Bộ Quốc phòng kiến nghị các trường quân đội được đào tạo một số ngành "hot"

Tào Nga Thứ năm, ngày 14/12/2023 11:13 AM (GMT+7)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng đề nghị, nghiên cứu bổ sung huy động các cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao và cấp thiết.
Bình luận 0

Nghị quyết 29: Kiến nghị từ các trường đại học 

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" được Bộ GDĐT tổ chức sáng 14/12, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng cho biết, sau hơn 20 năm, các trường trong quân đội đào tạo trên 93.000 người trình độ ở hệ dân sự. Thực hiện Nghị quyết 29, từ 2017, Bộ Quốc phòng chỉ đạo giảm dần đào tạo hệ dân sự. Đến năm 2020 dừng tuyển sinh đào tạo hệ này. Hiện các trường trong thuộc Bộ Quốc phòng được sắp xếp theo hướng chuyên sâu.

Dự báo tình hình thế giới khó lường, xuất hiện hình thái mới là "tấn công mạng" nên nhu cầu nhân lực trên lĩnh vực an toàn mạng rất lớn. Xuất phát từ thực tiễn, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh nhấn mạnh, việc các trường trong quân đội đào tạo không chỉ góp phần bổ sung nhân lực cho xã hội mà còn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng.

Vì thế, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng đề nghị nghiên cứu bổ sung huy động các cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao và cấp thiết.

Bộ Quốc phòng kiến nghị các trường quân đội được đào tạo một số ngành "hot" - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Bộ GDĐT

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW với mong muốn sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương nhận diện một cách khách quan, đầy đủ, sâu sắc bức tranh giáo dục cả nước trong 10 năm qua, những kết quả đạt được, chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29: Giáo dục và đào tạo phát triển mạnh mẽ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ GDDT

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhìn nhận, giáo dục đại học phát triển theo tinh thần Nghị quyết, công tác quản lý nhà giáo về giáo dục, đào tạo nói chung, đại học nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực, phát triển hài hòa giữa trường công lập và ngoài công lập, cơ sở đào tạo xây dựng nhiều mô hình đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, còn nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp với tự chủ đại học. Việc triển khai tự chủ đại học thiếu lộ trình rõ ràng; một số trường e ngại thực hiện tự chủ, có trường hiểu sai về tự chủ và lúng túng, làm chưa đúng quy định của pháp luật.

Từ thực tiễn, PGS.TS Bùi Anh Tuấn kiến nghị: Rà soát văn bản lại để điều chỉnh, sửa đổi hợp lý; xem xét xây dựng Nghị định mới về tự chủ đại học để thúc đẩy tự chủ, khuyến khích đầu tư tư nhân vào đại học, tăng cường giám sát của Nhà nước, hoàn thiện mô hình tự chủ đại học; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo. Các trường cần có nhận thức đúng về tự chủ đại học, cần thống nhất thiết chế giữa hội đồng trường, ban giám hiệu…

PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhìn nhận, Nghị quyết 29/NQ-TW có tính thực tiễn rất cao và đi vào đời sống. Chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đã bước đầu phát triển, đáp ứng được yêu cầu của các đối tác lớn về công nghệ.

Nhà trường đưa ra 3 ý kiến. Thứ nhất, Nhà nước cần có các quy hoạch về giáo dục đại học một cách rõ ràng, nhất là với các trường tự chủ. Nếu tự chủ nhưng không được hỗ trợ từ xã hội thì sẽ còn nhiều khó khăn. Cần có định hướng rõ ràng về cơ chế từ Bộ GDĐT.

Thứ hai, hiện có một số trường đại học ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và đã tạo ra những hiệu quả. Tầm nhìn từ nay đến năm 2030, nước ta nên đầu tư thí điểm vào một số trường ĐH có sức ảnh hưởng với nước ngoài để nâng tầm chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam.

Thứ ba, sinh viên là lực lượng tinh hoa của đất nước. Các em cần được định hướng, có sự gắn kết của doanh nghiệp và nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, xã hội để tạo động lực học tập, hình thành trí thức mới, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số của nước nhà.

Nhiều thành tựu nhưng cũng không ít khó khăn từ các tỉnh thành

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, những định hướng đổi mới giáo dục-đào tạo quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW đã tạo điều kiện cho giáo dục TP.HCM phát huy thế mạnh, đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ dám làm, và sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. TP.HCM dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỉ đồng/năm; hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy - học tiên tiến, hiện đại.

Còn ông Dương Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, sự nghiệp GDĐT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Tuy nhiên, về khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu, còn 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép, thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời, vẫn còn tình trạng thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1.029 giáo viên so với định mức quy định. Giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn, cơ chế chưa đảm bảo.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề xuất Chính phủ quan tâm một số nội dung: Xem xét ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường có mô hình bán trú dân nuôi, nội trú, trường có đông học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn; mở rộng trường hợp thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ đối với học viên học trung cấp nghề tham gia học chương trình GDTX cấp THPT nhằm góp phần thực hiện phân luồng sau tốt nghiệp THCS.

Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước ta. Trong 10 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành trên cả nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với nguồn đầu tư ngân sách lớn cho giáo dục, diện mạo trường lớp ở các địa phương đã thay đổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem