Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đang làm gì để ứng phó với hạn mặn năm 2021?

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 16/02/2021 18:57 PM (GMT+7)
Để ứng phó với tình hình hạn mặn được dự báo nghiêm trọng trong mùa khô năm 2021, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đã triển khai các giải pháp.
Bình luận 0

Tại Kiên Giang, nước mặn đã xuất hiện trên sông Cái Bé. Theo đó, độ mặn 4g/l đã xâm nhập sâu 18km. Còn trên sông Cái Lớn, độ mặn 4g/l đã xâm nhập sâu 22km.

Các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm gì để ứng phó với hạn mặn 2021? - Ảnh 1.

Nước mặn đã xuất hiện trên sông Cái Bé (Kiên Giang). Theo đó, độ mặn 4g/l đã xâm nhập sâu 18km

Ngoài ra, theo dự báo về xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, khả năng độ mặn cao nhất sẽ xuất hiện vào đợt triều cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới với độ mặn cao nhất ở mức tương đương mùa khô năm 2015-2016.

Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 cho vận hành cống Cái Bé khi vừa mới xây dựng xong.

Khi cống Cái Bé vận hành, UBND tỉnh Kiên Giang hy vọng sẽ chủ động kiểm soát nguồn xâm nhập mặn và giảm chi phí đắp các đập tạm ven sông Cái Bé để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân năm 2021.

Trong thời gian vận hành cống Cái Bé, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, có phương án vận hành âu thuyền phù hợp tình hình thực tế, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tại Tiền Giang, để ngăn mặn từ sông Tiền xâm nhập vào vùng sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng đập thép tạm trên tuyến kênh xáng Long Định (đi qua 2 xã Song Thuận và xã Bình Đức của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm gì để ứng phó với hạn mặn 2021? - Ảnh 2.

Tiền Giang đã cho xây dựng đập thép tạm trên tuyến kênh xáng Long Định để phục vụ cho việc ngăn mặn từ sông Tiền xâm nhập vào bên trong nội đồng.

Ngoài đập thép tạm ngăn mặn nêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang cũng xây dựng 7 đập ngăn mặn khác trên các tuyến kênh, rạch thông qua tuyến đường huyện 35, gồm Ông Hổ, cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười thuộc địa bàn huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, việc xây dựng 8 đập tạm nêu trên là dựa trên dự báo của các cơ quan chuyên môn là hạn mặn trong mùa khô năm 2021 có thể ở mức xấp xỉ mùa khô 2016.

Ông Trịnh Công Minh - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, việc xây dựng các đập nêu trên nhằm đảm bảo nước tưới cho trên 128.200 ha đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước cấp cho 3 nhà máy nước phục vụ cho khoảng 1,1 triệu người dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Tại Bến Tre, độ mặn đã xâm nhập vào sông Cửa Đại, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên... Thời gian qua, trước dự báo nước mặn tiếp tục xâm nhập, lãnh đạo UBND tỉnh cùng với các ngành chức năng có liên quan đã đi khảo sát một số công trình phòng chống hạn mặn.

Theo đó, tỉnh Bến Tre đã lên phương án đắp đập tạm ở một số nơi để ứng phó diễn biến hạn mặn trong thời gian tới. Đây sẽ là giải pháp trước mắt nhằm tạo nguồn nước ngọt phục vụ cho người dân trong vùng khi hạn mặn xâm nhập sâu. Đồng thời đảm bảo cho các nhà máy nước có nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân.

Được biết, từ cuối tháng 12.2020, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã đề xuất với UBND tỉnh thực hiện đầu tư 5 đập tạm gồm: đập tạm ngăn mặn Ba Lai và đập tạm ngăn mặn Tân Phú trên sông Ba Lai (huyện Châu Thành), đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt khu vực cầu Sơn Phú 2 (ấp 8, xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm); đập tạm trên kênh Bà Muối xã Bình Phú (thành phố Bến Tre) và đoạn đê cặp kênh Bà Muối dọc sông Hàm Luông, đập tạm Bến Bè, nạo vét các kênh dẫn nước từ sông Cái Hàn đến cống Sa Kê; công trình xây dựng hồ chứa nước ngọt cặp kênh 9A (xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri).

Tại Trà Vinh, phần lớn các thống cống đập ngăn mặn trữ ngọt đã được ngành chức năng chủ động vận hành nên nước mặn chưa lấn sâu được vào nội đồng.

Theo kế hoạch, sau Tết Nguyên đán, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh sẽ bắt tay ngay vào việc khảo sát một số điểm ở các địa phương như Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải để đầu tư hệ thống trạm bơm trữ nước phục vụ nước tưới cho vùng đất gò cao.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh, phần lớn các "điểm nóng" vùng nông thôn trong các đợt hạn, mặn đã được lắp đặt các tuyến ống cấp nước, hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt và giếng khoan.

Được biết, các địa phương được ưu tiên hỗ trợ là các huyện như Càng Long, Châu Thành, huyện Cầu Ngang, Cầu Kè và Tiểu Cần.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh cũng có kế hoạch dự phòng, nếu có phát sinh "điểm nóng" về thiếu hụt nước trong mùa khô 2021, đơn vị này sẽ giải pháp kịp thời cung cấp nước cho hộ dân...

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo trong tháng 2.2021, dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công về ĐBSCL có khả năng ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn có khả năng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề nghị các địa phương ĐBSCL khẩn trương gia tăng việc lấy ngọt, chủ động ứng phó khi mặn tăng cao như dự báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem