Bộ GDĐT khẳng định thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024 sẽ được làm bài riêng năm 2025

Tào Nga Thứ hai, ngày 04/03/2024 13:59 PM (GMT+7)
Trước băn khoăn lo lắng của học sinh trong mấy ngày qua về việc học sinh học chương trình cũ thi trượt tốt nghiệp sẽ phải thi chương trình mới, Bộ GDĐT khẳng định: Học sinh học chương trình nào sẽ thi tốt nghiệp chương trình đó.
Bình luận 0

Ngày 4/3, Bộ GDĐT một lần nữa khẳng định lại thông tin xoay quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình mới. 

Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh. Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Năm 2024 là năm cuối cùng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GDĐT khẳng định thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024 sẽ được làm bài riêng năm 2025- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Trước đó, Bộ GDĐT đã công bố chính thức phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Theo đại diện Bộ GDĐT, thí sinh học chương trình cũ bị trượt tốt nghiệp năm 2024 phải thi cùng thí sinh học chương trình mới năm 2025 thì Bộ GDĐT sẽ tổ chức thi với 2 nội dung khác nhau.

Chia sẻ về này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Bộ GDĐT sẽ tổ chức kỳ thi với 2 nội dung thi khác nhau cho thí sinh học chương trình cũ và thí sinh học chương trình mới. Các em học chương trình nào sẽ thi nội dung đó. Dù tốn kém kinh phí hơn nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được thi đúng chương trình học để đạt kết quả tốt nhất".

Về việc thí sinh học tổ hợp này nhưng chọn môn lựa chọn ở tổ hợp khác được không, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay: "Hiện nay có tới 9 tổ hợp môn và học sinh có thể thay đổi lựa chọn đến lớp 12. Phương án thi đã ghi rõ, 2 môn lựa chọn phải nằm trong chương trình học lớp 12 của học sinh. Việc này cũng là căn cứ để Bộ GDĐT đánh giá ngược lại về chất lượng dạy và học.

Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thực hiện giảm môn học bắt buộc và tăng môn lựa chọn để chuyển sang nền giáo dục học để làm, học theo thực tiễn chứ không phải học để thi".

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT), cũng khẳng định: “Nguyên lý chung là các em học theo chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Do đó các em hoàn toàn có thể yên tâm, rằng không phải học theo chương trình 2006 mà phải thi theo chương trình phổ thông 2018”.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem