Các mức tăng lương công chức, lương hưu, lương công nhân lao động cụ thể từ 1/7/2024

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 08/03/2024 19:00 PM (GMT+7)
Kể từ ngày 1/7/2024, cải cách tiền lương sẽ đồng loạt được thực hiện ở tất cả các khu vực. Không chỉ tiền lương của công chức, viên chức, công nhân, lao động mà tiền lương của nhóm nghỉ hưu, tiền trợ cấp xã hội cũng sẽ tăng lên.
Bình luận 0

Khi cải cách tiền lương, mức tiền lương trung bình của công chức, viên chức cũng sẽ tăng từ 2,34 lên hệ số 2,68. Cụ thể mức tăng như sau:

Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30%

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, trong chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số lương 1 - 2,34 – 10 của hiện nay lên thành 1 - 2,68 - 12.

Với việc mở rộng quan hệ tiền lương này thì mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao (so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay).

cải cách tiền lương

Tiền lương công chức, viên chức có thể tăng tới 30% so với mức lương hiện nay khi cải cách tiền lương. Ảnh: N.T

Đồng thời, mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm với hệ số 2,68 (cao hơn so với hệ số 2,34 hiện nay). Được biết với hệ số 2,34 thì công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.

Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương Bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên hệ số 12. Do đó, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến sẽ cao hơn (so với con số 18 triệu đồng hiện nay). Như vậy mức lương cao nhất có thể lên tới gần 30 triệu đồng/tháng.

Như vậy, từ ngày 1/7/2024 tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30%. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc,…

Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH 8%?

Bên cạnh việc cải cách tiền lương công chức thì tại nghị quyết cũng đề cập đến việc tăng lương hưu, trợ cấp BHXH.

Nghị quyết số 27 của Trung ương cũng đề cập tới việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Với việc tăng lương hưu khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu 8%. Nhưng theo đại diện Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng lương hưu cần tăng ít nhất 15%.

Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa chốt được mức tăng lương hưu và trợ cấp xã hội. Dự kiến phải tới tháng 5/2024 Bộ LĐTBXH trình nghị định về tăng lương hưu.

Tăng lương tối thiểu vùng 6%?

Song song với việc cải cách tiền lương trong các khu vực khác thì tiền lương trong khu vực doanh nghiệp cũng được cải cách. Cụ thể từ ngày 20/12/2023 Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng là từ ngày 1/7/2024.

Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, thì tiền lương tối thiểu sẽ tăng thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng.

Đối với mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ ngày 1/7/2024. Cụ thể, vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.

Chưa công bố thang bảng lương theo vị trí việc làm của công chức, viên chức ở khu vực công

Hiện nay xuất hiện một số thang bảng lương của công chức ở khu vực công trên mạng, tuy nhiên đây chưa phải là thang bảng lương chính thức được Bộ Nội vụ công bố.

Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng: Việc công khai thang, bảng lương là không cần thiết. Cần phải chờ Bộ Nội vụ thiết kế và chờ cả tổng nguồn chi của ngân sách.

"Tuy nhiên, vị trí việc làm gắn với tiền lương cần được công khai trước ngày 31/3 vì điều này gắn trực tiếp với cải cách tiền lương. Phải công khai để công chức, viên chức, người lao động còn tìm hiểu, từ đó có cơ sở phân tích, đóng góp ý kiến hoàn thiện vị trí việc làm. Xem vị trí việc làm đó có phù hợp với năng lực, khả năng không, có khả năng hoàn thành công việc theo vị trí việc làm đó không, tiền lương gắn với vị trí việc làm đó đã phù hợp chưa?...", ông Lợi phân tích.

Cải cách tiền lương

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần công khai vị trí việc làm để người lao động góp ý. Ảnh: N.T

Để các bộ ngành hoàn thành vị trí việc làm theo từng đơn vị và công khai đúng thời gian, Bộ Nội vụ phải hướng dẫn về chuyên môn, đưa ra các tiêu chí cụ thể để lao động làm theo.

Nói thêm về thang bảng lương, ông Lợi cho rằng công khai quá đôi khi cũng chưa hẳn tốt. Bởi vì để làm thang bảng lương, cần có tiêu chuẩn, căn cứ và căn cứ cả vào chất lượng nguồn nhân lực để làm.

"Thang bảng lương được xếp thế nào còn liên quan tới mong muốn của Chính phủ muốn tốc độ tăng tiền lương bao nhiêu. Cải cách tiền lương cũng phải dựa trên: Mức lương tối thiểu thế nào, bội số lương tối đa ra sao, rồi mức lương tối đa bao nhiêu... và rất nhiều các yếu tố khác nữa", ông Lợi nói

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem