Cầm tay chỉ việc, xóa bỏ những thiếu sót “thâm căn”

Lê Kiến Thứ tư, ngày 27/04/2016 08:18 AM (GMT+7)
Chương trình “Hỏi biết trên đồng” một lần nữa đến với Gia Lai, mở ra cầu nối thông tin giữa nhà khoa học, nhà sản xuất gần hơn với nhà nông.
Bình luận 0

Các chuyên gia nông nghiệp, kỹ sư trực tiếp ra đồng cùng người dân “cầm tay chỉ việc”, giải đáp một cách đầy đủ những vấn đề lâu nay bà con nông dân không biết tỏ cùng ai...

Trong cái nắng như thiêu đốt giữa tháng 4, hơn 500 bà con nông dân khắp tỉnh Gia Lai không ngại tiêu tốn một ngày thời gian tưới tiêu cho cây trồng để đến với chương trình “Hỏi biết trên đồng” diễn ra tại thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai), bày tỏ tâm tư cũng như lắng nghe cách chăm sóc cây cà phê. Đây là chương trình truyền hình trực tiếp do Kênh truyền hình Nông nghiệp Nông thôn 3N-VTC16 phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai tổ chức, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho bà con nông dân, hướng đến những mùa vàng bội thu.

Lạm dụng phân bón nhưng hiệu quả chưa cao

Hàng loạt câu hỏi về kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cành; bón phân khi nào, nắng mưa bón ra sao; cách trị bệnh rệp, nấm hại cây, cành; tưới nước chống hạn như thế nào cho hợp lý… được bà con lần lượt đặt câu hỏi với tràn trề hy vọng. Mặc dù nhiều người dân có thâm niên trồng cà phê nhưng cũng không tránh khỏi những sai sót trong quá trình chăm sóc.

Để bà con yên lòng, TS Tôn Nữ Tuấn Nam – nguyên Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Nghiên cứu Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên), thạc sĩ Hà Ngọc Uyển – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai không ít lần ra vườn cùng nông dân “cầm tay chỉ việc” và hướng dẫn, trả lời cụ thể từng thắc mắc.

img

Chuyên gia cùng nông dân ra đồng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất.   Ảnh: L.K

Chia sẻ với bà con nông dân, TS Tôn Nữ Tuấn Nam nói: Theo điều tra của tôi có rất nhiều bà con sử dụng phân bón không hợp lý, lạm dụng phân bón hóa học quá nhiều nhưng hiệu quả vẫn không cao, thậm chí phản tác dụng. Trước mắt là mất tiền, về lâu dài làm cho đất bị chai, hư đất. Để sử dụng hợp lý, nguyên tắc đầu tiên là bón theo năng suất vườn cây, thứ hai là bón theo độ phì nhiêu của vườn cây (qua phân tích mẫu để biết chính xác đất có những thành phần gì, thừa thiếu ra sao để bón phân hợp lý). Ví dụ, đối với vườn cây năng suất trung bình 4 tấn/vụ phải chọn đúng thành phần NPK hỗn hợp, mà công thức cơ bản, cổ điển nhất và khá hợp lý tới thời điểm hiện tại là 16-8-16. Ngoài ra còn có thêm lưu huỳnh 9 hoặc 13S và tùy vào thời điểm mùa khô hay mùa mưa để bón cho hợp lý.

Đối với cắt cây, tỉa cành cần làm cho vườn cây thông thoáng, vừa tránh sâu bệnh, mặt khác tạo thuận lợi nuôi dưỡng các cành ưu tiên, tránh để cây rậm rạp. Ngoài ra, một số giải pháp phun thuốc trừ sâu bệnh, đề phòng cây phát triển theo xu hướng xấu cũng được các chuyên gia tận tình giải thích.

Nông dân Hà Minh Thành, xã Ia Pếch (huyện Ia Grai) hỏi: “Gia Lai vùng đất khá rộng, phân thành Đông Trường sơn và Tây Trường sơn, thời tiết khác nhau, theo đó độ chua trong đất cũng chênh lệnh nhau rất nhiều. Vậy, bón phân như thế nào và loại nào cho hợp lý để hạn chế độ chua trong đất, đồng thời cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây?”. Câu hỏi này đã “gãi đúng chỗ ngứa” của rất nhiều bà con nông dân.

Trả lời vấn đề này, kỹ sư Phạm Đức Thành – Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao giải đáp: “Theo khuyến cáo các nhà khoa học, bón phân cần làm theo 5 đúng: Đúng chủng loại, nhu cầu, đúng liều lượng, đúng thời vụ và đúng phương pháp. Nếu bà con làm được như thế thì có thể an tâm, chờ mùa bội thu”. Đến thời điểm hiện tại Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã có đầy đủ các giải pháp về phân bón để hỗ trợ cho bà con nông dân sản xuất cho hiệu quả, năng suất cao với 3 loại sản phẩm chính, gồm: Supe lân, lân nung chảy và NPK (S: 5.10.3-8, S: 12.5.10-14).

Đối với trường hợp đất bị chua có loại lân nung chảy với thành phần lân chiếm 15-17%, lân này không tan trong nước mà tan trong môi trường axit yếu do rễ cây tiết ra, độ pH 8 rất phù hợp những vùng đất này. Trong đó, có rất nhiều nguyên tố trung lượng như canxi, magie, silic… phù hợp với cây công nghiệp dài ngày. Riêng đối với việc bón phân NPK trên cây cà phê, giai đoạn đầu mới ra quả thì chọn loại hàm lượng lân và đạm cao, khi giai đoạn cây cho quả to thì dùng loại NPK có chứa nhiều đạm, kali… thì sẽ rất hiệu quả với cây trồng.

img

Nông dân Hà Minh Thanh (xã Ia Pếch) đặt câu hỏi. Ảnh: L.K

Bình quân, mỗi một năm Công ty Lâm Thao cung cấp cho miền Trung - Tây Nguyên từ 60.000-80.000 tấn phân bón/năm. Mong muốn của đơn vị là tổ chức được nhiều hơn nữa những chương trình tương tự đến với mọi miền, giúp bà con nông dân sản xuất, phát triển ngày càng bền vững. 

Lâm Thao đồng hành cùng nông dân

Hiện tại Tây Nguyên có gần 600.000ha cà phê cùng hàng trăm ngàn ha cao su, hồ tiêu… là vùng trọng điểm cây công nghiệp có giá trị cao của cả nước. Tuy nhiên, cái thiếu “thâm căn” nhất vẫn là thông tin về kỹ thuật và giải pháp lâu dài có tính bền vững cho người nông dân yên tâm sản suất. Vì thế, việc chương trình “Hỏi biết trên đồng” có mặt trên địa bàn đã nhận được sự mong đợi rất lớn từ hàng triệu nông dân, chờ một giải pháp hữu ích và có được lời giải cho khúc mắc mà bà con gặp phải.

Trao đổi với NTNN, ông Lê Văn Thông – Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) nói: “Không riêng gì Tây Nguyên mà trên khắp cả nước, Lâm Thao luôn mong muốn đồng hành cùng nông dân, luôn mong muốn mang đến các giải pháp, phân bón chất lượng đem đến những mùa vàng bội thu”. Qua 54 năm, phân bón Lâm Thao đã đồng hành cùng nền nông nghiệp và bà con nông dân Việt Nam và đã khẳng định một thương hiệu lớn. Hàng năm, sản lượng mà công ty cung ứng trên cả nước không dưới 1,4 triệu tấn, với 3 loại sản phẩm: Supe lân, lân nung chảy và NPK.

Theo ông Thông, các các mô hình thử nghiệm cho thấy, sử dụng phân bón Lâm Thao mang lại năng suất, sản lượng tăng lên từ 15-20% so với bình thường. Bởi, phân bón Lâm Thao ngoài các thành phần dinh dưỡng đa lượng, còn có các thành phần dinh dưỡng trung lượng, vi lượng đáp ứng nhu cầu của cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng. Đặc biệt, phân bón Lâm Thao rất phù hợp với cà phê vùng miền Trung - Tây Nguyên vì trong thành phần lân dễ tan còn có phân lân chậm tan, phù hợp đối với cây cà phê trong môi trường nắng nóng, hạn nhẹ. 

Năm 2015: Lâm Thao đạt doanh thu tiêu thụ sản phẩm 4.806 tỷ đồng

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vừa chính thức công bố báo cáo thường niên năm 2016. Theo báo cáo này, trong năm 2015, công ty vận hành nhà máy hoạt động an toàn và ổn định, doanh thu tiêu thụ sản phẩm của công ty đạt 4.806 tỷ đồng, hoàn thành 100,35% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 392,5 tỷ đồng, hoàn thành 93,5% kế hoạch năm. 

Trong năm 2015, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng cao quý, sản phẩm phân bón Lâm Thao được Bộ NNPTNT Việt Nam trao tặng giải thưởng "Bông lúa Vàng lần 2", Công ty được tôn vinh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2015"; được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tặng giải thưởng “Doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận cao nhất Tập đoàn Hóa chất Việt Nam năm 2015”. Công ty được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vinh danh “1 trong 30 doanh nghiệp minh bạch nhất năm 2014 - 2015”. Công ty được Diễn đàn Doanh nghiệp với nông thôn mới vinh danh là “1 trong 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam”... 

V.N

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem