Bộ GD-ĐT phản hồi ra sao khi TP.HCM đề xuất kéo dài năm học?

Tào Nga Thứ hai, ngày 30/08/2021 16:45 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT đã trả lời PV báo Dân Việt trước đề xuất của TP.HCM về việc kéo dài năm học.
Bình luận 0

Trong Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 diễn ra sáng 28/8 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiến nghị Bộ GD-ĐT "xem xét kéo dài năm học, nhất là với học sinh lớp 1, 2, 3". Theo ông Đức, lý do là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến học sinh không thể đến trường học trực tiếp, trong khi việc học trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng giáo dục như học trực tiếp. 

Năm học 2021-2022, học sinh trung học tại TP.HCM sẽ học trực tuyến bắt đầu từ ngày 1/9, còn bậc tiểu học từ ngày 8/9. Học sinh mầm non bắt đầu năm học muộn hơn khi tình hình dịch bệnh ổn định. TP.HCM cũng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế và chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho việc học trực tuyến hết học kỳ I. Các địa phương kiểm soát dịch tốt sẽ tổ chức dạy trực tiếp ngay khi đủ điều kiện, tận dụng tối đa thời gian dạy trực tiếp, đặc biệt với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và lớp cuối cấp.

Tuy nhiên, việc lùi thời gian bắt đầu năm học cùng với đề xuất kéo dài năm học khiến nhiều phụ huynh băn khoăn về đảm bảo khung thời gian cũng như nội dung chương trình học. 

TP.HCM đề xuất kéo dài năm học, Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: MOET

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, cho hay: "Trong khung thời gian năm học bắt đầu khai giảng từ 5/9 đến 31/5 đã có 2 tuần ở mỗi kỳ nằm trong quỹ thời gian dự phòng có sẵn. 

Bên cạnh đó, theo Công văn số 2551/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 các tỉnh thành có thể kéo dài năm học đến ngày 15/6 so với quy định để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp đặc biệt. Như vậy, các tỉnh thành đã có thêm 4 tuần để hoàn thành chương trình năm học mà không cần phải xin thêm. 

"Ngoài ra, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học, thời gian thực học là 35 tuần với chương trình 1 buổi/ngày, 6 buổi/tuần. Các trường chủ động sắp xếp nội dung giảng dạy trong thời gian ít hơn 35 tuần và chương trình hoàn toàn có thể nằm trong khung kế hoạch năm học", ông Thành cho hay.

Chia sẻ thêm về việc dạy học online khó đảm bảo chất lượng, ông Thành cho biết: "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rõ tinh thần năm học này đặc biệt khó khăn do tình hình dịch bệnh. Do vậy, Bộ trao quyền cho từng địa phương, từng trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo văn bản hướng dẫn số 3699 về việc tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp. 

Cụ thể, các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT, trong đó bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương. 

Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến. Thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem