Cán bộ y tế dự phòng: Đối mặt nhiều nguy cơ, ít được quan tâm

Tuấn Kiệt Thứ năm, ngày 28/02/2019 06:15 AM (GMT+7)
Nhận định về đội ngũ cán bộ YTDP, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (YTDP - Bộ Y tế) chia sẻ: “Chúng tôi như những con ong thầm lặng, đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh, vất vả”.
Bình luận 0

Theo ông, vì sao vai trò của cán bộ YTDP còn khá mờ nhạt trong khi đóng góp rất lớn?

- Xưa nay, không ít người đã hiểu nhầm, nhiệm vụ của cán bộ YTDP chỉ là “phòng dịch”, khi có dịch mới có việc. Tuy nhiên, công việc của chúng tôi rất rộng. YTDP phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, phòng chống các bệnh không lây nhiễm (cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường…), chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý người bệnh suốt đời từ khi trong bụng mẹ đến khi già; phòng chống các yếu tố nguy cơ từ thuốc lá, rượu bia; chăm sóc sức khỏe tâm thần…

Chúng tôi phải “dự” báo các yếu tố nguy cơ, có thể “phòng” bệnh chứ không phải đợi đến khi bị đột quỵ mới đi điều trị, lúc tiểu đường nặng mới ngừa… Tuy nhiên, trong khi mảng điều trị có tiền từ BHYT thì YTDP vẫn trông chờ vào đầu tư công. Nhiều địa phương chỉ cấp kinh phí cho dự phòng khi có dịch bệnh xảy ra, mà chưa chú trọng các mảng dự phòng khác.

img

Cán bộ y tế dự phòng Sơn La thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ảnh: Văn Chiến

Ông nói gì về những khó khăn, vất vả mà cán bộ YTDP đang gặp phải?

- Trong khi mảng điều trị khối bệnh viện là “bệnh tìm người” thì bên dự phòng “người phải đi tìm bệnh”, thậm chí dù chưa có bệnh cũng phải đi tìm, do đó công việc vất vả hơn nhiều. Chúng tôi phải đi các vùng xa, vùng sâu, vào từng ngõ ngách, bãi rác, khu sống tạm bợ... để tìm các nguy cơ gây bệnh, tuyên truyền cho bà con. Cán bộ YTDP thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường độc hại, bẩn thỉu, chưa kể đến việc đi lại các nơi khó khăn có thể gặp tai nạn…

Theo PGS - TS Trần Đắc Phu, 72% các ca tử vong ở Việt Nam hiện nay là do các bệnh không lây nhiễm. Do đó, bên cạnh phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh mới nổi, chúng ta phải chú trọng truyền thông, điều chỉnh hành vi, thói quen sinh hoạt, ăn uống của người dân để phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Như vậy, vai trò của YTDP ngày càng phải được chú trọng.

Những công việc của cán bộ YTDP rất thầm lặng, đôi khi không nhìn thấy kết quả ngay. Ví như, hiện tại mọi người không thấy dịch sởi bùng phát là nhờ 5 tháng trước, chúng tôi đã phải dự báo và có các phương án cho tiêm phòng sởi; để ngăn sốt xuất huyết bùng phát, nhân viên đã phải đến từng hộ dân nhắc nhở việc diệt muỗi…

- Với nhiệm vụ nặng nề, nhiều đầu việc như hiện nay, ông có cho rằng đội ngũ cán bộ YTDP sẽ đảm đương được?

Cán bộ YTDP lương thấp, công việc vất vả, nguy hiểm nên nhiều năm qua, khối dự phòng đúng là khó tuyển được nhân viên. Hiện nay có chủ trương sáp nhập 5-7 trung tâm phòng dịch bệnh ở tỉnh thành 1 trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) nên khó có thể thống kê tách bạch được số lượng đội ngũ cán bộ YTDP. Hiện đã có 47 tỉnh sát nhập, thành lập trung tâm CDC. Tuyến huyện sẽ thành lập trung tâm y tế với 2 chức năng: Điều trị và dự phòng. Y tế xã cũng không chỉ điều trị mà còn phải làm tốt công tác quản lý sức khỏe người dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho họ…

Tôi hy vọng việc sát nhập sẽ không chỉ là cơ học lắp ghép các trung tâm lại với nhau và vẫn hoạt động riêng mà sẽ thống nhất nhiệm vụ nâng cao sức khỏe cho người dân về mọi mặt và phân công công việc cho nhuần nhuyễn, rành mạch. Về mặt tài chính, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng xong các gói dịch vụ cơ bản như gói quản lý bệnh tiểu đường, gói quản lý bệnh cao huyết áp… và được cấp kinh phí để cơ sở có thể có cơ chế chi để hoạt động…

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem