Cần đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa giao thông cho giới trẻ

PV Chủ nhật, ngày 26/09/2021 19:10 PM (GMT+7)
Theo số liệu thống kê số người chết vì tai nạn giao thông trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi hiện đang ở mức cao. Xây dựng văn hóa tham gia giao thông cho lớp trẻ đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra.
Bình luận 0

Ở khắp nẻo đường, người ta dễ bắt gặp các khẩu ngữ "Giao thông an toàn – Bảo đảm tính mạng!", "An toàn giao thông – hạnh phúc của mọi người, mọi nhà", "An toàn giao thông là không tai nạn", "Hãy chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ", "Hãy đội mũ bảo hiểm để bảo vệ cuộc sống của bạn"… những khẩu hiệu này như lời nhắc nhở, cảnh báo với những người tham gia giao thông.

Hàng ngày, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các tiểu phẩm tuyên truyền an toàn giao thông được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể thấy, các kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn được các cơ quan chức năng đẩy mạnh, tuyên truyền một cách toàn diện. Thế nhưng, hàng ngày, hàng giờ con số tai nạn giao thông diễn ra vẫn ở mức đáng báo động. Theo thống kê, trong nhiều nguyên nhân gây tai nạn, nguyên nhân hàng đầu (chiếm trên 85% số vụ) là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông.

Cụ thể, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, năm 2020, toàn quốc xảy ra 14.977 vụ TNGT, làm chết 6.857 người, bị thương 11.161 người. Trong đó phân tích số liệu chưa đầy đủ của Công an các địa phương về độ tuổi của người bị nạn và người điều khiển phương tiện gây tai nạn cho thấy trong số 10.357 người bị nạn có 974 người dưới 18 tuổi, 3.524 người từ trên 18 đến 30 tuổi; 4.019 người gây tai nạn có 260 người dưới 18 tuổi, 1.460 người từ trên 18 đến 30 tuổi.

Cần đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa giao thông cho giới trẻ - Ảnh 1.

Khẩu hiệu tuyên truyền an toàn giao thông được đặt ở nhiều tuyến đường nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông số liệu người trẻ thương vong trong các vụ tai nạn giao thông là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các lực lượng làm công tác an toàn giao thông. Việc xây dựng văn hóa giao thông là một trong những chìa khóa tháo gỡ nút thắt tai nạn giao thông.

Theo ông Nguyễn Viện- một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh, thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; rồi những thanh thiếu niên đi xe không có biển số, giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, bóp còi inh ỏi hoặc vừa điểu khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại; hay như trường hợp thanh niên đi dàn hàng ngang, đèo ba, đèo bốn, lạng lách, đánh võng trên đường... những trường hợp này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo đó, để hạn chế các vụ tai nạn giao thông do lứa tuổi thanh, thiếu niên gây ra cần tăng cường đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ. "Ngoài việc tuyên truyền đơn thuần, chúng ta cần đề ra những tiêu chí rất cụ thể như thanh niên nếu vi phạm giao thông thì không được kết nạp Đoàn hay hưởng các quyền lợi chính trị khác. Công tác tuyên truyền này nếu chỉ thực hiện trong Tháng an toàn giao thông không đủ mà cần phải làm thường xuyên, bền bỉ và lâu dài…", ông Viện nói.

Cạnh đó, cần đẩy mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, như: Ngày hội đoàn viên, thanh niên với văn hóa giao thông; Tọa đàm an toàn giao thông dưới góc nhìn người trẻ với nhiều tiểu phẩm, ý kiến của đoàn viên, thanh niên về Luật Giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, hậu quả vi phạm trật tự an toàn giao thông…

Ngoài các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ, cần trang bị những kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho thanh, thiếu niên; chỉ đạo các trường học giáo dục toàn thể thanh, thiếu niên ý thức tự giác chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông; tổ chức kiểm điểm các em vi phạm, buộc cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông… Đồng thời, thông qua hệ thống phát thanh học đường, Đoàn Thanh niên các trường cần tích cực phản ánh, phê phán những hiện tượng thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Điều đó sẽ góp phần định hướng cho thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông. Đặc biệt là thường xuyên lập các đội cờ đỏ, đội thanh niên xung kích tham gia phân luồng giao thông, tránh tụ tập, gây ùn tắc giao thông.

Cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ phương tiện, không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe; nhắc nhở con em mình phòng tránh các tình huống giao thông nguy hiểm, tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, kể cả đi bộ; khi đưa đón con cần chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ để làm gương cho trẻ. Phát hiện học sinh vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, các bậc phụ huynh cần thông báo ngay cho nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm biết để kịp thời phối hợp giáo dục.

"TNGT chỉ có thể giảm khi ý thức của mỗi người được nâng lên, mà trong đó thanh, thiếu niên đóng vai trò trước hết và trên hết…", ông Viện cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem