Bắt vô số cá chép ruộng lúa ở Hà Giang, con nào cũng tươi roi rói, bé thôi mà nhiều người muốn mua

Thứ tư, ngày 12/10/2022 14:10 PM (GMT+7)
Tận dụng thời gian trồng lúa mùa để thả cá chép vào ruộng lúa để nuôi đáp ứng nhu cầu thực phẩm là phương thức sản xuất lâu đời của nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Bình luận 0

Nuôi cá chép trong ruộng lúa không chỉ là mô hình kinh tế hiệu quả mà còn trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân. 

Tết Cá của người Tày ở xã Mậu Duệ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Hàng năm, thời điểm chuẩn bị thu hoạch lúa mùa (tháng 9 Âm lịch) là mùa cá chép ruộng ở Yên Minh.

Bắt vô số cá chép ruộng lúa ở Hà Giang, con nào cũng tươi roi rói, bé thôi mà nhiều người muốn mua - Ảnh 1.

Người dân thôn Cốc Cai bắt cá chép nuôi trong ruộng lúa, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Mậu Duệ là một trong những địa phương có diện tích lúa nhiều nhất huyện Yên Minh. Ở những thôn vùng thấp như: Cốc Cai, Nà Bưa, Nà Ngoa, Pắc Luy… có nguồn nước dồi dào để sản xuất lúa 2 vụ/năm, đem lại năng suất cao, đảm bảo lương thực cho người dân. 

Nhưng phấn khởi nhất đối với bà con nơi đây trong vụ lúa mùa (từ tháng 7 – 10) họ không chỉ được thu hoạch lúa mà còn thu được rất nhiều cá chép nuôi trong ruộng. 

Cá chép ruộng không chỉ nguồn thực phẩm quan trọng mà còn là sản phẩm không thể thiếu trên mâm cỗ và các trò chơi dân gian trong ngày Tết Cá (9.9 Âm lịch) hàng năm của người Tày ở Mậu Duệ.

Anh Nguyễn Văn Cường, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Cai chia sẻ: Từ xa xưa, người Tày trên địa bàn xã đã nghĩ ra cách tận dụng nguồn nước dồi dào và thời tiết ấm trong vụ mùa để thả cá chép vào ruộng lúa nuôi. 

Vừa tận dụng được nguồn nước ra vào thường xuyên vừa tận dụng thời gian cây lúa trổ đòng, phấn hoa rụng xuống cung cấp thức ăn cho cá. Đồng thời cá chép còn giúp hạn chế các loài gây hại như ốc bươu vàng... 

Vì vậy, sau 3 tháng trồng lúa, cá chép nuôi trong ruộng rất béo và ngon. Lâu dần đây trở thành bản sắc văn hóa của người dân. Từ xa xưa, các cụ trong làng đã chọn ngày 9.9 Âm lịch hàng năm là ngày Tết Cá.

Theo truyền thống của người Tày ở Mậu Duệ, trong ngày Tết Cá, các gia đình phải dâng lên thần linh, Tổ tiên mâm cỗ có những món ăn chế biến từ cá chép ruộng như: Cá rán, cá nướng than hoa, cá nấu canh măng chua, bánh trưng nhân cá, cá nướng ống lam… 

Trẻ em trong xã thì chọn những con cá to, khỏe nhất bắt được ở ruộng của gia đình mình để thi đua cá với nhau. Mỗi con cá được buộc một chiếc phao vào vây lưng và té nước đuổi bơi ngược dòng suối, con cá nào đến đích trước người chơi sẽ thắng cuộc…

Không chỉ người Tày ở Mậu Duệ mới nuôi cá chép ruộng. Theo thông tin từ Phòng NNPTNT huyện Yên Minh, người Dao, Giấy, Xuồng các địa phương khác trên địa bàn huyện trồng nhiều lúa nước như: Na Khê, Đông Minh, Mậu Long, Ngọc Long, Du Già, Du Tiến, Lao Và Chải, thị trấn Yên Minh… đều có hộ nuôi cá chép ruộng. 

Để khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi cá chép ruộng, năm 2019, huyện sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo mua cá giống để thực hiện mô hình nuôi cá chép ruộng với hình thức đầu tư có thu hồi 20% sau 1 năm.

Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Minh, Nguyễn Văn Chương cho biết: Huyện đã hỗ trợ 316 hộ, với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Diện tích ruộng lúa các hộ thả nuôi cá chép trên 51ha. Qua đó giúp các hộ có nguồn giống để nhân rộng diện tích nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. 

Hiện nay, diện tích nuôi cá chép ruộng ở các xã không chỉ được duy trì mà còn nâng lên gần 54 ha, với giá bán bình quân từ 120.000 – 150.000 đồng/kg cá chép ruộng, mang lại thu nhập thêm cho các hộ trên 10 triệu đồng/ha/năm.

Với tập quán canh tác, sản xuất lâu đời của người Tày ở Mậu Duệ và những giá trị văn hóa trong Tết Cá, năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Tết Cá người Tày Mậu Duệ. 

Cùng với diện tích trồng lúa gần 2.700ha/năm, tiềm năng và giá trị phương thức nuôi cá chép ruộng lúa ở Yên Minh là rất lớn. 

Mô hình nuôi cá chép ruộng lúa phù hợp với những định hướng phát triển nông nghiệp đặc trưng gắn với chủ trương của tỉnh bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc các dân tộc phục vụ phát triển du lịch. 

Hy vọng mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa này tiếp tục được nhân rộng và phát triển, không chỉ mang lại thu nhập, thực phẩm cho các gia đình, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương mà còn trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm cho du khách trên hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn.

Duy Tuấn (Báo Hà Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem