi thú vị, ngồi trên tàu với người dân xã đảo, ai cũng dân dã và dễ gần. 

Một ngày trên đảo khám phá, anh và nhóm bạn còn được những người dân thân thiện mời dùng cơm trưa, mời ở lại đảo đi thu hoạch hàu. Ở Thạnh An một ngày, Tâm có đủ trải nghiệm của một ngư dân trước khi trở lại cuộc sống thường nhật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem