Biến bẹ dừa tưởng bỏ đi thành thứ gì mà người đàn ông Quảng Nam làm ra loại tranh có một không hai?

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ bảy, ngày 02/09/2023 11:00 AM (GMT+7)
Những tưởng bẹ dừa nước chỉ là đồ bỏ đi, nhưng trong con mắt của anh Trương Tấn Thọ (45 tuổi, trú thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đó lại là nguồn nguyên liệu quý để hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Bình luận 0

Niềm đam mê với văn hoá thuần Việt

Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng "Vườn giấy Việt", trong không gian gần gũi với thiên nhiên, anh Thọ tâm sự: "Là một người con của vùng đất Nam Phước (Duy Xuyên), tôi sớm xa quê hương vào TP.HCM mưu sinh qua nhiều ngành nghề như: thiết kế quảng cáo, mỹ thuật, in ấn, kinh doanh đồ lưu niệm…. Khi đã gầy dựng được cơ ngơi tại chốn thành thị, tôi vẫn luôn trăn trở, mong muốn trở về quê để làm điều gì đó có ý nghĩa hơn".

Người đàn ông Quảng Nam “phù phép” rác thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo  - Ảnh 1.

Anh Thọ giới thiệu phòng trưng bày các sản phẩm của “Vườn giấy Việt” tại 146 Trần Phú (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: T.N.

Tình cờ, anh gặp 2 người bạn có chung niềm đam mê nghệ thuật thuần Việt tại Rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh. Khi đó, du lịch Hội An rất phát triển nhưng những sản phẩm lưu niệm chưa thể hiện rõ ràng nét văn hoá Việt, nghề thủ công truyền thống còn mong manh.

Hoạt động sản xuất xưởng "Vườn giấy Việt" của anh Trương Tấn Thọ trú thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.N.

Xã Cẩm Thanh được mệnh danh là "miền Tây thu nhỏ" của Quảng Nam, nơi đây bạt ngàn những rừng cây dừa nước. Một bộ phận người dân sinh sống dựa vào nghề truyền thống làm nhà bằng tre và dừa, vì thế những bẹ lá dừa thường bị vứt bỏ và trở thành rác.

Người đàn ông Quảng Nam “phù phép” rác thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo  - Ảnh 2.

Bẹ dừa được chẻ nhỏ và ngâm nước vôi để loại bỏ mủ và nhựa cây, giúp độ tinh của tờ giấy tốt hơn. Ảnh: T.N.

Từ đó, anh và những cộng sự loé lên ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương để làm ra giấy. Dám nghĩ dám làm, năm 2015, anh Thọ bỏ phố về quê để xây dựng "Vườn giấy Việt", tạo nên những sản phẩm nghệ thuật mang đặc trưng riêng của Hội An.

Anh Thọ cho biết, được sự giúp sức từ 2 người bạn có kiến thức sâu về làm giấy, cộng thêm quá trình anh tự mày mò học hỏi, nên kỹ thuật sản xuất giấy không phải là điều anh lo lắng nhất. Thay vào đó là nguồn vốn đầu tư và công tác chuẩn bị sản xuất.

Người đàn ông Quảng Nam “phù phép” rác thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo  - Ảnh 3.

Bẹ dừa được nghiền mịn, sau đó ủ bột và trở thành nguyên liệu làm giấy. Ảnh: T.N.

Để bắt tay vào khởi nghiệp làm giấy dừa, anh Thọ đã phải bán nhà tại TP.HCM và vay mượn thêm từ bạn bè. Khi mọi thứ chỉ chờ ngày đi vào hoạt động thì ngày khai trương chủ cho thuê đất lấy lại xưởng để bán đất, anh phải chật vật tìm thuê chỗ mới. Thêm vào đó, các đối tác huỷ hợp đồng khiến anh không tìm được đầu ra, gồng gánh thêm chi phí mua nguyên liệu, máy móc, nhân công… khiến anh mất trắng 2 tỷ đồng.

Người đàn ông Quảng Nam “phù phép” rác thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo  - Ảnh 4.

Khi người thợ muốn vẽ tranh, thì tùy vào mục đích mà rải bột theo những hình thù riêng. Ảnh: T.N.

Đứng trước những khó khăn, thử thách, 2 cộng sự của anh đã rời đi. Riêng anh vẫn luôn trăn trở về giá trị văn hoá trong sản phẩm nghệ thuật giấy dừa nước. Anh Thọ chia sẻ: "Những mất mát về vật chất không khiến tôi nản lòng, bởi "cái lửa" đam mê trong tâm vẫn rực cháy. Vì vậy, từ năm 2017, tôi quyết định một mình bước tiếp con đường đã chọn, với khao khát tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian thuần Việt".

Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ "rác"

Theo anh Thọ, công thức làm giấy dừa nước cũng giống với cách làm giấy xưa nay. Từ những bẹ dừa nước vốn bị người dân vứt bỏ, anh thu mua về chẻ nhỏ, ngâm nước vôi từ 2-7 ngày để loại bỏ mủ và nhựa cây, giúp độ tinh của tờ giấy tốt hơn. Sau đó đem nấu chín trên bếp củi trong 24 tiếng, rồi bỏ vào máy nghiền thành bột.

Người đàn ông Quảng Nam “phù phép” rác thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo  - Ảnh 5.

Người thợ sẽ điều chỉnh áp lực vòi nước để làm cho bột giấy trải đều. Ảnh: T.N.

Bột dừa được ủ thêm một thời gian để vớt sạch phần nhựa cây còn đọng lại, sau khi đạt yêu cầu sẽ đem pha với nước. Tiếp đó người thợ sẽ dùng một khuôn lụa để hứng và rải đều bột dừa lên trên là sẽ thu được giấy dừa thô. Khung giấy sẽ được phơi nắng 1-2 ngày hoặc sấy khô.

Khi người thợ muốn vẽ tranh thì tùy vào mục đích mà rải bột theo những hình thù riêng. Anh Thọ phải vẽ tay những họa tiết, hình ảnh, sao chụp và vẽ lại trên máy, in decal, cắt và dán lên khuôn để tạo nên một khuôn in hoàn chỉnh.

Người đàn ông Quảng Nam “phù phép” rác thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo  - Ảnh 6.

Tiếp đó đắp decal lên mặt lưới bột và xịt nước để hình ảnh hiện trên khung. Ảnh: T.N.

Người thợ vẽ tranh bằng cách in tấm decal lên mặt lưới bột, dùng vòi xịt nước trên tấm decal và xung quanh khung. Đến khi cảm nhận được nét hoa văn đã hiện rõ trên khung thì tháo decal và chỉnh sửa lại, hoàn thành bức tranh.

Kỹ thuật in này đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo để điều chỉnh áp lực nước mạnh hay nhẹ, tạo nên những lớp hoa văn đậm nhạt theo ý muốn trên mặt giấy.

Bên cạnh làm giấy và tranh từ bẹ dừa nước, anh Thọ còn sản xuất giấy gói các mặt hàng socola, trà, bánh. Đặc biệt, những sản phẩm của anh đều mang "hồn Việt" qua những hình ảnh quen thuộc như: chim hạc, hoa sen, luỹ tre, áo dài, phố cổ Hội An, chùa Cầu….

Người đàn ông Quảng Nam “phù phép” rác thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo  - Ảnh 7.

Sau khi xịt bằng áp lực nước, bức tranh sẽ hiện trên khung, sau đó phơi nắng và hoàn thiện. Ảnh: T.N.

Giá mỗi bức tranh giấy dừa dao động từ 1-10 triệu đồng (tuỳ theo yêu cầu của khách hàng). Anh Thọ từng bán một bức tranh phong cảnh với kích thước 2mx1m80 cho khách trang trí biệt thự. Để hoàn thiện bức tranh "khủng" này anh mất hơn 1 tuần và bán với giá 80 triệu đồng.

Ngoài ra, anh Thọ còn sáng tạo nên những sản phẩm như ví, túi xách, nón, quạt… Qua đó, anh mong muốn giấy sẽ thay thế được những chất liệu nilon để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Anh Thọ chia sẻ: "Những cây tre, trúc, nứa, dâu tằm đều làm được giấy, nhưng trong bối cảnh hệ sinh thái của Hội An, nguyên liệu dừa nước phong phú sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất lâu dài và ổn định. Mới đây, tôi cho ra dòng giấy mới được làm từ cây lục bình, giúp người dân có thêm thu nhập, đồng thời góp phần khơi thông dòng chảy, cân bằng hệ sinh thái".

Người đàn ông Quảng Nam “phù phép” rác thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo  - Ảnh 8.

Những sản phẩm đậm chất nghệ thuật được làm nên từ giấy dừa. Ảnh: T.N.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay anh Thọ đã xây dựng "Vườn giấy Việt" có chỗ đứng vững trên thị trường. Những dòng sản phẩm từ giấy dừa nước được tiêu thụ mạnh, phân phối trên cả nước, nhờ đó anh thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm.

Xưởng sản xuất đang tạo việc làm ổn định cho 6 nhân công với mức lương dao động từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, anh còn đào tạo nghề cho nhiều thanh niên địa phương.

Anh Thọ tâm niệm: "Tôi sẵn sàng truyền đạt tất cả kinh nghiệm mình có cho những ai thực sự yêu thích nghề truyền thống, biết nâng niu giá trị nghệ thuật văn hoá Việt, từ đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp bước tôi lưu giữ và tôn vinh nó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem