Các trường có ngành "nóng" tuyển sinh năm 2022 thế nào?

Thu Thủy Thứ tư, ngày 16/02/2022 07:02 AM (GMT+7)
Năm 2022, bức tranh tuyển sinh các trường “hot” ngành y dược, kinh tế… liệu có biến động so với năm 2021? Và thí sinh nên lưu ý chọn phương thức xét tuyển nào phù hợp để chắc cơ hội trúng tuyển?
Bình luận 0

Mở ngành mới, xét tuyển theo đề án riêng

Trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2022 được một số trường đại học công bố, có thể thấy các ngành y dược vẫn được chú trọng, cả mở mới và chỉ tiêu xét tuyển sẽ tăng.

Các trường “hot” tuyển sinh năm 2022 thế nào? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt ngiêp THPT 2021 tại Hà Nội. Ảnh: P.H

Năm 2022, ngoài các ngành đào tạo đã tuyển sinh năm 2021 gồm Y khoa, Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ Nhãn khoa thì năm tới, nhà tường dự kiến mở thêm ngành Cử nhân phục hồi chức năng. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH Y Hà Nội dự kiến tăng 5% so với năm 2021.

Các phương thức tuyển sinh, về cơ bản sẽ như năm ngoái. Ngoài việc tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với tất cả ngành đào tạo, trường còn sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp đối với ngành Y khoa góp phần tăng năng lực ngoại ngữ của người học.

Qua một cuộc tư vấn, PGS. TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Y Hà Nội cho hay, năm 2022, một số trường đào tạo y dược có xem xét kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM, tuy nhiên, khó sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy ngay trong mùa tuyển sinh 2022 để tuyển sinh.

Trường ĐH Y tế công cộng cũng dự kiến phương án tuyển sinh năm 2022 của trường cho các ngành, các hệ năm 2022 với số chỉ tiêu tăng. Cụ thể, ngành Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tăng 20% so với năm 2021; ngành Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng tăng 10% so với năm ngoái. Năm 2022, trường dự kiến mở thêm mã ngành Khoa học dữ liệu.

Trong khi các trường "hot" khối ngành Sức khỏe không sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực hay kỳ thi tư duy thì 7 trường đại học tại Hà Nội là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thăng Long, Đại học Thủy lợi, đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.

Qua thống kê tổng chỉ tiêu mà các trường xác định, cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021, 90% các thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức: sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác tổng số chưa đến 10%.

Ngoài ra, một trường "hot" đào tạo ngành Kinh tế là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn từ 10-15%, trong khi đó, các năm khác Đại học Kinh tế Quốc dân thường dành khoảng 50-70% chỉ tiêu từ kỳ thi tốt nghiệp. 80-85% chỉ tiêu nhà trường dành cho chỉ tiêu xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường, trong đó có việc sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của hai trường Đại học Quốc gia và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: "Nhà trường đang đi theo khuyến nghị của Bộ GDĐT. Cụ thể, Bộ GDĐT khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung. Chúng tôi quyết định chọn phương án, sử dụng phương thức xét tuyển từ kết quả của kỳ thi đánh giá. 2 năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là kỳ thi THPT quốc gia nữa. Do đó, mục tiêu để tuyển sinh chỉ là thứ yếu".

Tăng cơ hội cho thí sinh nhưng…

Tính đến nay, có khoảng hơn 10 phương thức tuyển sinh đại học được sử dụng trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Các phương thức này khác nhau từ cách tổ hợp môn thi, hình thức xét tuyển, tiêu chí phụ…

Chia sẻ với Dân Việt, một chuyên gia giáo dục cho biết, việc các trường có đề án tuyển sinh riêng đó là quyền tự chủ của các trường và đây là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo, các thí sinh nên xác định đúng ngành mình sẽ chọn chứ không nên "ôm đồm" nhiều trường, thi nhiều đợt trong kỳ tuyển sinh để rồi tốn công sức, tiền bạc vào các lò luyện thi mà chưa biết kết quả ra sao.

"Thêm phương thức cũng là tăng cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, tôi khuyên thật các sĩ tử, ôn thi trong năm Covid cần cân đo, đi đúng hướng, để có cách ôn tập đúng và trúng", vị chuyên gia chia sẻ.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT nhấn mạnh, các trường đại học khi đưa ra những phương thức tuyển sinh cần đảm bảo sự ổn định, tránh việc gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.

Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh, việc xét tuyển thực hiện trên cùng thang đo, trên một mặt bằng chung nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, tăng cường cả chất lượng đào tạo, để xây dựng và khẳng định uy tín của nhà trường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo, các vùng miền, khu vực.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem