Cá chép “giả” đủ loại được chị em lùng mua, chuyên gia phong thuỷ nói gì?

Hồng Cảnh Thứ ba, ngày 25/01/2022 08:11 AM (GMT+7)
Cùng với cá chép đỏ đang bơi, nhiều chị em lựa chọn mua cá chép làm bằng xôi, đậu xanh, thạch, giò để cúng ông Công ông Táo với giá từ 30-110 nghìn đồng/con.
Bình luận 0

Được coi là “phương tiện” duy nhất giúp Táo quân lên chầu trời, vì vậy, vào ngày 23 tháng Chạp, hầu hết các gia đình đều tìm mua cá chép về làm lễ cúng ông Công ông Táo.

Vừa mua 3 con cá chép về làm lễ cúng ông Công ông Táo với giá 50 nghìn đồng, chị Hương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngoài việc đưa ông Táo về trời thì cá chép sau khi cúng được mang đi phóng sinh mới thể hiện được ý nghĩa.

img

Nhiều người cho rằng, ngày 23 tháng Chạp bắt buộc phải cúng cá chép thật.

“Theo phong tục cổ truyền thì ngày 23 tháng Chạp phải dùng cá chép sống để cúng Táo Quân. Sau khi cúng xong, cá chép được phóng sinh ra môi trường sống của chúng, gặp Vũ Môn mới có thể “hoá rồng” lên trời được”, chị Hương nói.

Ngoài việc mua cá chép thật còn sống, đang bơi với giá từ 10-20 nghìn đồng/con và phóng sinh sau khi cúng, nhiều người vẫn lựa chọn cá chép “giả” làm từ giấy hoặc xôi, thạch, chè kho với giá cao hơn.

img

Xôi cá chép được bán với giá từ 20-30 nghìn đồng/con.

Chị Hoa, trú tại Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm nào chị cũng mua xôi cá chép thay vì cá chép sống về làm lễ, vừa tiện lợi, không phải mất công đi thả lại có thể thụ lộc ngay sau khi cúng.

“Mấy năm trước tôi cũng đi mua cá chép về cúng rồi mang đi phóng sinh nhưng tôi thấy nước hồ gần nhà quá ô nhiễm. Những con cá chép được người dân thả sáng thì chiều chết nổi lềnh phềnh, vừa ô nhiễm lại vừa mất ý nghĩa “phóng sinh” nên năm nay, tôi mua 3 đĩa xôi hình cá chép với giá 25 nghìn đồng/đĩa về cúng”, chị Hoa nói.

img

Ngoài xôi cá chép, trên thị trường còn bán thạch cá chép.

Cũng lựa chọn mua chả hoa cá chép về cúng ông Công ông Táo, chị Nguyễn Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, so với giá mua 3 con cá chép thật thì giá chả hoa cao cấp 10 lần.

“Mỗi con cá chép đang bơi bán tại chung cư chỗ tôi chỉ 10 nghìn đồng nhưng cúng xong lại phải mang đi thả. Cũng có năm tôi đang cúng thì cá nhảy ra khỏi chậu, mèo chạy đến cắp mang đi. Hơn nữa, lượng túi nilon sau khi thả cá chép cũng gây ô nhiễm môi trường, chưa kể nhiều chỗ thả cá bên này thì bên kia họ chích điện”, chị Hạnh nói.

img

Set thạch cá chép có giá 75 nghìn đồng/3 con.

Với chả hoa cá chép, chị Hạnh mua với giá 110 nghìn đồng/con, 3 con là 330 nghìn đồng. Sau khi cúng, cả nhà hạ lễ xuống và thưởng thức luôn.

“Tôi nghĩ cá chép thật hay giả chỉ là tượng trưng và là do quan niệm của mỗi người. Nhiều người bảo không nên cúng cá chép giả nhưng tôi nghĩ, mình cúng tiền giả, quần áo, giầy dép, mũ mã giả thì không có lí gì lại cần cưỡi chép thật mới về được trời. Việc phóng sinh cá chép vừa gây lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường”, chị Hạnh phân tích.

img

Cá chép chỉ mang tính biểu tượng nên việc cúng cá chép thật hay cá chép "giả" đều được.

Theo Chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Hoàng, cá chép chỉ là một biểu tượng của sự cầu phúc. Nhờ lòng thương xót chúng sinh mà quyết tâm vượt vũ môn để hóa rồng cứu độ. Mượn uy cá chép để tiễn ông Táo về Trời là thể hiện lòng thành kính và gửi gắm thông điệp hiếu tôn đến Ngọc Hoàng Thượng Đế.

“Việc phóng sinh cá chép mới xuất hiện sau này khi có sự du nhập và giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Vì vậy, cá chép chỉ là biểu tượng, không cứ là cá chép sống, quan trọng là hiểu đúng thì hành động tùy tâm diễn cảnh”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem